Apax Leaders và EnglishNow đều là thành viên trực thuộc Tập đoàn Egroup của Shark Thủy. Thời gian gần đây, 2 hệ thống dạy tiếng Anh này đều bị tố ôm tiền học phí rồi đóng cửa, không dạy... Bên cạnh đó, Trung tâm tiếng Anh Englishnow còn bị phản ánh nợ lương của nhân viên, giáo viên.
Englishnow Hà Nội bất ngờ dừng dạy, nợ lương nhân viên
Vào sáng 14/9, hàng chục phụ huynh cùng những nhân viên bị nợ lương đã tới trụ sở củ Egroup, công ty tổng của trung tâm Englishnow (Hà Nội), để yêu cầu ban lãnh đạo xử lý triệt để việc nơi này đã nhận tiền nhưng không tổ chức dạy học theo kế hoạch cho học viên. Nhiều tháng nay, việc học của trẻ bị đình trệ, không có giáo viên đứng lớp. Trung tâm này cũng không thông báo để nói rõ vấn đề với phụ huynh và các học viên.
Theo phản ánh của nhiều phụ huynh đăng ký cho con học tại trung tâm Enghlishnow, trong thời gian dịch bệnh, nhiều người đã tin tưởng đăng ký các khóa học online 1 kèm 1 của hệ thống Anh ngữ Englishnow thuộc công ty Cổ phần cổ phần đầu tư và phát triển Egame, đóng tiền và theo học dài hạn trong 1-2 năm. Tuy nhiên, sau 1 năm học, mọi thứ hoàn toàn thay đổi khi bỗng nhiên cô giáo không vào lớp học online của học sinh.
Phụ huynh thì tá hỏa và ngơ ngác đi tìm câu trả lời. Từ địa chỉ ghi trên trang web, nhiều phụ huynh đã tìm đến Trung tâm Tiếng Anh Englishnow ở phố Lê Thanh Nghị, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội thế nhưng tầng 3 đã đóng cửa chưa hẹn ngày mở lại, còn tầng 4 là hội sở chính thì trống trơn.
"Trong quá trình trung tâm đóng cửa, trung tâm không đưa ra một kế hoạch gì có thể hỗ trợ các con học từ xa, trên phần mềm nên thực sự mình thất vọng", chị Nguyễn Thị Ngọc Mai, phụ huynh học sinh cho biết.
Thất vọng và lo lắng của phụ huynh tăng lên khi tài khoản học trực tuyến của nhiều con lần lượt không thể đăng nhập. Trái ngược với lời giới thiệu hấp dẫn cách đây hơn 1 năm rằng Englishnow hỗ trợ các con cập nhật tình hình học tập hàng tuần, hàng tháng thông qua hệ thống ứng dụng trên smartphone.
Anh Lê Hoàng Long (Hà Nội) có con học tại Hệ thống Anh ngữ Englishnow cho biết, mặc dù anh đã đóng tiền cả năm gần 20 triệu đồng cho trung tâm vào thời điểm mới đăng ký cho con học, tuy nhiên, khi con anh Long mới học được 10 tháng (tức còn 2 tháng nữa mới hết hợp đồng) thì trung tâm bất ngờ dừng dạy.
“Hình thức cam kết trong hợp đồng là 1-1, tuy nhiên sau đó trung tâm đưa ra phương án ghép lớp cho con. Nhận thấy rằng nếu làm như vậy là bên trung tâm đang làm sai hợp đồng và khi ghép lớp mỗi con một trình độ khác nhau sẽ ảnh hưởng tới việc tiếp thu kiến thức của con, vì vậy tôi không đồng ý. Sau đó, tôi cố gắng liên hệ nhiều lần với bên trung tâm để có cách giải quyết phù hợp nhưng không nhận được phản hồi”, anh Long nói.
Không chỉ bị tố "ôm tiền" của học viên rồi "bỏ trốn", theo một số cựu nhân viên của trung tâm này, tới thời điểm hiện tại có khoảng 200 nhân viên đang bị nợ lương. Mặc dù, những nhân viên này đã nhiều lần phản ánh và biểu tình đòi Englishnow giải quyết nhưng vẫn chưa nhận được tiền.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một cựu nhân viên của Hệ thống Anh ngữ Englishnow và cũng là một phụ huynh có con học tại trung tâm cho biết, chị đã bị trung tâm nợ lương từ tháng 4/2022.
