Dữ liệu từ WiGroup cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng (NPL) của toàn ngành đã tăng mạnh trong quý 2/2023, đạt mức 2,04%, tăng 36% so với cùng kỳ do ảnh hưởng bởi sự gia tăng của nợ nhóm 2.
Dữ liệu từ WiGroup cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng (NPL) của toàn ngành đã tăng mạnh trong quý 2/2023, đạt mức 2,04%, tăng 36% so với cùng kỳ do ảnh hưởng bởi sự gia tăng của nợ nhóm 2.
Theo dữ liệu của WiGroup, tỷ lệ nợ xấu nội bảng (NPL) của toàn ngành đã tăng mạnh trong quý 2/2023, đạt mức 2,04%, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là do ảnh hưởng bởi sự gia tăng của nợ nhóm 2 trong quý 1 (tăng 27% so với cùng kỳ) đã phản ánh lên tỷ lệ nợ xấu trong quý này.
Tỷ lệ nợ xấu tăng chủ yếu đến từ khối Ngân hàng thương mại lớn và Ngân hàng thương mại khác, trong khi khối Ngân hàng thương mại Nhà nước tăng trưởng nợ xấu không cao.
Nhóm phân tích dự báo, áp lực nợ xấu của ngân hàng trong hai quý cuối năm vẫn sẽ tăng cao do bộ đệm dự phòng của ngân hàng đã mỏng đi trong quý này, đạt mức 102,8% và thị trường bất động sản gặp khó về thanh khoản.
Nợ nhóm 2 dù chưa được xếp vào nợ xấu nhưng tình trạng dư nợ khoản vay quá hạn tăng cho thấy nhiều người đi vay không có khả năng trả nợ đúng hạn, tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu trong tương lai của ngân hàng.
Thực tế, nhìn vào báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2023 của các ngân hàng đều cho thấy, tính đến cuối quý 2/2023 nhóm nợ cần chú ý (nợ nhóm 2 - với khoản vay quá hạn 10-90 ngày) đều tăng mạnh so với đầu năm, có nhà băng tăng theo cấp số lần.
Điển hình như Ngân hàng TMCP Quân đội (MB - Mã: MBB) tính đến cuối quý 2/2023 nợ nhóm 2 tăng gấp gần 2,4 lần so với đầu năm, từ 7.809 tỷ đồng lên mức gần 18.624 tỷ đồng.
Nợ cần chú ý tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (mã: MSB) cũng tăng gấp 2,7 lần so với đầu năm, từ gần 1.674 tỷ đồng lên mức gần 4.633 tỷ đồng – lớn hơn cả số dư nợ xấu.
Tương tự, nợ nhóm 2 tại VIB cũng tăng tới 48% so với đầu năm, ghi nhận hơn 15.000 tỷ đồng.
Các ngân hàng quy mô nhỏ hơn như ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank - Mã: PGB) cũng ghi nhận nợ cần chú ý tính đến cuối quý 2/2023 tăng gấp 2,2 lần so với đầu năm, từ 485 tỷ đồng lên gần 1.091 tỷ đồng.
Tương tự, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank - mã: ABB) cũng có nợ nhóm 2 tăng tới 85% so với đầu năm, từ 1.659 tỷ đồng lên gần 3.071 tỷ đồng; Ngân hàng Bản Việt tăng 45% lên hơn 1.782 tỷ đồng;…
Tại nhóm Big4 ngân hàng cũng ghi nhận nợ nhóm 3 tăng mạnh so với đầu năm. Đơn cử tại ‘ông lớn’ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB), tính đến cuối quý 2/2023 tăng tới 98% so với đầu năm, từ 4.083 tỷ đồng lên hơn 8.000 tỷ đồng, tại BIDV tăng 38% ghi nhận hơn 35.000 tỷ đồng nợ nhóm 2.
Đặc biệt tại ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), nợ nhóm 2 lên tới 41.454 tỷ đồng - cao nhất ngành, tăng 18% so với đầu năm, tương đương tăng thêm hơn 6.000 tỷ đồng sau 6 tháng và chiếm 3% tổng dư nợ cho vay. Tốc độ tăng nợ nhóm 2 tại Agribank cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng cho vay trong 6 tháng qua.
Như vậy, xét về tốc độ tăng trưởng, nợ nhóm 2 tại MSB tăng nhanh nhất trong 6 tháng đầu năm, song xét về giá trị tuyệt đối, nợ nhóm 2 tại Agribank lớn nhất hệ thống.
Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú từng nhìn nhận: “6 tháng đầu năm 2023, có thể nợ xấu nội bảng chưa cao, nhưng nợ có nguy cơ tiềm ẩn ở một số ngân hàng đang nhen nhóm. Điều này luôn đặt ra vấn đề cho an toàn hệ thống”.
Theo các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán VCBS, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và mức trích lập dự phòng dự kiến chưa tăng đột biến trong năm 2023 nhờ chính sách hỗ trợ gia hạn trái phiếu doanh nghiệp và tái cơ cấu các khoản vay. Song hoạt động xử lý nợ xấu tiếp tục gặp khó khăn do thị trường bất động sản đóng băng và bất động sản là tài sản bảo đảm chính cho phần lớn các khoản vay. VCBS dự báo rủi ro nợ xấu có thể tăng trở lại trong năm 2024 và có sự phân hóa.
Hà Phương