Với Việt Nam, tác động đến thị trường BĐS và TTCK là chưa đáng kể, vì chủ đề EG không phải là vấn đề mới, thực tế doanh nghiệp này đã thực sự khó khăn từ cuối năm 2021, theo TS. Cấn Văn Lực.
Với Việt Nam, tác động đến thị trường BĐS và TTCK là chưa đáng kể, vì chủ đề EG không phải là vấn đề mới, thực tế doanh nghiệp này đã thực sự khó khăn từ cuối năm 2021, theo TS. Cấn Văn Lực.
Ngày 17/8, China Evergrande Group, một trong những doanh nghiệp bất động sản hàng đầu Trung Quốc đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 15 tại New York, Mỹ.
Xung quanh sự kiện này, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đã chia sẻ những nhận định nhanh về tác động tới thị trường tài chính, bất động sản toàn cầu và với Việt Nam.
Theo TS. Cấn Văn Lực, việc nộp đơn xin bảo hộ phá sản của Tập đoàn Ever Grande (EG) này cũng như 2 công ty con của EG (là Scenery Journey và Tianji cho phép Tòa án Mỹ vào cuộc đối với trường hợp phá sản của 1 doanh nghiệp nước ngoài. Đồng thời, hỗ trợ quá trình hợp tác giữa Tòa án Mỹ, các tòa án nước ngoài liên quan và các chủ nợ liên quan trong quá trình, thủ tục phá sản xuyên biên giới.
Tính đến cuối năm 2022, tổng nợ của EG là 340 tỷ USD, lỗ 81 tỷ USD trong 2 năm (2021-2022), đã nộp Đề án tái cơ cấu đầu năm 2023 và đã đạt thỏa thuận, cam kết nhất định từ các chủ nợ.
Theo đó, EG kỳ vọng sẽ hồi phục, trở lại hoạt động bình thường trong 3 năm, nhưng sẽ cần bổ sung nguồn tài trợ khoảng 40 tỷ USD. Thực tế, EG đang tái cơ cấu và đã bán cổ phẩn chiến lược của công ty xe điện thuộc Tập đoàn EG cho 1 doanh nghiệp đóng tại Dubai với vốn góp khoảng 500 triệu USD (28% vốn cổ phần của Công ty xe điện này). EG cũng đang đàm phán tái cơ cấu với các chủ nợ, nhà đầu tư ở HK, Đảo Cayman và BVI.
Với thị trường tài chính và bất động sản (BĐS) toàn cầu sẽ chưa có tác động gì nhiều, do việc bảo hộ phá sản doanh nghiệp là khá phổ biến ở Mỹ, nhất là thời điểm khó khăn. Tuy nhiên, đây là doanh nghiệp BĐS rất lớn của Trung Quốc, hoạt động khá rộng, chưa thấy khả năng phục hồi rõ nét, nên cũng là mối quan tâm của các nhà đầu tư, của TTCK Mỹ và các thị trường có hoạt động của EG.
Với Việt Nam, tác động đến thị trường BĐS và TTCK là chưa đáng kể, vì chủ đề EG không phải là vấn đề mới, thực tế doanh nghiệp này đã thực sự khó khăn từ cuối năm 2021. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách, nhà đầu tư, nhất là trên thị trường BĐS, chứng khoán, ngân hàng, quỹ đầu tư....cũng cần theo dõi sát sao, có phân tích, dự báo và có giải pháp ứng phó phù hợp.
“Hành động này thể hiện tính "chủ động" của doanh nghiệp và chấp nhận công khai tình hình hoạt động và kể cả việc nộp đơn bảo hộ phá sản. Khả năng phục hồi phục thuộc khá lớn vào khả năng đàm phán với các nhà đầu tư, chủ nợ về tái cơ cấu nợ, sự hỗ trợ hiệu quả của các chính sách của Chính phủ TQ, cũng như nỗ lực quyết liệt của bản thân EG.
Chúng ta hy vọng Chính phủ Trung Quốc tiếp tục sẽ có những hành động, chính sách hỗ trợ quyết liệt hơn đối với thị trường BĐS nói chung và EG nói riêng trong thời gian tới”, Ts.Cấn Văn Lực chia sẻ.
Trung Kiên