Các công ty xây dựng hàng đầu Việt Nam gồm Xây dựng Hòa Bình, Coteccons, Central, An Phong đã lập liên danh Hoa Lư để tham gia gói thầu dự án xây dựng sân bay Long Thành trị giá hơn 35.000 tỷ đồng, cạnh tranh cùng hai nhà thầu ngoại.
Các công ty xây dựng hàng đầu Việt Nam gồm Xây dựng Hòa Bình, Coteccons, Central, An Phong đã lập liên danh Hoa Lư để tham gia gói thầu dự án xây dựng sân bay Long Thành trị giá hơn 35.000 tỷ đồng, cạnh tranh cùng hai nhà thầu ngoại.
Chiều 27/6, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (Mã: HBC) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023. Tại đây, ngoài dàn lãnh đạo của Xây dựng Hòa Bình lại có sự xuất hiện của loạt lãnh đạo các công ty xây dựng đối thủ trong ngành gồm: ông Bolat Duisenov, Chủ tịch HĐQT Coteccons (Mã: CTD), ông Trần Quang Tuấn - Chủ tịch CTCP Xây dựng Central, ông Nguyễn Khắc Đồng - Tổng Giám đốc CTCP Xây dựng An Phong.
Ông Lê Viết Hiếu - Phó Chủ tịch HĐQT HBC, giới thiệu rằng đây là các đối tác quan trọng của HBC trong liên danh Hoa Lư nhằm tham gia gói thầu dự án trọng điểm quốc gia sân bay Long Thành trị giá 35.000 tỷ đồng.
Dự kiến năm 2025, dự án Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành sẽ hoàn thành giai đoạn 1 đã không còn khả thi. Bởi tiến độ hoàn thành dự án phụ thuộc rất lớn vào kết quả đấu thầu gói thầu 5.10 - thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách sân bay Long Thành giai đoạn 1. Đây được đánh giá là một gói thầu rất quan trọng và quyết định tiến độ của dự án sân bay Long Thành.
Gói thầu 5.10 có tổng giá trị hơn 35.200 tỷ đồng - gói thầu lớn nhất của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, được mời thầu rộng rãi quốc tế từ tháng 9/2022. Do đó nhiều khả năng nhóm 4 doanh nghiệp xây dựng trên đã lập liên danh để cùng tham gia nộp hồ sơ dự thầu gói thầu số 5.10 trên.
Trước đó, tháng 11/2022, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (Mã: ACV) đã mở lần đầu với một liên danh nhà thầu tham gia nộp hồ sơ dự thầu (HSDT) gói 5.10. Sau đó, ACV phải hủy thầu vì nhà thầu không đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu.
Đến tháng 1/2023, ACV thực hiện mời thầu lần 2 Gói thầu số 5.10 với bảo đảm dự thầu 370 tỷ đồng, giá bán mỗi bộ hồ sơ mời thầu là 120 triệu đồng. Sau đó, ACV phải gia hạn thời gian nộp HSDT để điều chỉnh hồ sơ mời thầu, kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng từ 33 tháng lên 39 tháng nhằm thu hút thêm nhà thầu tham dự.
Ngày 15/6 vừa qua, ông Lại Xuân Thanh - Chủ tịch HĐQT ACV cho hay 3 nhóm nhà thầu tham dự gồm một nhóm đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, một nhóm đến từ Trung Quốc và một nhóm đến từ nhà thầu trong nước.
Hiện ACV đang bắt tay vào quá trình chấm thầu. Dự kiến thời gian chấm thầu mất ít nhất từ 1,5 tháng trở lên vì tính chất phức tạp của gói thầu.
CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (Mã: HBC) năm 2022 ghi nhận doanh thu thuần 14.149 đồng, tăng gần 25% so với năm 2021 và tăng nhẹ so với con số ở báo cáo tự lập. So với kế hoạch doanh thu năm, tập đoàn đạt gần 81% chỉ tiêu.
Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ sau kiểm toán âm 2.594 tỷ đồng, trong khi ở báo cáo tự lập chỉ lỗ ròng 1.138 tỷ đồng. Đây cũng là số lỗ lớn nhất của doanh nghiệp kể từ khi niêm yết.
Xây dựng Hoà Bình ghi nhận năm lỗ kỷ lục trong bối cảnh ngành xây dựng được đánh giá là "bê bết nhất từ trước tới nay và chưa có năm nào nhà thầu xây dựng trải qua tình trạng khốc liệt như năm nay" theo nhận định của ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam.
Việc thua lỗ lớn năm qua khiến vốn chủ sở hữu của tập đoàn tại ngày 31/12/2022 chỉ còn 1.196 tỷ đồng, giảm 1.447 tỷ đồng so với trước kiểm toán và giảm 70,5% so với cuối năm 2021. Quy mô tổng tài sản đạt 15.573 tỷ, giảm 1.353 tỷ đồng so với trước kiểm toán và giảm 6,05% so với năm 2021.