Cuối tháng 8/2022, chị đã xin nghỉ việc và đến nay vẫn chưa nhận được lương. Chị chia sẻ, việc công ty không trả lương những tháng vừa rồi ảnh hưởng trực tiếp tới việc trang trải cuộc sống, thậm chí có những tháng chị đã phải đi vay mượn để đủ chi tiêu.
Chia sẻ với VTV.VN, một trong những giáo viên đầu tiên dạy tại Trung tâm Englishnow khi mới thành lập năm 2019 và cô cũng là một trong những người buộc phải rời đi cuối cùng từ đầu tháng 9/2022: "Họ không được trả một đồng lương nào từ khi chấm dứt hợp đồng lao động. Có những người họ đã nợ hơn 100 triệu tiền lương"
Nợ lương là căn nguyên của câu chuyện. Tại trụ sở Công ty Egame, rất nhiều người đã yêu cầu ban đại diện giải quyết vấn đề. Tính lại tiền, thêm thông tin vào danh sách đòi nợ thậm chí có người là nhân viên vừa mua khóa học cho con, vừa đứng ra mua cho người nhà.
Chị Phạm Thị Hồng Loan, nhân viên cũ Trung tâm Anh ngữ Englishnow bức xúc cho biết: "Mình đứng ra làm thẻ để cho con được học. Mua cho người nhà, bây giờ mình lại mang tiếng đi lừa đảo".
Đây không phải lần đầu, các nhân viên tập trung lại. Trước đó, vào tháng 5/2022, gần 50 người còn làm việc tại trung tâm đã đồng loạt đấu tranh. Kết quả được trả lại 1 tháng lương. Sau đó, hầu hết những người này cũng nghỉ việc từ tháng 6.
Tới tối ngày 14/9, đại diện Công ty Cổ phần English Now Global (thuộc tập đoàn Egroup) đã làm việc với phụ huynh và nhân viên công ty, lập biên bản làm việc, xác nhận nợ, cam kết trả nợ cho nhân viên. Đồng thời, phía doanh nghiệp thỏa thuận, thống nhất hoàn trả học phí cho tất cả trường hợp phụ huynh không tiếp tục cho con theo học tại trung tâm.
Theo thông tin và giấy tờ đại diện Công ty Cổ phần English Now Global cung cấp, tại buổi làm việc, doanh nghiệp và phụ huynh học sinh cùng thống nhất về lộ trình hoàn trả học phí chưa được sử dụng hết. Cụ thể, lần thanh toán thứ nhất, công ty sẽ thanh toán 50% học phí của mỗi học sinh vào ngày 30/10. Lần thanh toán thứ hai sẽ vào ngày 15/11, khi đó phụ huynh sẽ nhận được 50% số học phí còn lại.
Số học phí cụ thể được xác định/đối chiếu căn cứ vào thời gian khóa học còn lại, kèm theo việc xác minh chứng từ nộp học phí do phụ huynh cung cấp.
Công ty sẽ chuyển khoản học phí vào số tài khoản do các phụ huynh chỉ định. Nếu công ty không thanh toán đúng như thỏa thuận, phụ huynh có quyền đưa vụ việc ra pháp luật.
Về vấn đề nợ lương, đại diện công ty cùng nhân viên thống nhất lộ trình thanh toán cho các nhân viên bị nợ lương bằng tiền từ tháng 1/2022 đến tháng 7/2022.
Theo đó, công ty cam kết vào ngày 25/9 sẽ thanh toán 15% tổng nợ lương và trả tiếp 30% vào ngày 25/10. Số tiền còn lại, công ty sẽ chia thành 2 đợt trả là 25/11 và 25/12, lần lượt trả 30% và 25%.
Ngoài ra, biên bản thỏa thuận nêu rõ công ty cam kết thanh toán theo đúng lộ trình đưa ra. Nếu chậm trả lương theo thỏa thuận, công ty sẽ chịu trách nhiệm đối với số tiền chậm trả tương ứng với mức lãi suất ngân hàng kể từ ngày chậm.
Apax Leaders ở Đắk Lắk "bốc hơi"
Chưa hết bàng hoàng vì hàng loạt vấn đề tại một số cơ sở của hệ thống Anh ngữ Englishnow, vào ngày 22/9, cộng đồng mạng "dậy sóng" khi Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders Buôn Ma Thuột (tầng 3 tòa nhà Vincom Plaza, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) mở lớp chiêu sinh dạy học nhưng bất ngờ "bốc hơi" từ tháng 8/2022, ôm theo học phí hàng trăm triệu đồng của học sinh.
