Hòa Bình chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án Thung Lũng Nữ Hoàng; Lạng Sơn quy hoạch khu phức hợp, sinh thái, nghỉ dưỡng nằm ở đâu; Hà Nội khởi công dự án cụm công nghiệp hơn 800 tỷ đồng… là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
Hòa Bình chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án Thung Lũng Nữ Hoàng; Lạng Sơn quy hoạch khu phức hợp, sinh thái, nghỉ dưỡng nằm ở đâu; Hà Nội khởi công dự án cụm công nghiệp hơn 800 tỷ đồng… là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
Bà Rịa - Vũng Tàu muốn điều chỉnh quy hoạch Côn Đảo
Ngày 29/2, Kỳ họp lần thứ 18, Khóa VII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thông qua Nghị quyết phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo đến năm 2045.
Điều chỉnh này nhằm đáp ứng các yêu cầu mới trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của vùng TPHCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo đó, phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính huyện Côn Đảo, với 16 hòn đảo lớn, nhỏ và tổng diện tích đất nổi và biển khoảng 7.720 ha. Đồ án điều chỉnh quy hoạch nhấn mạnh vào việc tạo điều kiện khả thi để thực hiện các giải pháp đồng bộ giải quyết các vấn đề liên quan đến phát triển dân cư, du lịch, bảo tồn di tích lịch sử và sinh thái.
Côn Đảo sẽ được phát triển thành khu du lịch văn hóa lịch sử, sinh thái biển đảo quốc gia, mang tính cạnh tranh cao và đồng thời bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa, và nguồn tài nguyên sinh thái. Quy hoạch đặt ra mô hình phát triển đảo sinh thái đặc thù với cấu trúc phân tán đa trung tâm, liên kết mỗi khu vực với hệ sinh thái tự nhiên và biển.
Khu trung tâm Côn Sơn sẽ là trung tâm đô thị du lịch với chức năng hành chính, văn hóa, giáo dục, y tế, và dịch vụ, đồng thời bảo tồn di tích lịch sử như nhà tù Côn Đảo. Các khu đô thị du lịch mới sẽ được phát triển ưu tiên tách khỏi khu vực trung tâm, hướng về khu vực phía Bắc hồ Quang Trung - An Hải và các bãi biển, triền núi.
Sau khi thông qua, HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giao UBND tỉnh hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và cam kết theo dõi, bám sát, và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của quy hoạch.
Hòa Bình chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án Thung Lũng Nữ Hoàng
Mới đây, UBND tỉnh Hoà Bình đã ban hành quyết định cho phép CTCP Du lịch Thung Lũng Nữ Hoàng chuyển mục đích sử dụng đất (đợt 2) để thực hiện dự án Khu nghỉ ngơi, vui chơi giải trí Thung Lũng Nữ Hoàng tại xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn.
Theo đó, tỉnh cho phép doanh nghiệp chuyển hơn 27,8ha đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp sang thành: 12,5ha đất ở đô thị; 11,7ha đất vui chơi giải trí công cộng, vườn hoa, công viên; 3,1ha đất giao thông và 0,6ha đất sông ngòi, kênh rạch để thực hiện dự án Khu nghỉ ngơi, vui chơi giải trí Thung Lũng Nữ Hoàng.
Trong đó, 12,5ha đất ở đô thị nói trên có thời hạn sử dụng 50 năm, người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất được sử dụng ổn định lâu dài.
Đối với phần diện tích còn lại, sau khi hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự án, chủ đầu tư sẽ bàn giao lại cho cơ quan có thẩm quyền quản lý.
Trước đó, vào cuối tháng 12.2022, Hoà Bình đã cho phép doanh nghiệp chuyển đổi (đợt 1) gần 32ha đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư.
Trong văn bản tỉnh công bố vào tháng 12.2023, số tiền sử dụng đất mà Thung Lũng Nữ Hoàng phải nộp ngân sách nhà nước đối với đợt 1 là hơn 840 tỷ đồng.
Như vậy, tính đến nay, dự án Thung Lũng Nữ Hoàng đã được chuyển đổi tổng cộng gần 60ha đất.
Tiến độ hoàn thành dự án cũng được điều chỉnh dự kiến đến tháng 12.2024.
