Tính từ cuối tháng 10/2022 đến nay, chuỗi cầm đồ F88 đã chi ra gần 200 tỷ đồng để mua lại trước hạn 4 lô trái phiếu được phát hành vào tháng 1,2,6/2022.
Tính từ cuối tháng 10/2022 đến nay, chuỗi cầm đồ F88 đã chi ra gần 200 tỷ đồng để mua lại trước hạn 4 lô trái phiếu được phát hành vào tháng 1,2,6/2022.
Cụ thể, chuyên trang thông tin về trái phiếu của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) công bố ngày 29/12, Công ty cổ phần kinh doanh F88 đã mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước ngày đáo hạn (mua lại trái phiếu trước hạn).
Theo đó, ngày 27/12, chuỗi cầm đồ F88 thực hiện mua lại 100% theo giá trị phát hành của lô trái phiếu mã F88CH2223007 mệnh giá 100 triệu đồng, giá trị phát hành 45 tỷ đồng. Ngày phát hành là 27/6/2022 và đáo hạn ngày 27/6/2023.
Trước đó, ngày 21/11, F88 cũng đã mua lại toàn bộ lô trái phiếu mã F88CH2223002 có giá trị 20 tỷ đồng, mệnh giá 100 triệu đồng được phát hành ngày 21/2/2022 và đáo hạn ngày 21/2/2023.
Cuối tháng 10/2022, chuỗi cầm đồ F88 cũng liên tiếp mua lại trước hạn hai lô trái phiếu với tổng giá trị 130 tỷ đồng.
Cụ thể, lô thứ nhất có mã trái phiếu F88CH2223004, mệnh giá 100 triệu đồng, giá trị phát hành 100 tỷ đồng, ngày phát hành 25/2/2022, kỳ hạn 12 tháng tương ứng ngày đáo hạn 25/2/2023. Chuỗi cầm đồ F88 đã mua 1000 trái phiếu vào ngày 24/10 để đưa số lượng trái phiếu của lô về 0.
Lô thứ hai có mã trái phiếu F88CH2223001, mệnh giá 100 triệu đồng, giá trị phát hành 30 tỷ đồng, ngày phát hành 27/1/2022, kỳ hạn 12 tháng tương ứng ngày đáo hạn 27/1/2023. F88 đã mua 300 trái phiếu vào ngày 27/10 để đưa số lượng trái phiếu theo mã về 0.
Như vậy, F88 đã chi ra 195 tỷ đồng để mua lại toàn bộ trước hạn 4 lô trái phiếu vừa được phát hành huy động vốn vào dịp đầu năm 2022. Phần lớn loại trái phiếu trong các đợt phát hành của F88 là trái phiếu riêng lẻ, không có tài sản đảm bảo, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo và không chuyển đổi (4 không).
CTCP Kinh doanh F88 là công ty con của CTCP Đầu tư F88, đơn vị đã nhận vốn đầu tư ngoại từ Mekong Enterprise Fund III (2016) và Granite Oak (2018). Công ty “nổi lên là hiện tượng mới trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam và thiết lập được mối quan hệ chặt chẽ với nhiều ngân hàng đầu tư và các tổ chức tài chính khác".
Cập nhật đến cuối tháng cuối tháng 10/ 2022, F88 có 800 phòng giao dịch cầm đồ, trong đó, tập trung chủ yếu ở phía Bắc và hiện đang mở rộng hơn về thị trường miền Nam.
Trong kế hoạch của mình, F88 đặt mục tiêu cuối năm 2022, đầu năm 2023 sẽ mở rộng lên 1.000 phòng giao dịch trên toàn quốc.
Theo chia sẻ của ông Phùng Anh Tuấn – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh F88 - dự kiến, năm 2024, F88 sẽ xây dựng 1.500 phòng giao dịch trên toàn quốc. Trước đó, khi nói về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, ông Tuấn cũng cho biết: "“Huy động vốn trên thị trường trái phiếu trong nước nằm trong chiến lược nguồn vốn dài hạn của công ty, vận dụng bài học thành công từ các công ty cho vay cầm cố hàng đầu tại Mỹ (First Cash), Thái (Srisawad) và Singapore (Maxicash).
Việc phát hành trái phiếu thành công giúp cho F88 bổ sung nguồn vốn cần thiết để đáp ứng tốc độ tăng trưởng của hoạt động cho vay cầm cố của công ty. Kết quả này thể hiện sự quan tâm và đánh giá cao của nhà đầu tư về hiệu quả và uy tín của F88".
Theo quy định, việc mua lại trước hạn trái phiếu thông thường được thực hiện trong các trường hợp: Mua lại trước hạn theo quyền mua lại của tổ chức phát hành; mua lại trước hạn theo quyền bán lại của người sở hữu trái phiếu; mua lại theo thỏa thuận; Mua lại trái phiếu bắt buộc. Tất cả trường hợp đều được công bố minh bạch, rõ ràng trong Bản công bố thông tin tại ngày phát hành.
Trong bối cảnh hiện tại, diễn biến này có khả năng chịu tác động mạnh bởi tâm lý lo ngại rủi ro ở cả phía nhà đầu tư và doanh nghiệp. Do đó, việc các doanh nghiệp mua lại trái phiếu còn có mục đích ổn định và củng cố lòng tin về năng lực tài chính bên phát hành trong bối cảnh về phía nhà đầu tư cũng có một bộ phận muốn bán trái phiếu trước hạn.
Thực tế, trong bối cảnh hiện nay, một số nhà đầu tư có thể chấp nhận các khoản thuế, phí bán trái phiếu trước hạn, thậm chí chịu “lỗ nặng” để nhanh chóng sang tay trái phiếu - sản phẩm đầu tư do chính mình đã thẩm định và quyết định tin tưởng để xuống tiền trong kỳ hạn được quy định trước. Đây cũng là lý do tình trạng bond-run, rút tiền trái phiếu hàng loạt, yêu cầu nhà phát hành mua lại trái phiếu ngay lập tức đang diễn ra trên thị trường trái phiếu Việt Nam hiện tại.
Hoàng Long (t/h)