Thái Nguyên đấu giá 22 lô đất khu dân cư, giá khởi điểm 1,25 tỷ đồng; Hơn 100 dự án bất động sản tại Long Biên đưa vào sử dụng trong năm 2024; Thanh Hóa điều chỉnh kế hoạch phát triển nhà ở… là những tin tức bất động sản đáng chú ý tuần qua.
Thái Nguyên đấu giá 22 lô đất khu dân cư, giá khởi điểm 1,25 tỷ đồng; Hơn 100 dự án bất động sản tại Long Biên đưa vào sử dụng trong năm 2024; Thanh Hóa điều chỉnh kế hoạch phát triển nhà ở… là những tin tức bất động sản đáng chú ý tuần qua.
Mới đây, tại một diễn đàn về bất động sản, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc phát triển NƠXH của chúng ta đang tồn tại vấn đề là chưa thiết kế trên tư duy cho thuê. Ông Ánh lấy ví dụ ở Đức chỉ hỗ trợ thuê nhà, không hỗ trợ người mua nhà.
“Tôi cho rằng cần quy định đối với NƠXH là 100% cho thuê, trong khi chúng ta chỉ cho phép 20% cho thuê”, ông Ánh nhấn mạnh.
Vấn đề thứ hai, theo ông Ánh là chưa có thống kê đối tượng NƠXH, cụ thể bán nhà cho ai? Thu nhập thực tế của họ bao nhiêu, phân phối thu nhập và khả năng chi trả của họ như thế nào?
Ông Ánh cho rằng, nếu không nghiên cứu kỹ, chúng ta dễ gặp hệ lụy, bán không đến được đúng đối tượng, đối tượng không có khả năng mua, nếu để họ mua thì cuộc sống sẽ khó khăn hơn vì phần lớn thu nhập để trả các khoản vay.
Rủi ro nữa là bán nhà sai đối tượng. “Tôi không ngạc nhiên với việc người đi ô tô mua nhà, họ mới có tiền mua NƠXH. Còn việc làm dự án nhà ở thương mại, tất cả dựa trên quy hoạch. Tôi cho rằng đất gì không quan trọng bằng việc vị trí đó được quy hoạch làm nhà ở”, ông Ánh cho hay.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cũng đồng ý với quan điểm là nên cho thuê nhà ở xã hội. Nên phát triển nhà ở theo hướng cho thuê, đặc biệt là nhà ở xã hội.
“Tôi nghĩ nên theo hướng xây lên cho thuê thay vì mua bán do sẽ khó đảm bảo nhu cầu bởi sự chênh lệch thu nhập đang khá lớn”, ông Hà cho hay.
Ông cho rằng, việc phát triển nhà ở xã hội nên theo hướng nhiều nhà cho thuê, tăng tỷ trọng lên 30 – 40% sẽ giải quyết được vấn đề nhà ở. Nhà nước nên khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư nhà ở cho thuê.
“Trong dân còn nhiều tiền, nhưng lại chỉ đang biết gửi ngân hàng trong khi nhà ở cho thuê cũng là kênh tiềm năng và giải quyết được bài toán nhà ở.
Ở các nước, tăng tỷ trọng nhà ở cho thuê bằng cách thông qua các Quỹ tín thác bất động sản -REIT. Khi đầu tư vào kênh này, tài sản của người dân vẫn còn, lợi nhuận có thể thấp hơn một chút nhưng an toàn, bền vững”, ông Hà nói.
Còn theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, bên cạnh thuê thì cũng nên cho phép mua bán để ai có đủ năng lực mua thì mua, ai không đủ thì thuê.
Sáng 4/4, Công ty Đấu giá hợp danh Việt Bắc và Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đại Từ sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tại Khu dân cư nông thôn số 1 xã Tiên Hội, huyện Đại Từ (thuộc quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn Nam Sông Công, xã Tiên Hội, huyện Đại Từ). Tài sản do UBND huyện Đại Từ ủy quyền.
