Sau năm 2022 im ắng, hiện tại khối ngân hàng tư nhân và ngân hàng cổ phần Nhà nước đang đẩy mạnh kế hoạch bán vốn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Sau năm 2022 im ắng, hiện tại khối ngân hàng tư nhân và ngân hàng cổ phần Nhà nước đang đẩy mạnh kế hoạch bán vốn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Cuối tháng 3/2023, Ngân hàng nhà nước (NHNN) có Tờ trình Chính phủ về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2014/NĐ-CP ngày 3/1/2014 của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam.
Đáng chú ý nhất tại dự thảo này là việc điều chỉnh quy định tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại TCTD nhận chuyển giao bắt buộc.
Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc (không bao gồm các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) vượt giới hạn quy định khi phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc, nhưng không vượt quá 49% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc".
Việc bổ sung quy định trên, theo lý giải của NHNN sẽ tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng nhận chuyển giao tăng cường được năng lực tài chính (khi thu hút thêm được vốn đầu tư nước ngoài, tăng vốn chủ sở hữu), nâng cao năng lực quản trị điều hành, đổi mới công nghệ..., tạo điều kiện hỗ trợ tốt hơn cho tổ chức tín dụng được chuyển giao, góp phần thực hiện thành công phương án chuyển giao bắt buộc, ổn định hệ thống tài chính ngân hàng, ổn định kinh tế, xã hội.
Trên thực tế, sau một thời gian ‘im hơi lặng tiếng’, hiện tại nhiều ngân hàng đã khởi động lại và đẩy mạnh kế hoạch chào bán cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Mở đầu việc bán vốn này là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Ngày 27/3/2023, Ngân hàng này thông báo đã đạt thỏa thuận bán 15% cổ phần cho Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) - thuộc Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Financial Group, Inc (SMFG) của Nhật Bản, thông qua một đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Thoả thuận này đã chính thức đưa SMBC Group trở thành nhà đầu tư chiến lược của VPBank.
Đây được coi là thương vụ phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược lớn nhất lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam với giá trị lên tới 1,5 tỷ USD.
Ngoài VPBank thì còn nhiều ngân hàng vẫn đang lên kế hoạch phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.
Đơn cử như Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) đang có kế hoạch phát hành 300 triệu cổ phiếu chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài trong năm nay. Cổ phiếu chào bán cho NĐT nước ngoài bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và hạn chế chuyển nhượng 1 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Tương tự tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á - SeABank (mã SSB-HOSE) cũng có kế hoạch phát hành thêm tối đa 94,6 triệu cổ phiếu, tương đương 4,6366% lượng cổ phiếu SSB đang lưu hành để cháo bán cho 1 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với giá chào không thấp hơn giá trị sổ sách tại BCTC riêng lẻ năm 2022 đã kiểm toán là 12.861 đồng/cổ phiếu.
Đối tượng chào mua dự kiến là The Norwegian Investment Fund for developing countries - Norfund và số cổ phiếu này bị hạn chế chuyển như tối thiểu 1 năm, kể từ ngày hoàn tất đợt chào bán.
Toàn bộ số tiền thu được từ đợt chào bán sẽ dùng số tiền thu được thu được để bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh và đầu tư cơ sở vật chất, phát triển hệ thống công nghệ thông tin, mở rộng mạng lưới.
Đối với ông lớn Vietcombank, tiết lộ đang lựa chọn cổ đông nước ngoài cho kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ, dự kiến trong năm 2023-2024. Đặc biệt, ngân hàng BIDV cũng có kế hoạch phát hành riêng lẻ 9% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài từ lâu, nhưng chưa thực hiện thành công.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch SHB cho biết ngân hàng đang đàm phán với một số tổ chức tài chính lớn về việc bán vốn, dự kiến cuối năm nay hoặc đầu năm sau sẽ chốt đối tác. Theo tìm hiểu, kế hoạch tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài đã được SHB đề cập trong nhiều năm qua.
Theo nguồn tin của Reuters mới đây nhất, SHB đang trong cuộc đàm phán bán tới 20% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài với định giá ngân hàng có thể mức 2-2,2 tỷ USD (tương đương định giá trước phát hành khoảng 17.000 đ/cp). Một số nhà đầu tư từ Hàn Quốc và Nhật Bản đã tiếp cận SHB trong thương vụ này.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam từng cho biết, nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn vào ngân hàng Việt là điều tốt cho các nhà băng nội. Theo ông Hùng, nhà đầu tư ngoại "bỏ tiền" vào cũng phải xem xét ngân hàng hoạt động ra sao, tương lai thế nào?
"Hàng tỷ USD đổ vào ngân hàng nội nên họ phải cân nhắc để dòng tiền phát huy hiệu quả. Các ngân hàng nước ngoài có kinh nghiệm và đi trước mình bao nhiêu năm nên sẽ nâng cao hiệu quả kinh doanh tốt hơn đối với nhà băng nội", ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, trước nay, nhiều vấn đề lo ngại vốn ngoại nên quy định tỷ lệ khống chế 30% cổ phần trong ngân hàng nội.
"Hiện, các ngân hàng Việt muốn mở room ngoại ra để nâng vị thế của mình và uy tín, khả năng năng lực tài chính và cùng quản trị ngân hàng tốt hơn", ông Hùng cho hay.
Hà Phương