Vài tháng trở lại đây, nhiều ngân hàng như: OCB, BIDV, ABBank,... đẩy mạnh mua lại trước hạn trái phiếu cũ, đồng thời phát hành lượng lớn trái phiếu mới.
Vài tháng trở lại đây, nhiều ngân hàng như: OCB, BIDV, ABBank,... đẩy mạnh mua lại trước hạn trái phiếu cũ, đồng thời phát hành lượng lớn trái phiếu mới.
Mới đây nhất, ngân hàng OCB đã phát hành thành công lô trái phiếu mã OCBL2326008 với tổng giá trị phát hành là 1.200 tỷ đồng. Lô trái phiếu có thời hạn 3 năm, ngày đăng ký phát hành là 22/9/2023 và ngày đáo hạn là 22/9/2026, được phát hành ở thị trường trong nước và có lãi suất phát hành 6,4%/năm.
Đầu tháng 9/2023, ngân hàng này cũng phát hành lô trái phiếu mã OCBL2326007 với tổng giá trị phát hành là 1.000 tỷ đồng.
Trước đó, từ tháng 6 đến tháng 8/2023, ngân hàng OCB đã chào bán thành công 5 lô trái phiếu gồm OCBL2326006, OCBL2326005,OCBL2326004, OCBL2326003, OCBL2325002,OCBL2328001 với tổng giá trị 7.000 tỷ đồng.
Như vậy, sau 8 lần phát hành trái phiếu, OCB đã huy động về 9.200 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, ngân hàng OCB từ tháng 5/2023 đến nay đã chi ra 10.900 tỷ đồng để mua lại trước hạn 12 lô trái phiếu đều có kỳ hạn 3 năm, được phát hành trong năm 2021 và 2022.
Cũng "đảo nợ' thành công hàng nghìn tỷ đồng như OCB là trường hợp của ngân hàng ACB.
Ngân hàng ACB đã mua lại trước hạn 4 lô trái phiếu, gồm ACBH2124005, ACBH2124006, ACBH2124011 và ACBH2124012 với tổng mệnh giá lên tới 10.000 tỷ đồng. Thời gian mua lại 4 lô trái phiếu này lần lượt vào các ngày 22/6, 23/6, 8/7 và 15/7. Nguồn vốn để thực hiện mua lại đến từ nguồn thu từ các khoản cho vay VND trung dài hạn hoặc các nguồn cho vay/đầu tư đến hạn khác hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác đến hạn vào thời điểm mua lại trái phiếu.
Ở diễn biến khác, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) ngày 27/9 vừa công bố ACB phát hành thành công lô trái phiếu ACBL2325006 có tổng giá trị 2.000 tỷ đồng kỳ hạn 2 năm. Lô trái phiếu được phát hành và hoàn tất vào ngày 19/9/2023, đáo hạn ngày 19/9/2025.
Vào ngày 12/9, ngân hàng này cũng phát hành thành công lô trái phiếu mã ACBL2325005 có tổng giá trị là 5.000 tỷ đồng. Lô trái phiếu có thời hạn 2 năm, ngày đăng ký phát hành là 12/9/2023 và ngày đáo hạn là 12/9/2025, được phát hành ở thị trường trong nước và có lãi suất phát hành 6,5%/năm.
Trước đó, ACB cũng đã chào bán thành công lô trái phiếu mã ACBL2325004 với khối lượng 15.000 trái phiếu, tương đương tổng giá trị phát hành là 1.500 tỷ đồng.
Tháng 8/2023, ACB cũng phát hành thành công 3 lô trái phiếu gồm ACBL2325003, ACBL2325002, ACBL2325001 đều kỳ hạn 2 năm với lãi suất 6,5%. Tổng giá trị phát hành lên tới 6.500 tỷ đồng.
Như vậy, kể từ tháng 8/2023 đến nay, ACB đã huy động tổng cộng 13.000 tỷ đồng từ kênh trái phiếu. Trong khi đó, từ tháng 6,7/2023 nhà băng này đã chi ra 10.000 tỷ đồng để mua lại trái phiếu trước hạn.