Hiện tại, Công an TP Buôn Ma Thuột đã tiếp nhận đơn tố cáo của phụ huynh về vụ việc. Ông Phạm Đăng Khoa, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cũng cho biết đã ra quyết định thành lập đoàn kiểm tra sự việc này.
Theo chị Trần Thị Hòa (44 tuổi, trú tại phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột), cuối tháng 6/2022, chị cho con theo học tiếng Anh tại Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders. Sau khi được tư vấn, ngày 22-6, chị Hòa chuyển cho Trung tâm Apax Leaders hơn 23,3 triệu đồng học phí 12 tháng cho con. Việc học diễn ra bình thường trong hơn 1 tháng nên chị vẫn yên tâm.
Đầu tháng 8/2022, chị chở con đến trung tâm như mọi ngày, nhưng khi hết giờ học, quay lại đón thì thấy con và các bạn "ngồi vật vờ" ở tầng trệt tòa nhà Vincom. "Tôi hỏi thì cháu nói lên lớp mới biết trung tâm đóng cửa, tắt điện nên xuống tầng trệt chờ mẹ đón. Tôi bực quá, chạy lên thì đúng là trung tâm đã bốc hơi", chị Hòa bức xúc kể.
Được biết, đã có hàng chục phụ huynh cũng đã đóng học phí cả năm nhưng con mới chỉ học được khoảng một tháng thì trung tâm đóng cửa, không hề được thông báo trước.
Khi phụ huynh hỏi giáo viên, nhân viên thì ngày 19/8 được thông báo là "máy chủ của trung tâm bị cháy", các lớp tạm nghỉ ngày 20 và 21/8, nhưng đến nay trung tâm này vẫn chưa hoạt động trở lại cũng như có động thái hoàn tiền cho các học viên.
Trong thông tin gửi đến báo Tuổi Trẻ Online sau vụ việc được phản ánh tại Trung tâm Apax Leaders Buôn Ma Thuột, đại diện Apax Leaders cho rằng "không có chuyện "ôm tiền" bỏ rơi phụ huynh và học sinh của mình".
Để đảm bảo quyền lợi của phụ huynh, ngay từ hôm nay 23/9, Apax cho biết sẽ liên hệ trực tiếp cho phụ huynh để nắm tình hình và có phương án giải quyết các yêu cầu của khách hàng về bảo lưu và hoàn phí một cách cụ thể.
"Chúng tôi cam kết sẽ giải trình về sự việc bằng văn bản tới các cơ quan quản lý, thông báo tới cơ quan truyền thông và khách hàng", đại diện Apax Leaders thông tin.
"Chúng tôi sẽ kiểm tra và xử lý các sai phạm, kỷ luật thích đáng các cá nhân và không để sự việc này tái diễn. Trong thời gian ngắn nhất, Apax Leaders sẽ rà soát lại hoạt động của toàn bộ trung tâm để chấn chỉnh những thiếu sót (nếu có) của toàn hệ thống nhằm đảm bảo chất lượng dạy và học đã cam kết" - đại diện Apax Leaders cho biết.
Sở hữu hàng loạt hệ thống dạy Anh ngữ, công ty của Shark Thủy đang kinh doanh ra sao?
Trên thực tế, Apax Leaders và EnglishNow đều là thành viên trực thuộc Tập đoàn Egroup, sở hữu bởi "Shark" Thủy, tên thật là Nguyễn Ngọc Thủy, đồng sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn Egroup.
Tập đoàn Egroup tên đầy đủ là Công ty Cổ phần Tập đoàn Giáo dục Egroup (Egroup Education Group Joint Stock Company) là một công ty Công nghệ Giáo dục tại Việt Nam, có trụ sở chính đặt tại Hà Nội.
Tiền thân của Egroup là Công ty Cổ phần Trò chơi Giáo dục Trực tuyến - Egame, hoạt động trong lĩnh vực trò chơi giáo dục trực tuyến.
Năm 2008, Công ty Cổ phần Trò chơi Giáo dục Trực tuyến Egame chính thức được thành lập, người sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị là ông Nguyễn Ngọc Thủy.
Tới thời điểm hiện tại, Tập đoàn Egroup đã có 12 công ty hoạt động trong các lĩnh vực đào tạo tiếng Anh, giáo dục mầm non, giáo dục trực tuyến, phát triển tư duy sáng tạo cho trẻ em thông qua robot thông minh và tính nhẩm, giáo dục kỹ năng nghề và du học.
