Các ngân hàng công bố Lịch nghỉ Tết Nguyên đán; Một số vấn đề người dân cần lưu ý khi vay tiền trực tuyến; Ngân hàng muốn cho vay bất động sản, nhưng vẫn phải dè chừng rủi ro…là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Các ngân hàng công bố Lịch nghỉ Tết Nguyên đán; Một số vấn đề người dân cần lưu ý khi vay tiền trực tuyến; Ngân hàng muốn cho vay bất động sản, nhưng vẫn phải dè chừng rủi ro…là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) vừa có báo cáo về giao dịch cổ phiếu EIB của Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Theo đó, SMBC đã bán ra 132,8 triệu cổ phiếu EIB vào ngày 13/1/2023.
Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của SMBC tại Eximbank giảm từ 15,07% (185,3 triệu cp) xuống còn 4,27% (52,51 triệu cp), và không còn là cổ đông lớn tại ngân hàng.
Phiên giao dịch 13/1 ghi nhận hơn 134 triệu cổ phiếu EIB (tương đương 10,8% vốn điều lệ Eximbank) được trao tay qua phương thức thỏa thuận, với tổng giá trị giao dịch lên tới 3.421 tỷ đồng, trong đó, phần lớn các cổ phiếu EIB được giao dịch ở mức giá 25.500 đồng/cổ phiếu.
Thanh khoản EIB tăng vọt nhờ hoạt động sang tay của khối ngoại cho khối nội. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 132,8 triệu cổ phiếu EIB (đúng bằng lượng cổ phiếu SMBC bán ra), giá trị gần 3.420 tỷ đồng.
Eximbank và SMBC đã tham gia vào liên minh chiến lược từ năm 2007, và sau đó SMBC đã mua lại 15% vốn cổ phần của ngân hàng. Cả hai đã tham gia hợp tác trong nhiều hoạt động tại Việt Nam. "Tuy nhiên, những thay đổi quan trọng trong môi trường kinh doanh đã dẫn đến việc cả 2 bên đồng ý ngưng liên minh", SMBC cho biết trong văn bản công bố ngày 18/3/2022.
Sau đó, Ngân hàng Nhà nước ngày 18/10/2022 cũng đã có văn bản "chấp thuận việc bán, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần EIB do SMBC sở hữu ở Eximbank".
Mặt khác, ông Võ Quang Hiển, đại diện tại Eximbank theo ủy quyền của SMBC cũng thông báo không còn là thành viên HĐQT tại nhà băng này. Với động thái này, các giao dịch mua/bán cổ phiếu EIB của SMBC không cần đăng ký trước, như đối với trường hợp người có liên quan.
Cũng liên quan đến Eximbank, sáng ngày (16/1), Eximbank đã tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường nhằm bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ VII (2022 – 2025) sau khi một số thành viên có đơn từ nhiệm. Tuy nhiên, đại hội đã không thể tiến hành do không có đủ tỷ lệ cổ đông có quyền biểu quyết tham dự.
Chia sẻ bên lề đại hội, một lãnh đạo cấp cao của Eximbank cho biết, đã có nhóm cổ đông mới thay thế SMBC và ngân hàng này dự kiến chia cổ tức với tỷ lệ khá cao trong năm 2023.
Kỳ nghỉ Tết là khoảng thời gian lý tưởng để sum vầy bên gia đình, mọi người được nghỉ ngơi, thư giãn sau 1 năm làm việc. Tuy nhiên, thời gian nghỉ tương đối dài trong khi nhu cầu sử dụng các dịch vụ ngân hàng vẫn rất cao trong dịp này. Do đó, nhiều ngân hàng đã chủ động thông báo cho khách hàng lịch nghỉ Tết để họ nắm bắt được tình hình và có các kế hoạch trước cho những giao dịch cần thiết, đặc biệt là các giao dịch tại quầy.
Đa số ngân hàng sẽ ngưng hoạt động tại quầy từ ngày 20/1 (29 Tết) đến 26/1 (mùng 5 Tết) và trở lại làm việc từ ngày 27/1 (tức mùng 6 âm lịch), chẳng hạn như Vietcombank, BIDV, VietinBank, TPBank, NamABank, Bản Việt…
Một số ngân hàng cũng lưu ý rõ hơn về ngày giao dịch cuối cùng (19/1/2023 - tức 28 Tết). VIB cho biết, ngày 19/1/2023,ngân hàng sẽ kết thúc giao dịch tại quầy vào lúc 16h30 đối với giao dịch tiền mặt và 17:00 đối với các giao dịch khác. VIB sẽ nghỉ Tết từ ngày 20/1 đến hết ngày 26/1 và trở lại làm việc từ ngày 27/1.
Tuy nhiên, nhằm đáp ứng nhu cầu giao dịch tăng cao của khách hàng dịp cuối năm, một số ngân hàng tiếp tục phục vụ khách hàng giao dịch tại quầy cho đến tận chiều 30 Tết.