Theo tìm hiểu, dự án Khu nghỉ ngơi, vui chơi giải trí Thung Lũng Nữ Hoàng có tổng diện tích sử dụng đất 136ha, được chủ đầu tư quy hoạch phát triển thành các khu: Làng văn hóa hơn 39ha, khách sạn cao 17 tầng, biệt thự ở cao tầng gồm 477 ô đất, khu dịch vụ - nhà trẻ…
Trước đó, vào tháng 9.2020, dự án này đã được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500; tháng 10.2021 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư.
Ban đầu khu đất thực hiện dự án có diện tích 237,6ha, có nguồn gốc từ Nông trường Cửu Long, Lâm trường Lương Sơn. Năm 2004, khu đất được UBND tỉnh Hoà Bình thu hồi để giao cho CTCP Đầu tư và du lịch Bạch Đằng thực hiện Dự án Khu du lịch Làng văn hoá các dân tộc Hoà Bình. Tuy nhiên dự án sau đó đã được điều chỉnh tên và giao cho CTCP Du lịch Thung Lũng Nữ Hoàng. Theo phản ánh, sau nhiều năm triển khai, dự án chỉ triển khai được một vài hạng mục rồi bỏ không.
Lạng Sơn quy hoạch khu phức hợp, sinh thái, nghỉ dưỡng nằm ở đâu?
Theo đó, vị trí của khu vực này thuộc phường Đông Kinh, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn, cùng với các xã Hợp Thành, Gia Cát, Yên Trạch thuộc huyện Cao Lộc. Diện tích quy hoạch là 824,6ha, với dự kiến dân số khoảng 60.000 người.
Ranh giới quy hoạch bao gồm: phía Bắc giáp Quốc lộ 4B qua xã Hợp Thành và xã Gia Cát (huyện Cao Lộc); phía Nam giáp khu vực đồi núi thông Bình Cằm, xã Mai Pha (TP Lạng Sơn) và thôn Yên Hạ, xã Yên Trạch (huyện Cao Lộc); phía Tây giáp sông Kỳ Cùng; phía Đông giáp Quốc lộ 4B qua xã Gia Cát, huyện Cao Lộc.
Khu vực này được quy hoạch với tính chất là khu phức hợp, nằm ở cửa ngõ phía Đông Nam của thành phố Lạng Sơn. Nó sẽ phát triển thành một khu đô thị sinh thái và nghỉ dưỡng, cung cấp các tiện ích thể dục thể thao, giải trí, và dịch vụ du lịch cao cấp. Đồng thời, khu vực này cũng đóng góp vào việc bảo vệ và phát huy giá trị sinh thái của thành phố.
Quy hoạch chi tiết gồm 7 phân khu chức năng:
Phân khu A: Đô thị cửa ngõ giáp Quốc lộ 1A, với diện tích 64,4ha và dân số 12.251 người. Phát triển trung tâm thương mại, biệt thự ven sông Kỳ Cùng, nhà liền kề và liền kề kết hợp thương mại dịch vụ thấp tầng; xây dựng khu tái định cư.
Phân khu B: Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, diện tích 219,7ha và dân số 2.157 người. Phát triển khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp với biệt thự đơn lập và song lập ven đồi; kết hợp công trình hỗn hợp TMDV cao tầng tại trục Đông Tây giao thông chính.
Phân khu C: Khu trung tâm thể dục thể thao và dịch vụ hỗn hợp, diện tích 88,6ha và dân số 7.604 người.
Phân khu D: Khu trung tâm giáo dục đào tạo tỉnh, khu đô thị dịch vụ cửa ngõ phía Đông, diện tích 196,3ha và dân số 16.540 người.
Phân khu E: Khu nhà ở thấp tầng gắn với mặt nước, diện tích 87,8ha và dân số 5.043 người.
Phân khu F: Khu vực nhà ở sinh thái, biệt thự cao cấp, diện tích 148,5ha và dân số 15.905 người.
Phân khu G: Khu vực phát triển nhà ở sinh thái ven sông Kỳ Cùng, diện tích 19,5ha và dân số 500 người.
Sở Xây dựng đã hợp tác với UBND thành phố Lạng Sơn và UBND huyện Cao Lộc để triển khai bàn giao hồ sơ quy hoạch, và công bố rộng rãi thông tin quy hoạch phân khu. Mục tiêu là giúp nhân dân nắm bắt thông tin, kiểm tra và giám sát thực hiện quy hoạch một cách chặt chẽ.
