Mới đây, Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội phát thông báo về danh sách các tổ chức phát hành công bố thông tin bất thường và báo cáo theo yêu cầu từ ngày 16/9/2022 đến ngày 31/1/2023 có nội dung chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
Mới đây, Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội phát thông báo về danh sách các tổ chức phát hành công bố thông tin bất thường và báo cáo theo yêu cầu từ ngày 16/9/2022 đến ngày 31/1/2023 có nội dung chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
Theo thông báo của HNX, trong danh sách 54 doanh nghiệp “khất nợ” trái phiếu có 34 doanh nghiệp bất động sản xây dựng, chiếm 64% tổng số doanh nghiệp giãn, hoãn nợ.
Cụ thể, một số doanh nghiệp địa ốc lớn như Công ty Cổ phần (CTCP) Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (Novaland, HoSE: NVL), CTCP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest, HoSE: HPX), CTCP Bất động sản Vĩnh Xuân, CTCP Tập đoàn Danh Khôi (HNX: NRC), CTCP Hưng Thịnh Incons (HoSE: HTN)…
Các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành năng lượng cũng chiếm con số tương đối trong danh sách bao gồm: CTCP Năng lượng Tái tạo Đại Dương, Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam, CTCP BCG Energy (công ty con của Bamboo Capital)…
Về ngành giáo dục, CTCP Anh ngữ Apax cùng CTCP Giáo dục Quốc tế Mỹ AIS, cũng nằm trong danh sách này.
Về ngành nông nghiệp có “vua gạo” CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, HoSE: AGM), Công ty TNHH Hưng Thắng Lợi Gia Lai.
Theo tìm hiểu, nguyên nhân mà các doanh nghiệp này đưa ra để xin giãn/hoãn nợ chủ yếu do không thu xếp được nguồn vốn bởi chịu tác động tiêu cực từ bối cảnh chung của thị trường. Sau thời điểm 31/1/2023 đến nay, vẫn tiếp tục có thêm doanh nghiệp gửi thông báo xin chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu như Bất động sản Gia Phú, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Nice Star,...và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Liên quan đến thị trường trái phiếu, mới đây, tại báo cáo thị trường trái phiếu của CTCP Chứng khoán VNDirect cho thấy, năm 2023, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn ở mức 251.849 tỷ đồng, tăng 64,4% so với năm trước.
Cơ cấu dư nợ chủ yếu nằm ở bất động sản, đây là nhóm có giá trị đáo hạn cao nhất trong năm 2023 với 107.752 tỷ đồng, chiếm 42,8% tổng giá trị đáo hạn và tăng 76,2% so với năm trước.
Nhóm tài chính - ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn thứ hai với 30,8% tương đương 77.650 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ. Trong khi đó, các ngành còn lại chỉ chiếm 26,4%, tương đương 66.446 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ.
Trong khi đó, tại thời điểm hiện nay nhiều doanh nghiệp lại đang có vấn đề về nguồn vốn do chịu tác động tiêu cực của thị trường, từ đó khó để thu xếp tài chính hay tiến hành đảo nợ.
Trao đổi với báo chí về thị trường chứng khoán, Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng Lê Xuân Nghĩa cho biết, trước đây, các doanh nghiệp thường sử dụng phương án “gối đầu”, huy động các đợt trái phiếu mới để trả gốc, lãi cho các trái phiếu đến kỳ đáo hạn.
Nhưng tình hình hiện nay, rất khó để doanh nghiệp huy động vốn từ trái phiếu khi niềm tin của nhà đầu tư bị lung lay, trái phiếu trở thành một kênh huy động vốn "nhạy cảm". Không huy động được vốn mới, không đủ tiền để trả các khoản nợ cũ, từ đó dẫn đến làn sóng "khất nợ" trái phiếu hiện nay.
Huy Tùng