Cưỡng chế thuế 2 doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm; TP HCM sẽ kiểm tra loạt chung cư tranh chấp kéo dài; Xử phạt 2 doanh nghiệp 'bán chui' dự án HUD Mê Linh… Là những tin tức bất động sản đáng chú ý trong tuần qua.
Cưỡng chế thuế 2 doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm; TP HCM sẽ kiểm tra loạt chung cư tranh chấp kéo dài; Xử phạt 2 doanh nghiệp 'bán chui' dự án HUD Mê Linh… Là những tin tức bất động sản đáng chú ý trong tuần qua.
Cưỡng chế thuế 2 doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm
Cục Thuế TP HCM vừa ban hành quyết định cưỡng chế hai công ty trúng đấu giá đất ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm đối với số tiền sử dụng đất phải nộp đợt 1, do quá thời hạn 90 ngày theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Cuối năm 2021, tại phiên đấu giá một số lô đất ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Công ty CP Dream Republic trúng đấu giá lô đất số 3-5 (diện tích 6.446 m2). Doanh nghiệp này phải đóng 3.820 tỉ đồng tiền sử dụng đất và 500 triệu đồng lệ phí trước bạ. Công ty CP Sheen Mega trúng đấu giá lô đất số 3-8 (diện tích 8.568,1m2) phải đóng 4.000 tỉ đồng tiền sử dụng đất.
Theo quy định, trong vòng 30 ngày kể từ ngày 6/1/2022 (thời điểm Cục Thuế TPHCM ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất, doanh nghiệp trúng đấu giá đất phải đóng lệ phí trước bạ và 50% tiền sử dụng đất đợt 1); chậm nhất trong 90 ngày, các đơn vị trúng đấu giá nộp 50% số tiền sử dụng đất còn lại.
Như vậy, tính đến hết ngày 6-5, thời hạn 90 ngày phải nộp lệ phí trước bạ và 50% số tiền sử dụng đất của hai công nêu trên đã hết. Theo đó, trong số hơn 7.800 tỉ đồng phải nộp, cơ quan thuế quyết định cưỡng chế số tiền phải nộp của đợt 1 là hơn 3.900 tỉ đồng( lệ phí trước bạ vào 50% số tiền sử dụng đất). Quyết định này đồng thời được cơ quan thuế gửi đến một số ngân hàng để phối hợp thực hiện.
Xử phạt 2 doanh nghiệp 'bán chui' dự án HUD Mê Linh
Sở Xây dựng Hà Nội vừa có quyết định xử phạt các vi phạm trong hoạt động kinh doanh bất động sản của Công ty Cổ phần Đầu tư và kinh doanh Bất động sản Gia Khánh và Công ty Cổ phần dịch vụ bất động sản Nhà đẹp giá gốc. Tổng số tiền hai doanh nghiệp này bị xử phạt là 420 triệu đồng.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, vi phạm của hai doanh nghiệp này là không được sự ủy quyền và không có văn bản cho phép của Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) để thực hiện mua, bán, huy động vốn đối với dự án Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 tại huyện Mê Linh (Hà Nội).
Trong đó, hành vi vi phạm của Bất động sản Gia Khánh là kinh doanh dịch vụ bất động sản mà không thành lập doanh nghiệp theo quy định hoặc không đủ số người có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản; không thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.
Do đó, ngoài phạt tiền, công ty này còn bị đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản trong 6 tháng. UBND TP Hà Nội yêu cầu công ty phải thành lập doanh nghiệp khi kinh doanh dịch vụ bất động sản hoặc buộc có đủ số người có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản; buộc thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.
Còn đối với Bất động sản Nhà đẹp giá gốc cũng vi phạm khi kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản không thực hiện chế độ báo cáo theo quy định. Vì vậy, doanh nghiệp này cũng buộc thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.
Thời gian thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với cả 2 công ty là 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt của UBND TP Hà Nội. Nếu quá thời hạn trên mà 2 công ty này không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.
TP HCM sẽ kiểm tra loạt chung cư tranh chấp kéo dài
Sở Xây dựng Tp.HCM có văn bản gửi UBND TP về kiểm tra tình hình quản lý, sử dụng nhà chung cư (NCC) được xây dựng từ năm 2005 đến nay, đã đưa vào sử dụng trên địa bàn (nếu xét thấy cần thiết, có thể mở rộng phạm vi đối tượng kiểm tra).
Nội dung kiểm tra gồm: Pháp lý đầu tư xây dựng; tình hình quản lý sử dụng; quỹ bảo trì, an toàn phòng cháy chữa cháy, hoạt động của ban quản trị, nghĩa vụ của chủ đầu tư. Thời gian kiểm tra từ nay đến hết tháng 7/2022.
