Mới đây, HoREA đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ đánh giá về các cuộc đấu giá đất tại Thủ Thiêm, TP.HCM và đánh giá thị trường bất động sản (BĐS) năm 2021, xu hướng năm 2022.
Mới đây, HoREA đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ đánh giá về các cuộc đấu giá đất tại Thủ Thiêm, TP.HCM và đánh giá thị trường bất động sản (BĐS) năm 2021, xu hướng năm 2022.
Trong báo cáo, HoREA cho rằng, kết quả đấu giá đất Thủ Thiêm chưa đạt được mục tiêu như kỳ vọng. Cụ thể, đơn giá đất khởi điểm nhìn chung khá thấp từ 89,6-242,4 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, đơn giá đất trúng đấu giá của các lô cao gấp 3,9-6,9 lần so với giá khởi điểm.
HoREA đánh giá, lô 3-12 có giá là 2,43 tỷ đồng/m2 cao gấp 8,3 lần so với giá khởi điểm là mức giá quá cao so với giá đất thực tế hiện nay ngay tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Thậm chí cao hơn cả giá đất của 3 tuyến đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi (quận 1), nơi có giá đất cao nhất nhưng cũng chỉ khoảng trên 1 tỷ đồng/m2.
Theo HoREA, Công ty TNHH Đầu tư BĐS Ngôi Sao Việt, Công ty TNHH Đầu tư phát triển và thương mại Bình Minh đã xin chấm dứt hợp đồng mua bán tài sản đấu giá. Song, đến nay chưa có thông tin về việc CTCP Dream Republic và CTCP Sheen Mega nộp tiền trúng đấu giá vào ngân sách Nhà nước.
“Ngay sau các cuộc đấu giá đất, đã xuất hiện các hành vi lợi dụng giá trúng đấu giá ảo để té nước theo mưa thổi giá, đẩy giá đất, giá nhà tại nhiều địa phương, hoặc để nâng giá trị trái phiếu, cổ phiếu…”, HoREA nhận định.
Trong khi đó, giá nhà đất tại nhiều khu vực đã bị đẩy lên mức giá rất cao. Ví dụ như một dự án nhà ở tại TP.Thủ Đức đang chào bán nhà phố có diện tích đất khoảng 95m2 gồm trệt và 4 lầu với giá bán lên đến khoảng 38,1 tỷ đồng, trong đó đơn giá đất có thể lên đến khoảng 350 triệu đồng/m2.
Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho biết, không chỉ có doanh nghiệp đặt giá cao để trúng đấu giá đất rồi bỏ cọc để trục lợi mà nhiều doanh nghiệp khác cũng tìm cách "tối đa hóa lợi nhuận" sau các cuộc đấu giá trên đây. Thị trường BĐS vẫn đang trong tình trạng có dấu hiệu bị đầu cơ, giá đất, giá nhà, giá căn hộ đang bị đẩy lên rất cao.
Cũng theo ông Lê Hoàng Châu, việc doanh nghiệp đặt giá cao để trúng đấu giá đất rồi “bỏ cọc” sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho sự phát triển lành mạnh của thị trường BĐS. Đồng thời, Chủ tịch HoREA cũng chỉ ra nhiều bất cập trong quy định pháp luật hiện hành về hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất.
Trong đó, quy trình đánh giá năng lực nhà đầu tư tham gia đấu giá còn lỏng lẻo. Luật Đấu giá 2016 chưa quy định cụ thể về điều kiện “có năng lực tài chính”, hoặc điều kiện “không vi phạm pháp luật về đất đai” của nhà đầu tư tham gia đấu giá quyền sử dụng đất. Ngoài ra, còn bất cập của các phương pháp định giá đất để xác định giá đất cụ thể làm giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất.
Đặc biệt, Luật Đấu giá 2016 chưa quy định cụ thể việc xử lý vi phạm trong trường hợp người tham gia đấu giá đặt giá cao để trúng đấu giá đất rồi “bỏ cọc” như đã xảy ra vừa qua.
Theo đó, HoREA đề nghị cần bổ sung quy định xử phạt nghiêm khắc trường hợp người tham gia đấu giá đặt giá cao để trúng đấu giá đất rồi “bỏ cọc”, có thể mức nộp phạt khoảng 10% giá trúng đấu giá.
HoREA cũng cho rằng rất cần thiết và cấp bách phải sớm xây dựng hoàn thiện các quy định pháp luật về đấu giá tài sản, trong đó có đấu giá quyền sử dụng đất; pháp luật về đấu thầu trong đó có đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư.
Đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất nhằm mục đích thực hiện dự án đầu tư kinh doanh BĐS, nhà ở, khu đô thị, HoREA đề nghị áp dụng hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá hoặc hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp.
Đầu tháng 3/2022, Cục thuế TP.HCM cho biết đang nhắc nhở doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm nộp tiền, nếu quá hạn trên 90 ngày sẽ tính đến cưỡng chế nhiều cấp độ.
Theo Diệp Anh/ Sở hữu trí tuệ
Link nguồn: https://dautuvakinhdoanh.vn/nhieu-doanh-nghiep-te-nuoc-theo-mua-sau-vu-dau-gia-dat-thu-thiem-a12523.html