Trong đó, Công ty cổ phần Đầu tư Apax Holdings (mã chứng khoán: IBC) của Shark Thủy - Nguyễn Ngọc Thủy đang kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực giáo dục. Hiện nay, IBC đang có 3 công ty con là CTCP Anh ngữ Apax (Apax English), CTCP Phát triển giáo dục Igarden và CTCP Trường liên cấp Firbank Australia, cùng 3 công ty liên kết là CTCP Tập đoàn hạ tầng giáo dục, CTCP Giáo dục tư duy và Sáng tạo CMS, CTCP Hạ tầng Trường liên cấp STEAME.
Công ty cổ phần Đầu tư Apax Holdings này sở hữu các chuỗi "thương hiệu" trung tâm dạy tiếng Anh như Apax Holdings, Apax Leaders.
Trong các công ty con của Apax Holdings thì Apax English đang là công ty con hoạt động hiệu quả nhất. Theo giới thiệu, hệ thống này đang có hơn 120 trung tâm trên toàn quốc với thương hiệu Apax Leaders, trải rộng tại hơn 30 tỉnh thành với khoảng hơn 120.000 học viên đang theo học. Tính đến cuối tháng 6/2022, Apax Holdings đang sở hữu 66,36% cổ phần Apax English.
Năm 2021, kết quả kinh doanh của Apax English sụt giảm về cả doanh thu và lợi nhuận. Cụ thể, doanh thu năm 2021 của Apax English là 1.534 tỷ đồng, giảm 11% còn lợi nhuận sau thuế chỉ còn 22 tỷ đồng, giảm 65% so với năm 2020.
Phía trung tâm Anh ngữ giải thích do hệ thống các trung tâm phải đóng cửa 8 tháng trong năm 2021 theo quy định phòng chống dịch, các trung tâm đã phải chuyển hướng sang đào tạo online nên doanh thu giảm. Bên cạnh đó, do phần lớn các chi phí là định phí nên sự sụt giảm doanh thu dẫn đến lợi nhuận giảm.
Tính đến thời điểm cuối năm 2021, tổng tài sản của Apax English là 3.147 tỷ đồng (tăng 29% so với cuối năm 2020), vốn chủ sở hữu là 1.208 tỷ đồng (tăng 33% so với cuối năm 2020). Trong năm 2021, Apax English đã thành công nâng vốn điều lệ từ 612 tỷ đồng lên 887 tỷ đồng và huy động thành công 2 lô trái phiếu riêng lẻ tổng trị giá 500 tỷ đồng.
Đáng chú ý, hồi đầu năm 2022, Apax English đã bị CTCP Thương mại Dịch vụ Tổng hợp Hai Bà Trưng - chủ đầu tư và trực tiếp quản lý vận hành Toà nhà thương mại và văn phòng cho thuê – CDC Building tại số 25-27 Lê Đại Hành trình báo Công an về việc Apax English chậm nghĩa vụ thanh toán tiền thuê mặt bằng với số tiền tạm tính hơn 2 tỷ đồng.
Phía Apax English cho biết mong muốn được giãn nợ, chia khoản nợ trả đều trong 6 tháng đến tháng 6/2022, và mong muốn chủ CDC Lê Đại Hành thực hiện theo cam kết ban đầu là giảm 30% phí thuê trong 6 tháng năm 2021.
Về các đề xuất của Apax, công ty Hai Bà Trưng cho rằng mặc dù đã đồng ý giảm 30% tiền thuê và phí làm thêm giờ cố định trong 6 tháng từ tháng 6/2021 đến tháng 12/2021 cho Apax nhưng với thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng trước hạn của Apax, tiền thuê văn phòng và các loại phí khác vẫn sẽ giữ nguyên theo quy định của hợp đồng và theo điều kiện của hợp đồng, Apax không còn quyền nhận lại tiền đặt cọc (885 triệu đồng).
Về phía Apax Holdings, trong 6 tháng đầu năm 2022, công ty đạt doanh thu 669 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế lại đạt 23 tỷ đồng, tăng 276% so với cùng kỳ.
Công ty giải thích nguyên nhân lợi nhuận tăng là do toàn hệ thống thực hiện tái cơ cấu bộ máy, giảm đáng kể chi phí bán hàng, chi phí hoạt động và các đơn vị quay trở lại hoạt động hiệu quả.
Tổng tài sản của Apax Holdings tại ngày 30/6 tăng 2% so với thời điểm đầu năm, đạt 4.723 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 1.601 tỷ đồng.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của Apax Holdings, cổ đông doanh nghiệp đã thông qua phương án phát hành 83,1 triệu cổ phiếu (tương đương 831,5 tỷ đồng) cho cổ đông hiện hữu, để tăng vốn điều lệ lên 1.663 tỷ đồng.