Đối tượng kiểm tra là chủ đầu tư, ban quản trị và đơn vị quản lý vận hành NCC; chủ sở hữu, người sử dụng NCC và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Thời gian kiểm tra, từ nay đến hết tháng 7.
Thời gian qua, Sở Xây dựng TP HCM tiếp nhận ngày càng nhiều các thông tin phản ánh, kiến nghị và tranh chấp liên quan đến nhà chung cư. Qua rà soát, các nội dung phản ánh, kiến nghị và các tranh chấp chủ yếu liên quan đến quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư, ban quản trị, ban quản lý, đơn vị quản lý vận hành, chủ sở hữu, người sử dụng căn hộ... tại nhà chung cư.
Một số chung cư có nội dung phản ánh phức tạp, kéo dài, liên quan đến trách nhiệm của nhiều đơn vị quản lý hành chính các cấp. Do đó, cần phải tăng cường vị trí, vai trò và chức năng quản lý nhà chung cư tại địa phương, sự phối hợp của các Sở, ngành, quận huyện để cùng giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tránh tình trạng phản ánh khiếu nại kéo dài, vượt cấp.
Chủ đầu tư KĐT Hoàng Văn Thụ nợ thuế 123 tỷ đồng
Cục Thuế Hòa Bình vừa công khai danh sách 104 tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nợ thuế với tổng số tiền nợ hơn 334 tỷ đồng, trong đó Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đô thị Hoàng Mai nợ tới 123,5 tỷ đồng.
Theo Cục Thuế Hòa Bình, tính đến ngày 31/3 có 104 tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nợ thuế với tổng số tiền nợ hơn 334 tỷ đồng, bao gồm tiền thuế, tiền phạt và tiền chậm nộp. Trong đó đứng đầu là Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị Hoàng Mai (MST 0107697513) nợ hơn 123,5 tỷ đồng.
Tiếp đến là Công ty cổ phần Cơ khí lắp máy Sông Đà - Chi nhánh 1 (MST 5400240573-007) nợ hơn 37,3 tỷ đồng; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Ngọc Thảo Hòa Bình (MST 5400260280) nợ hơn 22,7 tỷ đồng; Chi nhánh Công ty cổ phần đầu tư thương mại Hưng Long tỉnh Điện Biên (MST 5600252488-001) nợ hơn 14,9 tỷ đồng; Công ty cổ phần Thương mại và dịch vụ An Thành (MST 5400235774) nợ hơn 10.3 tỷ đồng; Công ty cổ phần Khoáng sản Hòa Bình (MST 5400227011) nợ hơn 10,3 tỷ đồng…
Về Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đô thị Hoàng Mai, doanh nghiệp này được biết đến là chủ đầu tư một số dự án quy mô lớn tại Hà Nội. Trong đó có Dự án Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai). Dự án này có diện tích đất khoảng 22,56 ha nằm trên các phường Hoàng Văn Thu, Thịnh Liệt và Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
VARS: Đã xuất hiện bong bóng bất động sản cục bộ
Báo cáo thị trường bất động sản quý I năm nay của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) vừa công bố cho thấy, trong khi các ngành kinh doanh, dịch vụ nhìn chung gặp nhiều rủi ro, đặc biệt sau những biến cố bất ngờ về địa chính trị, bất động sản Việt Nam vẫn là thị trường thu hút dòng tiền đáng kể.
Bất động sản cũng vươn lên vị trí số 2 (năm 2021 bất động sản đứng vị trí thứ 3) thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đạt gần 600 triệu USD.
Cũng trong quý I, tình trạng “sốt đất” cục bộ tại một số địa phương có thông tin quy hoạch hạ tầng như sân bay, khu công nghiệp, cầu đường… Hiện tượng này đang được các cơ quan chức năng ra tay chấn chỉnh, nhằm đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh, hiệu quả.
VARS cũng chỉ ra những hiện tượng của thị trường như: Đã xuất hiện bong bóng cục bộ; giá đất nền các khu vực tăng theo các dự án; giá nhà tăng nhưng thanh khoản không tăng tương xứng…
Tuy nhiên, theo VARS, chính sách tín dụng thận trọng đã giữ cho thị trường vẫn ổn định về tổng thể. Cơ quan chức năng đang tập trung mạnh vào cùng cố thể chế và hành lang pháp lý…
Ngọc Lan/Sở hữu trí tuệ
Link nguồn: https://sohuutritue.net.vn/tin-bat-dong-san-noi-bat-trong-tuan-cuong-che-thue-2-doanh-nghiep-trung-dau-gia-dat-thu-thiem-d140122.html