Tính đến quý I/2023, doanh thu thuần của HBC ghi nhận ở mức 1.200 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ. Lỗ gộp của HBC là gần 203 tỷ đồng. Ở thời điểm cùng kỳ, HBC ghi nhận mức lãi gần 198 tỷ đồng. Với việc nguồn thu giảm trong khi chi phí tăng cao khiến HBC tiếp tục lỗ ròng gần 444 tỷ đồng trong quý 1/2023.
Theo BCTC hợp nhất quý 1/2023 chưa kiểm toán, trước mắt tại thời điểm 31/3/2023, tổng tài sản của HBC giảm về mức 15.697 tỷ đồng so với đầu năm. Trong số này, lượng tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn chỉ còn khoảng 246 tỷ trong khi đầu năm ở mức khoảng 540 tỷ đồng; hàng tồn kho tăng nhẹ lên gần 2.400 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn giảm 7% còn 11.286 tỷ đồng.
Dễ dàng nhận ra, giá trị "các khoản phải thu ngắn hạn" của Hòa Bình tại thời điểm 31/3/2023 đang chiếm gần 72% tổng tài sản công ty và chiếm tới 80% cơ cấu tài sản ngắn hạn.
Thêm vào đó, từ quý 3/2021 trở lại đây, danh mục "trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi" của Xây dựng Hòa Bình đã liên tục tăng từ mức 348 tỷ đồng lên 786 tỷ trong quý gần nhất.
Nợ xấu tăng lên, tỷ lệ "các khoản phải thu ngắn hạn" trong cơ cấu tài sản ngắn hạn luôn duy trì mức 75 - 80% cho thấy Xây dựng Hòa Bình đang bị chiếm dụng nguồn vốn kinh doanh bởi các khách hàng/đối tác...
Đặc biệt, từ năm 2017 đến nay, tổng nợ của Hòa Bình dao động từ 11.000 - 13.000 tỷ đồng, cao gấp 2,5 - 5 lần vốn chủ sở hữu.
Đối với tình hình kinh doanh tại CTCP Xây dựng Coteccons (Mã: CTD), tuy không lỗ đậm như Xây dựng Hòa Bình nhưng lợi nhuận lao dốc không phanh.
Quý 1/2023 doanh thu thuần đạt 3.130 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Song giá vốn tăng mạnh khiến lợi nhuận gộp giảm 16,5% so với quý I/2022 còn 56 tỷ. Các chi phí tài chính, quản lý doanh nghiệp và bán hàng ăn mòn hết lợi nhuận gộp của công ty. Nhưng nhờ khoản doanh thu tài chính 84,5 (lãi tiền gửi và lãi cho vay/chậm trả) giúp Coteccons thoát lỗ.
Trừ đi các chi phí, Coteccons lãi ròng 22 tỷ, giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp đạt gần 1,8% còn biên lãi thuần đạt 0,7% trong quý I.
Trước đó, trong năm 2022, Coteccons đạt 14.537 tỷ doanh thu thuần, tăng 60% so với 2021 nhờ vào khối lượng công việc bị dồn lại trong hai năm dịch bệnh COVID-19. Công ty lỗ thuần cả năm gần 54 tỷ song nhờ khoản lợi nhuận khác 88 tỷ đồng đã giúp Coteccons vẫn lãi ròng gần 21 tỷ năm 2021, giảm 14% so với năm trước đó.
Về tình hình tài chính, tính đến 31/3/2023 quy mô tổng tài sản của Coteccons đạt 20.042 tỷ đồng. Khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của công ty là khoản phải thu ngắn hạn với 11.317 tỷ, chủ yếu từ khách hàng (10.928 tỷ). Tại ngày 31/3, công ty phải trích lập dự phòng 1.062 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khó đòi, tăng nhẹ so với cuối năm ngoái.
Tổng nợ vay tại ngày 31/3 là 1.163 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm, trong đó 498 tỷ vay dài hạn bao gồm 471 tỷ dư nợ trái phiếu. Còn lại là dư nợ vay từ ngân hàng. Trong quý I, Coteccons đã đi vay tổng cộng 395 tỷ đồng thời trả nợ gốc vay 310 tỷ. Chi phí lãi vay ba tháng gần 25 tỷ đồng.