Tài sản đấu giá là quyền sử dụng 22 lô đất tại Khu dân cư nông thôn số 1, xã Tiên Hội, huyện Đại Từ (thuộc quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn Nam Sông Công, xã Tiên Hội, huyện Đại Từ). Theo thông báo, các lô đất đấu giá có tổng diện tích 4.105,9m2. Mỗi lô đất đấu giá có diện tích từ 100-281,9m2. Giá khởi điểm mỗi lô đất từ 1,25 tỷ đồng đến hơn 2,387 tỷ đồng/lô. Tổng giá khởi điểm 22 lô đất đấu giá là hơn 34,44 tỷ đồng.
Mục đích sử dụng của 22 lô đất đấu giá là đất ở tại nông thôn (ONT), hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất, thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất lâu dài theo đúng mục đích.
Đối tượng tham gia đấu giá là hộ gia đình, cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật và các yêu cầu khác của pháp luật liên quan. Một hộ gia đình chỉ được cử 1 thành viên tham gia đấu giá. Không được mua hộ hồ sơ tham gia đấu giá.
Hồ sơ tham gia đấu giá được bán và tiếp nhận đăng ký đấu giá đến hết ngày 01/4/2024 tại Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đại Từ.
Cuộc đấu giá được tổ chức theo hình thức bỏ phiếu gián tiếp và theo phương thức trả giá lên, đấu giá lẻ từng lô đất. Người trúng đấu giá có trách nhiệm sử dụng đất đúng mục đích theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
UBND TP Hà Nội đã phê duyệt về kế hoạch sử dụng đất năm 2024 quận Long Biên. Theo đó, có 171 dự án có nhu cầu sử dụng đất với tổng diện tích hơn 775ha; trong đó đa phần là các dự án bất động sản.
Nhiều dự án bất động sản của các chủ đầu tư như Him Lam, Khai Sơn, BIC... được công bố chi tiết như sau:
Công ty Cổ phần Him Lam có hai dự án đăng ký mới trong năm 2024: Dự án Xây dựng nhà ở cao tầng để bán tại ô đất A4 khu nhà ở Him Lam Thạch Bàn, phường Thạch Bàn với diện tích 0,33 ha; khu nhà ở cao tầng CT1 thuộc lô đất A6 và hạ tầng kỹ thuật tại dự án khu nhà ở Him Lam Thạch Bàn với diện tích 1,5ha.
Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Nhà Thăng Long - Việt Nam cũng có hai dự án mới được chấp thuận đầu tư, bao gồm: Dự án xây dựng nhà ở cao tầng để bán tại ô đất CT8 thuộc dự án xây dựng HTKT các ô đất thuộc ô quy hoạch C14 phường Phúc Đồng, quận Long Biên với diện tích 1,3ha; xây dựng nhà ở cao tầng để bán tại ô đất ký hiệu CT2 dọc đường 21m từ QL1B đến khu đô thị Việt Hưng, phường Phúc Lợi với diện tích 1,4ha.
Cùng với các dự án bất động sản mới, một số dự án bất động sản chuyển tiếp từ năm 2023 cũng được đưa vào kế hoạch sử dụng đất 2024 gồm: Dự án đầu tư xây dựng khách sạn, văn phòng (không có nhà ở) tại ô đất G4/CCKO, phường Thạch Bàn của Công ty TNHH Việt Anh; khu nhà ở xã hội cao tầng Bảo Ngọc thuộc ô NO2, khu G3, phường Thạch Bàn (CTCP Đầu tư Bảo Ngọc TTC).
Khu nhà ở xã hội Thượng Thanh và đấu nối HTKT khu vực phường Thượng Thanh (Liên danh Công ty Cổ phần Him Lam Thủ Đô - Công ty Cổ phần BIC Việt Nam); dự án khu chức năng đô thị hai bên tuyến đường từ đê Ngọc Thụy đi khu đô thị mới Thượng Thanh (Công ty Cổ phần Khai Sơn); khu nhà ở Gia Quất, phường Thượng Thanh (BIC Việt Nam).
Bên cạnh đó, một dự án mới có quy mô lớn được đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm 2024 là khu đô thị mới Long Biên với diện tích 141,5ha tại các phường Long Biên, Thạch Bàn, Cự Khối.