Chẳng hạn, PVcomBank cho biết sẽ phục vụ khách hàng đến giao dịch tại quầy trong ngày 20/01/2023 và 21/01/2023 (tức ngày 29 và ngày 30 Tết) tại hầu hết các Chi nhánh, Phòng Giao dịch của PVcomBank trên cả nước. Ngày 27/01/2023 (tức mùng 6 Tết), các hoạt động giao dịch tại quầy trở lại hoạt động bình thường.
Mỗi người dân cần đề cao cảnh giác trước các hình thức cho vay trực tuyến một cách dễ dàng; cần ghi nhớ một số đặc điểm thường gặp ở các app vay tiền lừa đảo. Đó là thường đưa ra mức lãi suất cho vay vượt quá 20%/năm đã được quy định trong Bộ luật Dân sự; thường yêu cầu người vay phải cho phép truy cập vào danh bạ, tài khoản mạng xã hội của mình và phải đóng phí bảo hiểm khoản vay… Ngoài ra, trong quá trình đăng ký vay, các đối tượng thường dẫn dụ người vay tiếp cận với nhiều app cho vay khác thông qua việc truy cập vào đường link lạ.
"Người dân nên tìm hiểu kỹ xem app vay tiền có website chính thống hay không; cần đảm bảo app vay tiền được phát triển và quản lý bởi đơn vị đã được đăng ký kinh doanh rõ ràng; kiểm tra kỹ các thông tin về lãi suất, khoản vay, thời hạn vay được quy định một cách rõ ràng và cần tiếp cận thông tin trên các báo chính thống ; không nên tiếp cận thông tin vay tiền trên các app, trên các hội nhóm, trên mạng xã hội", bà Nguyễn Thị Hoài Thu, Phó Giám đốc Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Hải Phòng, cho hay.
Khi có nhu cầu vay tiền, người dân nên đến tận nơi có các ngân hàng hay các tổ chức tín dụng uy tín để được hướng dẫn vay vốn theo đúng quy định.
"Người dân cần nghiên cứu kỹ hợp đồng vay trước khi quyết định giao kết, trong đó lưu ý một số điểm như: thời hạn cho vay, lãi suất cho vay, thời điểm, phương thức tính lãi, quy định về các loại phí cho vay, quy định về quyền và trách nhiệm của người dân đối với hợp đồng", bà Nguyễn Thị Hoài Thu nhận định.
Người dân cần tuyệt đối không thực hiện các yêu cầu chuyển tiền để chứng minh tài chính hay bất kỳ một yêu cầu chuyển tiền nào khác. Đối với các trường hợp phát sinh giao dịch vay tín dụng, khi phát hiện ra những dấu hiệu bất thường, người dân cần thông báo ngay đến cơ quan công an để được hỗ trợ giải quyết kịp thời.
Muốn cho vay bất động sản để dòng vốn luân chuyển, thu hồi được nợ, nhưng các ngân hàng cũng cảnh báo nguy cơ lách luật để tuồn vốn vào bất động sản và hiện tượng vay vốn để đảo nợ trái phiếu.
Theo các chuyên gia, qua cơn khủng hoảng thanh khoản vừa qua, doanh nghiệp bất động sản cần nghiêm túc nhìn nhận lại. Thời gian qua, giá bất động sản bị đẩy lên quá cao, tỷ suất sinh lời quá lớn. Chỉ khi doanh nghiệp bất động sản chấp nhận giảm bớt lợi nhuận, người dân chấp nhận được mức giá, thì dòng vốn mới luân chuyển.
Thực tế, bất động sản là lĩnh vực gắn bó mật thiết với ngân hàng, chiếm hơn 20% tổng dư nợ tín dụng và chiếm 70-80% tài sản bảo đảm của các ngân hàng. Các tổ chức tín dụng rất muốn cho vay rồi cho vay tiếp và muốn thị trường bất động sản khơi thông để dòng vốn luân chuyển, thu hồi được nợ.
“Tuy vậy, nếu không cẩn thận, các tổ chức tín dụng lại bơm vốn để bù đắp phần đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp. Điều đó cực kỳ nguy hiểm trong kiểm soát tài sản”, ông Nguyễn Quốc Hùng cảnh báo.
Theo ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank, hiện có xu hướng cá nhân, nhóm cá nhân phối hợp hình thành nhóm công ty có mối liên hệ rất mật thiết với nhau, nhưng thuê hoặc ủy quyền người khác đứng tên để lách quy định về người có liên quan để vay vốn ngân hàng cho hoạt động kinh doanh thông thường, nhưng thực chất là đầu tư kinh doanh mạo hiểm, kinh doanh bất động sản. Vì vậy, việc kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay của ngân hàng thương mại rất khó khăn và không khả thi, tiềm ẩn rủi ro cao.
Các ngân hàng và chuyên gia đều cho rằng, cần sớm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, song phải bằng các giải pháp đồng bộ như gỡ vướng về pháp lý, về thị trường vốn, chứ không chỉ gỡ khó về tín dụng. Riêng về vốn cho bất động sản, việc điều chỉnh hành lang pháp lý và vực dậy niềm tin thị trường để doanh nghiệp có thể khởi động lại kênh phát hành trái phiếu rất quan trọng.
Huy Tùng (T/h)