Tại Công ty cổ phần xây dựng Central tuy chưa niêm yết trên sàn chứng khoán, song theo thông tin cập nhật từ người viết, tính riêng năm 2022, lợi nhuận của Central đã cao vượt bậc, hơn cả 3 ông lớn sừng sỏ hàng đầu Việt Nam là Coteccons, Hòa Bình và Ricons cộng lại.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính được kiểm toán bởi PwC (một trong những Big4 ngành kiểm toán), trong năm tài chính 2022, Central ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 9.014 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2021. Sau khi trừ hết các chi phí, lợi nhuận trước thuế của công ty trong năm là 299,12 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 233,11 tỷ đồng.
Đến quý I/2023, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Central ghi nhận đạt hơn 1.282 tỷ đồng, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận kế toán trước thuế của doanh nghiệp này là gần 42 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là hơn 33,3 tỷ đồng, tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại ngày 31/3/2023, tổng tài sản của công ty đạt 5.072 tỷ đồng. Về cơ cấu nợ của Central, nợ ngắn hạn đạt 4.361 tỷ đồng, giảm 836 tỷ đồng so với đầu năm và nợ dài hạn cũng từ 995 triệu đồng xuống còn 568,7 triệu đồng.
Theo tìm hiểu, Central được thành lập vào tháng 6/2017 vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Người sáng lập, Chủ tịch công ty kiêm Tổng giám đốc lại là gương mặt lão làng của ngành xây dựng: Ông Trần Quang Tuấn.
Central cung cấp dịch vụ tổng thầu, thiết kế, thi công và hoàn thiện dự án trong lĩnh vực xây dựng dân dụng và công nghiệp - những phân khúc mà nhiều doanh nghiệp khác cùng cạnh tranh như Coteccons, Hòa Bình, Ricons hay Newtecons.
Theo công bố trên website, những tên tuổi lớn như Vingroup, Phát Đạt, Hòa Phát, Ecopark, Materise, TC Land, Sơn Kim Land đều nằm trong danh sách khách hàng của công ty này.
Một số dự án nổi bật có thể kể đến như The Global City, Vinhome Grand Park, Vinhomes Dream City, Astral City, Masteri Centre Point, Ecopark, Empire City (TP HCM), Metropole Thủ Thiêm, Vịnh Đầm Selavia, Nhà máy sản xuất container Hòa Phát (Bà Rịa - Vũng Tàu), Nhà máy Thép Dung Quất...
Cuối cùng là CTCP Xây dựng An Phong. Đây là nhà thầu xây dựng cho nhiều dự án của Vingroup, Khang Điền, Nam Long, CT Group, Sacomreal, Thaco, Co.op Sài Gòn, tập đoàn SSG. Một số dự án đáng chú ý do doanh nghiệp thi công như Swan Bay - Zone 6 (Đồng Nai), Lovera Khang Điền, Empire City, Gem Center (TP HCM), Vinpearl Nha Trang, The Arena Cam Ranh (Khánh Hòa), Bảo tàng Cà phê Trung Nguyên (Đắk Lắk)...
An Phong đã trải qua 16 năm phát triển. Doanh nghiệp được thành lập từ năm 2006, sau 2 - 3 năm so với Coteccons, Newtecons; sau 13 năm so với Xây dựng Delta (1993) và sau 19 năm so với Hòa Bình (1987). Giống như các “đàn anh”, An Phong thi công nhiều công trình ở các lĩnh vực công nghiệp, nhà xưởng, hạ tầng, trung tâm thương mại, văn phòng, chung cư cao tầng.
Theo số liệu mà Người Đồng Hành có được, trong 3 năm qua (2019 - 2021), doanh thu của An Phong đều giảm. Năm 2021, doanh thu đạt 2.202 tỷ đồng, giảm 25% so với năm trước và giảm 59% so với năm 2019. Nguyên nhân có thể do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, nhiều công trình dừng thi công. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế năm 2020 tại doanh nghiệp này cao gấp 1,6 lần năm 2019 nhưng đến năm 2021 lợi nhuận lại giảm.
Phải thu ngắn hạn của khách hàng qua các năm đều chiếm gần một nửa so với tổng tài sản. Tại năm 2021, phải thu ngắn hạn chiếm 47% tổng tài sản, đạt 988 tỷ đồng.
Hệ số ROS (lợi nhuận/doanh thu) năm 2021 của An Phong cao hơn 4 doanh nghiệp Delta, Xây dựng Hòa Bình, Ricons và Newtecons, đạt 1,5% (tức 100 đồng doanh thu đem lại 1,5 đồng lợi nhuận). Tuy nhiên, mức này vẫn thấp hơn Central (2,3%), Hưng Thịnh Incons ( 3,9%) và Coteccons (7,8%).
Đối với ROE (lợi nhuận/vốn chủ sở hữu), An Phong đạt 5% năm 2021, cao hơn Hòa Bình, Delta, Ricons và thấp hơn Newtecons, Coteccons, Hưng Thịnh, Central.
Lê Thanh - Huy Tùng