Ngân hàng Eximbank thông báo, kể từ ngày 14/9, ông Võ Quang Hiển không còn là thành viên Hội đồng quản trị ngân hàng. Như vậy, HĐQT Eximbank hiện chỉ còn 6 thành viên...
Ngân hàng Eximbank thông báo, kể từ ngày 14/9, ông Võ Quang Hiển không còn là thành viên Hội đồng quản trị ngân hàng. Như vậy, HĐQT Eximbank hiện chỉ còn 6 thành viên...
Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (ngân hàng Eximbank, HOSE: EIB) thông báo kể từ ngày 14/9 ông Võ Quang Hiển không còn là thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) Eximbank và thành viên/ủy viên các hội đồng/ủy ban trực thuộc Eximbank.
Phía ngân hàng cho biết lý do miễn nhiệm là ông Võ Quang Hiển không còn làm người đại diện theo ủy quyền của cổ đông Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) tại Eximbank từ ngày 14/9.
Đầu năm nay, SMBC thông báo chấm dứt thỏa thuận hợp tác chiến lược trước thời hạn với Eximbank được ký kết vào năm 2007. Tuy nhiên, đến hiện tại, SMBC vẫn là cổ đông lớn nhất của Eximbank với 15% cổ phần và chưa công bố kế hoạch thoái vốn.
Như vậy, sau khi ông Võ Quang Hiển rút khỏi HĐQT, HĐQT Eximbank còn 6 thành viên gồm Chủ tịch HĐQT Lương Thị Cẩm Tú, ông Đào Phong Trúc Đại, Thành viên HĐQT độc lập, và 4 thành viên HĐQT khác là bà Lê Hồng Anh, ông Nguyễn Thanh Hùng, ông Nguyễn Hiếu và bà Đỗ Hà Phương.
Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2022 lần thứ hai, trả lời câu hỏi về việc cổ đông ngoại SMBC rút vốn khỏi Eximbank có làm xáo trộn đến hoạt động ngân hàng không, Chủ tịch Lương Thị Cẩm Tú cho biết hiện nay SMBC mới chỉ chấm dứt thoả thuận liên minh chiến lược chứ chưa rút vốn, SMBC vẫn là cổ đông lớn của Eximbank.
Về những xáo trộn thượng tầng trong thời gian qua, bà Tú cho hay các nhóm cổ đông trong HĐQT nhiệm kỳ VII đều hướng đến một mục tiêu chung liên quan đến chiến lược, hoạt động ngân hàng.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, ngân hàng Eximbank lãi trước thuế hơn 1.900 tỷ đồng, gấp 3,4 lần cùng kỳ và cao hơn 60% so với lợi nhuận cả năm trước của ngân hàng. Với mức lợi nhuận này, Eximbank đã thực hiện được 76% kế hoạch năm (2.500 tỷ đồng).
Cùng với tăng trưởng cho vay, số dư nợ xấu của ngân hàng cũng tăng 4,3% so với đầu năm, ở mức 2.344 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn ở mức 1.852 tỷ đồng, chiếm 79% nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,96% ở đầu năm xuống còn 1,88% tính đến hết quý II/2022.
Xem thêm: Phó Tổng giám đốc SeABank đăng ký bán gần 1,6 triệu cổ phiếu
Nếu giữ được "phong độ" này trong nửa cuối năm 2022, ngân hàng Eximbank có thể quay trở lại con số lợi nhuận của thời kỳ hoàng kim năm 2011 của mình trước khi lao đao với các cuộc khủng hoảng về nợ xấu và nhân sự.
Sự khởi sắc từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng Eximbank diễn ra trong bối cảnh ngân hàng đã có sự thay đổi về mặt nhân sự cấp cao, cuộc chiến "vương quyền" nhiều năm dường như đã lắng xuống. Ghế nóng Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng hiện do bà Bà Lương Thị Cẩm Tú nắm giữ.
Vào cuối tháng 5/2022, đại hội đồng cổ đông thường niên của Eximbank đã có thể tổ chức sau lần 1 bất thành.
Cho biết tại đại hội trước những xáo trộn thượng tầng trong thời gian qua, Chủ tịch Lương Thị Cẩm Tú khẳng định: "Không có bất kỳ nhóm lợi ích gì liên quan đến hoạt động riêng chi phối hoạt động Eximbank. HĐQT nhiệm kỳ VII trên tình thần phát triển cho Eximbank tốt nhất, đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông".
Lợi nhuận chưa phân phối lũy kế tính đến năm 2021 sau khi trích lập các quỹ gần 2,937 tỷ đồng, dự kiến chia cổ tức gần 2,459 tỷ đồng. Lợi nhuận chưa phân phối còn lại sau khi chia cổ tức dự kiến gần 478 tỷ đồng, được giữ lại để củng cố và nâng cao năng lực tài chính của Ngân hàng.
Xem thêm: Moody’s xem xét hạ bậc tín nhiệm HDBank
Hà Phương