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có Quyết định số 1004/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Thanh Hóa giai đoạn năm 2021 - 2025.
Theo đó, điều chỉnh Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Thanh Hóa giai đoạn năm 2021 - 2025 đã được phê duyệt tại Quyết định số 3795/QĐUBND ngày 29/9/2021. Đưa ra khỏi Kế hoạch các dự án chưa đủ cơ sở và tính khả thi trong giai đoạn và điều chỉnh, bổ sung vào danh mục thực hiện các dự án có tính khả thi, đảm bảo các chỉ tiêu về nhà ở của các địa phương không vượt chỉ tiêu theo Chương trình và Kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt.
Dự án nhà ở thương mại đưa ra khỏi Kế hoạch thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 là 70 dự án với quy mô diện tích đất là 1.896,47ha, điều chỉnh 121 dự án với tổng quy mô diện tích đất giảm là 130,54ha; bổ sung 128 dự án với quy mô diện tích đất là 1.370ha.
Dự án nhà ở tái định cư đưa ra khỏi Kế hoạch thực hiện giai đoạn 2021-2025 hai dự án với quy mô diện tích 5,0ha gồm khu xen cư, tái định cư Đồng Vẹt, phường Quảng Vinh; hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư tái định cư Đỉnh Tân, xã Thiệu Phú (thị trấn Thiệu Hóa) và bổ sung 2 dự án với quy mô diện tích là 5ha gồm khu tái định cư Quảng Vinh 1; Hạ tầng kỹ thuật khu dân cư, tái định cư xã Thiệu Trung.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao UBND tỉnh Hải Dương triển khai các bước cần thiết để đầu tư Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng hồ Thanh Long theo đúng quy định, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng.
Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương đến năm 2040 đã định hướng phát triển khu vực hồ Thanh Long trở thành Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng.
UBND tỉnh Hải Dương chủ động phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang tiếp thu đầy đủ ý kiến của các Bộ: Xây dựng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường để triển khai các bước cần thiết theo đúng quy trình, thủ tục để đầu tư, phát triển khu vực hồ Thanh Long theo đúng quy định và không được để xảy ra tiêu cực, tham nhũng.
Liên quan đến dự án này, vào tháng 5/2022, tại Hội nghị công bố danh mục thu hút đầu tư trên địa bàn TP. Chí Linh (Hải Dương) đến năm 2040, doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đã ký biên bản ghi nhớ với UBND TP. Chí Linh về việc nghiên cứu đầu tư dự án.
Theo phương án, ý tưởng quy hoạch Khu du lịch sinh thái hồ Thanh Long, doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường sẽ xây dựng nơi đây thành một khu du lịch tổng hợp có tầm cỡ quốc gia, quốc tế với các loại hình du lịch đặc trưng là lịch sử, văn hoá, tâm linh, sinh thái. Tôn tạo các di tích lịch sử, khôi phục tổ chức lễ hội truyền thống để thu hút khách thập phương.
Toàn bộ khu vực nghiên cứu quy hoạch Dự án hồ Thanh Long có tổng diện tích với khoảng 1.502ha. Phạm vi di tích thuộc các xã Hưng Đạo, Lê Lợi và phường Cộng Hoà.
Dự án bao gồm các hạng mục xây dựng, tôn tạo tháp thờ phật, tháp chuông … với tâm điểm là 3 ngọn tháp ở hồ Tam Tôn, nối với nhau bằng hệ thống đường ngầm dưới lòng hồ.
Trên các đảo nổi trong lòng hồ, tôn tạo xây dựng chùa Thanh Long thành ngôi chùa lớn để thu hút khách du lịch. Khi công trình được đưa vào sử dụng sẽ cải tạo mỹ quan khu vực, đặc biệt là điểm kết nối, làm nổi bật khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc.
Doanh nghiệp cũng cam kết đầu tư gần 10.000 tỷ đồng với thời gian 10 năm vào khu du lịch này.
Huy Tùng (T/h)