Shark Thủy là ai?
Shark Thủy tên thật là Nguyễn Ngọc Thủy (sinh ngày 17/4/1982). Ông là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Anh ngữ Apax. Đồng thời là founder kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị – Tổng Giám đốc Tập đoàn Egroup.
Doanh nhân Nguyễn Ngọc Thủy là một trong những người đặt những viên gạch đầu tiên trong việc xây dựng phương pháp giáo dục trên cơ sở công nghệ hiện đại cho Việt Nam.
Shark Thủy đã thành công trong việc xây dựng Egroup như một hệ sinh thái giáo dục. Tạo ra liên kết và hợp tác giữa Việt Nam với các tập đoàn lớn nước ngoài như SK Telecom, Yakson Myungga, Chungdahm Learning, Culture 21, Franklin Learning Center (Mỹ), MegaNext,…
Shark Thủy khác biệt với 4 “cá mập” của Shark Tank Việt Nam. Anh là người duy nhất chưa tốt nghiệp đại học.
Năm 2017, shark Thủy được Enterprise Asia bình chọn là 1 trong 14 doanh nhân xuất sắc tại Việt Nam. Anh được trao tặng giải thưởng Doanh nhân châu Á – Thái Bình Dương (APEA).
Shark Thủy bắt đầu ý tưởng khởi nghiệp từ trung tâm luyện thi đại học. Anh cũng không ít lần thất bại với dự án cung cấp người giúp việc hay công ty buôn bán thiết bị máy tính.
Năm 2008, Nguyễn Ngọc Thủy quyết định thành lập công ty Egame – sau này là tập đoàn Egroup. Cho đến nay, Egroup đã tồn tại và phát triển được gần 10 năm. Shark Thủy đã xây dựng được một “hệ sinh thái giáo dục” Egroup với chuỗi 12 công ty con chuyên phát triển các lĩnh vực công nghệ thông tin, giáo dục và sức khoẻ.
Vừa mới ra mắt được 1 năm, một công ty trong hệ sinh thái Apax Holdings là CTCP Tập đoàn Hạ tầng Giáo dục đã huy động thành công gần 2.000 tỷ đồng qua kênh trái phiếu với lãi suất lên đến 13%/năm.
Áp lực nợ vay tại nhiều doanh nghiệp bất động sản như TTC Land, Phát Đạt, Nam Long... ngày càng lớn khiến doanh nghiệp chọn cách chào bán cổ phiếu, trái phiếu để có nguồn tiền trả nợ và xây dựng dự án.
HĐQT Khải Hoàn Land phê duyệt phương án mua lại trước hạn 20% số lượng trái phiếu KHGH2123001, tương đương khối lượng 60.000 trái phiếu. KHG dự kiến mua lại trước hạn 60 tỷ đồng của lô trái phiếu trên vào ngày 5/12/2024.
Sau 9 tháng đầu năm 2024, ngân hàng SHB đã thực hiện 80% kế hoạch lợi nhuận năm 2024, nằm trong Top 10 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất 9 tháng đầu năm 2024.
Mới đây, hai ngân hàng MSB và BIDV tiếp tục ra thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng sản xuất thương mại Tài Nguyên - chủ đầu tư siêu dự án Kenton Node để thu hồi nợ vay.
Kết thúc 9 tháng năm 2024, nhiều doanh nghiệp bất động sản như Nam Long, Khang Điền... ghi nhận lượng hàng tồn kho tiếp tục tăng. Thậm chí, giá trị hàng tồn kho bất động sản chiếm hơn nửa tổng tài sản của doanh nghiệp.
Giai đoạn 2019-2022, doanh thu từ dịch vụ kinh doanh bảo hiểm của Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank - mã: MBB) tăng trưởng rất nhanh nhờ lợi thế vận hành 2 công ty bảo hiểm gồm MIC và MB Ageas Life.
Năm 2023, loạt dự án bất động sản khu đô thị của Taseco Land như Central Square, Nghi Sơn Central Park... phải thế chấp ngân hàng. Mới đây, Taseco Land là đơn vị duy nhất đáp ứng điều kiện làm dự án khu đô thị hơn 3.200 tỷ đồng ở Mê Linh, Hà Nội.
Hơn 253.000 tỷ đồng nợ xấu của các ngân hàng trên sàn chứng khoán; LPBank dự định chuyển trụ sở chính và mua 5% cổ phần FPT; Thu hơn 300 tỷ đồng từ thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước trong 10 tháng; Vietcombank phát hành thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu xanh... là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.