Ngân hàng An Bình ghi nhận lãi trước thuế quý I/2023 đạt gần 612 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ. Tỷ lệ nợ xấu của ABBANK là 2,81%.
Ngân hàng An Bình ghi nhận lãi trước thuế quý I/2023 đạt gần 612 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ. Tỷ lệ nợ xấu của ABBANK là 2,81%.
Vừa qua, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank - Mã: ABB) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2023 với lợi nhuận trước thuế đạt gần 612 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ.
Trong quý đầu năm, thu nhập lãi thuần của ABBank giảm 5% so với với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 790 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, các nguồn thu ngoài lãi lại tăng trưởng mạnh như lãi từ dịch vụ gần 134 tỷ đồng, gấp 2 lần cùng kỳ. Lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 25% lên mức gần 235 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lãi gần 91 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 10 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động trong kỳ cũng tăng 23% so với cùng kỳ 2022, lên gần 539 tỷ đồng do tăng chi phí cho nhân viên.
Trong kỳ, ngân hàng cũng trích lập gần 117 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 164% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, lãi dự thu tại ABBank tính đến cuối quý 1/2023 tăng 19% lên gần 1.254 tỷ đồng.
Lãi dự thu là khoản lãi dự kiến sẽ thu được trong tương lai và là một phương thức hạch toán trong bảng cân đối kế toán của ngân hàng, Tuy nhiên, nếu lãi dự thu không thể thu hồi trong thời gian dài có thể do nợ xấu hoặc bên phải trả mất khả năng thanh toán thì sẽ có những rủi ro nhất định. Con số lãi dự thu càng lớn, khả năng tác động đến lợi nhuận của ngân hàng càng cao.
Điểm tối trong bức tranh kinh doanh quý 1/2023 chính là vấn đề nợ xấu tại ABBank.
Tính đến hết ngày 31/3/2023, tổng nợ xấu của ngân hàng An Bình tăng vọt 35% so với đầu năm, lên gần 3.200 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) chỉ giảm nhẹ 1% ghi nhận hơn 1.384 tỷ đồng nhưng nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng gấp đôi, từ 540 tỷ đồng hồi đầu năm lên hơn 1.128 tỷ đồng và nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) cũng tăng mạnh 63% từ 421 tỷ đồng lên 685 tỷ đồng.
Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 2,88% đầu năm tăng lên 4,03%, vượt mức quy định của Ngân hàng Nhà nước (3%).
Ngoài ra, nợ cần chú ý tại ngân hàng An Bình tính đến 31/3/2023 tăng đến 53% so với đầu năm, lên hơn 2.539 tỷ đồng. Tuy chưa được xếp vào nợ xấu nhưng việc nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) nhảy vọt cho thấy khả năng tiềm ẩn nợ xấu của ngân hàng đang ở mức cao.
Tính đến cuối quý 1/2023, tổng tài sản ABBank tăng nhẹ 3% so với đầu năm, lên gần 134.283 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại NHNN giảm 47% chỉ còn 1.422 tỷ đồng; tiền gửi tại TCTD khác tăng 38% lên 28.025 tỷ đồng và cho vay khách hàng giảm 3%, ghi nhận hơn 79.453 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, tiền gửi của các TCTD khác tăng 61% lên mức 31.680 tỷ đồng), tiền gửi khách hàng giảm 10% chỉ còn 75.430 tỷ đồng…
Năm 2023, ngân hàng An Bình đặt mục tiêu lãi trước thuế đạt 2.826 tỷ đồng, tăng 68% so với năm 2022. ROE sau thuế dự kiến tăng từ 10,98% (năm 2022) lên 16% (năm 2023).
Các mục tiêu khác bao gồm quy mô tổng tài sản tăng trưởng 5% so với đầu năm, đạt 136.816 tỷ đồng. Huy động thị trường 1 tăng 2% lên 93.508 tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng mục tiêu 10%, bao gồm dư nợ cho vay tổ chức kinh tế và cá nhân, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, tương đương đạt 97.382 tỷ đồng. Chỉ tiêu này sẽ được thay đổi từng thời kỳ theo sự cho phép của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.
Về phương án phân phối lợi nhuận 2022, lợi nhuận sau thuế là 1.353 tỷ đồng. Ngân hàng sẽ này trích 5% cho quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, 10% cho quỹ dự phòng tài chính và 2% cho quỹ khen thưởng, phúc lợi.
Sau khi trích lập các quỹ cộng lợi nhuận còn lại của các năm trước chưa sử dụng, tổng lợi nhuận còn lại chưa phân phối là gần 2.483 tỷ đồng. Lợi nhuận còn lại để chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10% theo nghị quyết ĐHĐCĐ ngày 20/4/2022 là gần 940,95 tỷ đồng. Lợi nhuận còn lại chưa phân phối sau khi chia cổ tức là gần 1.542 tỷ đồng.
Huy Tùng - Hoàng Long