"Ông lớn" BIDV cũng đang tăng cường phát hành lượng lớn trái phiếu mới và đẩy mạnh mua lại trước hạn trái phiếu cũ.
Kể từ tháng 6/2023 đến nay, BIDV đã chào bán thành công 10 lô trái phiếu, huy động thành công 3.314 tỷ đồng. Các lô trái phiếu của BIDV có kỳ hạn từ 6 năm đến 20 năm với lãi suất từ 6,6% đến 7,7%.
Đồng thời, từ tháng 4/2023 đến nay, BIDV cũng đã chi ra 7.991 tỷ đồng để mua lại trước hạn toàn bộ 23 lô trái phiếu từng được phát hành năm 2020 và 2021.
Một ngân hàng quy mô nhỏ như ABBank cũng đang đẩy mạnh mua lại trước hạn trái phiếu cũ, đồng thời phát hành lượng lớn trái phiếu mới.
Theo đó, tháng 8/2023, ABBank đã huy động thành công hai lô trái phiếu mã ABBL2325001 kỳ hạn 2 năm với lãi suất 6,4% và ABBL2326002 kỳ hạn 3 năm với lãi suất 6,6%. Tổng giá trị phát hành 2 lô trái phiếu này là 3.000 tỷ đồng.
Đồng thời, từ tháng 6 đến nay, ABBank đã chi ra 5.800 tỷ đồng để mua lại trước hạn toàn bộ 9 lô trái phiếu đều có kỳ hạn 3 năm, chủ yếu phát hành năm 2021.
Việc phát hành trái phiếu kỳ hạn dài (cùng một số điều kiện khác) là một cách phổ biến để ngân hàng tăng vốn cấp 2, từ đó cải thiện tỷ lệ an toàn vốn, đáp ứng chuẩn mực về quản trị rủi ro theo Basel II. Bên cạnh đó, việc phát hành trái phiếu kỳ hạn dài cũng giúp ngân hàng cân đối tốt hơn cơ cấu kỳ hạn nguồn vốn, nhất là trong bối cảnh quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tối đa vừa được điều chỉnh từ 34% xuống 30% từ ngày 1/10/2023.
Tuy nhiên, theo quy định hiện nay, những trái phiếu dài hạn đã phát hành những năm trước và khi không còn đảm bảo điều kiện thời gian còn lại trên 5 năm, thì bắt đầu từ năm thứ 5 trước khi đến hạn thanh toán, mỗi năm tại ngày đầu tiên của năm (tính theo ngày phát hành), giá trị nợ trái phiếu được tính vào vốn cấp 2 sẽ phải khấu trừ 20% tổng mệnh giá. Chính vì vậy, các ngân hàng sẽ tìm cách mua lại trước hạn các trái phiếu này để có dư địa phát hành trái phiếu mới có kỳ hạn trên 5 năm, nhằm tăng giá trị được tính vào vốn tự có cấp 2 nhiều hơn.
Nói một cách khác, việc mua lại trước hạn các trái phiếu để đảm bảo đủ điều kiện cho kế hoạch phát hành mới là cách mà các ngân hàng tái cơ cấu lại kỳ hạn của trái phiếu theo hướng dài hơn, nhằm duy trì hệ số an toàn vốn luôn ở mức cao, cũng như đảm bảo cho các hệ số khác như tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn.
Bên cạnh yếu tố kỳ hạn của trái phiếu, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, ngân hàng thực hiện đảo nợ trái phiếu cho chính mình cũng nhằm tối ưu hóa chi phí vốn.
“Trước đó, một số ngân hàng phải huy động trái phiếu trong giai đoạn lãi suất ở mức cao. Hiện nay, khi mặt bằng lãi suất thị trường đã giảm, họ sẽ mua lại trái phiếu cũ và thay thế bằng trái phiếu mới có lãi suất phát hành thấp hơn để tiết giảm chi phí vốn”, ông Hiếu nhận định.
Hoàng Long - Huy Tùng