Hà Nội: Khởi công dự án cụm công nghiệp hơn 800 tỷ đồng
Ngày 1/3, UBND huyện Chương Mỹ phối hợp Tập đoàn Phú Mỹ khởi công dự án Cụm công nghiệp Đông Phú Yên. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh và đoàn công tác đã đến dự.
Theo UBND TP Hà Nội, cụm công nghiệp được xây dựng để phục vụ di dời, mở rộng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hợp tác xã, cơ sở sản xuất hộ gia đình, cá nhân ở 3 xã trên và khu vực lân cận, nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.
Dự án Cụm công nghiệp Đông Phú Yên được triển khai trong thời kỳ đại dịch COVID-19 bùng phát. Do đó, đơn vị cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai dự án. Tuy nhiên, các cấp chính quyền thành phố đã cùng chung tay tháo gỡ nên dự án vẫn đảm bảo tiến độ.
Đến nay, dự án đã giải phóng mặt bằng được 40,25 ha/41,2 ha (đạt 96,75%), được UBND thành phố giao 39,76 ha/41,2 ha đất (đạt 96,93%) và đã được cấp Giấy phép xây dựng.
Doanh nghiệp dự án cam kết sẽ hoàn thành dự án đúng tiến độ (dự kiến tháng 10/2024). Đồng thời, các hạng mục công trình sẽ được xây dựng đúng quy hoạch, đúng thiết kế được duyệt. Trong đó, đặc biệt là các hạng mục liên quan đến thu gom và xử lý nước thải và chất thải, phòng chống cháy nổ và cảnh quan môi trường.
Phát biểu tại lễ khởi công, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết Cụm công nghiệp Đông Phú Yên đi vào hoạt động sẽ góp phần giải quyết nhu cầu mặt bằng cho các cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện. Đồng thời, đưa các cơ sở sản xuất trong các làng nghề, khu dân cư vào khu vực sản xuất tập trung. Từ đó, góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, thúc đẩy tiềm năng phát triển bền vững công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề của địa phương.
Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền cũng đề nghị, các sở, ban ngành và huyện Chương Mỹ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chủ đầu tư. Trong đó, cần chú trọng tháo gỡ khó khăn vướng mắc, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp văn minh, hiện đại, bảo đảm xanh, sạch, đẹp.
Phê duyệt hơn 1.300 tỷ đồng bồi thường mặt bằng Dự án KCN VSIP Cần Thơ
Vừa qua, đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Cần Thơ cho biết đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho toàn bộ 602 trường hợp bị ảnh hưởng dự án Khu công nghiệp (KCN) VSIP Cần Thơ; đã thu hồi và bàn giao mặt bằng hơn 232 ha cho nhà đầu tư.
Theo đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Cần Thơ, công tác giải phóng mặt bằng dự án này cơ bản đã hoàn thành, tổng kinh phí bồi thường khoảng hơn 1.340 tỷ đồng.
Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ có tổng vốn đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng, khởi công tháng 9/2023. Đây là dự án khu công nghiệp Việt Nam - Singapore thứ 13 trên cả nước và là dự án đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long; tọa lạc tại xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ.
VSIP Cần Thơ được quy hoạch với tổng diện tích 900 ha, dự kiến khi hoàn chỉnh sẽ tạo việc làm cho 100.000 lao động, thu hút 3,5 tỷ USD vốn đầu tư. Giai đoạn 1 có diện tích hơn 293 ha, trước mắt sẽ tạo việc làm cho 20.000 - 30.000 lao động.
Dự án được định hướng xây dựng theo mô hình khu công nghiệp thông minh và bền vững; trở thành trung tâm chế biến và phân phối thực phẩm lớn ở khu vực phía Nam; thiết lập mạng lưới logistics “từ trung tâm đến cảng” và hạ tầng phụ trợ nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các nhu cầu về chuỗi cung ứng của nhà đầu tư.
Lãnh đạo TP Cần Thơ kỳ vọng, dự án sẽ hình thành môi trường thuận lợi phục vụ các nhà đầu tư tại Cần Thơ nói riêng và khu vực vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Huy Tùng (T/h)