TP HCM mới cấp thêm 1.672 sổ hồng; Đã tháo gỡ vướng mắc cho dự án của Novaland, Hưng Thịnh; Quảng Ngãi đầu tư gần 6.600 tỉ đồng cho các dự án trọng điểm…là những tin tức bất động sản đáng chú ý
TP HCM mới cấp thêm 1.672 sổ hồng; Đã tháo gỡ vướng mắc cho dự án của Novaland, Hưng Thịnh; Quảng Ngãi đầu tư gần 6.600 tỉ đồng cho các dự án trọng điểm…là những tin tức bất động sản đáng chú ý
Tỉnh Đồng Nai thực hiện thanh tra toàn diện dự án Khu dân cư mật độ thấp và du lịch sinh thái thác Giang Điền. Đoàn thanh tra sẽ thực hiện thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về công tác quản lý, sử dụng đất đai và bảo vệ môi trường; thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về công tác quản lý xây dựng, kinh doanh bất động sản.
UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành Quyết định thanh tra toàn diện dự án Khu dân cư mật độ thấp và du lịch sinh thái thác Giang Điền tại huyện Trảng Bom do Công ty cổ phần du lịch Giang Điền làm chủ đầu tư.
Theo đó, quyết định thành lập đoàn thanh tra do Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng ký ngày 30/6. Ngoài đối tượng bị thanh tra là Công ty cổ phần du lịch Giang Điền còn có các đơn vị, gồm: Ủy ban nhân dân huyện Trảng Bom, Ủy ban nhân dân các xã Giang Điền, Quảng Tiến, Đồi 61, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.
Thời kỳ thanh tra được thực hiện từ tháng 9/2011 đến nay. Đoàn thanh tra do ông Phạm Ngọc Hà, Phó chánh Thanh tra tỉnh Đồng Nai làm Trưởng đoàn. Thời hạn thanh tra trong vòng 45 ngày làm việc kể từ ngày công bố quyết định thanh tra.
Đoàn thanh tra sẽ thực hiện thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về công tác quản lý, sử dụng đất đai và bảo vệ môi trường; quản lý đầu tư và thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với ngân sách nhà nước; thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về công tác quản lý xây dựng, kinh doanh bất động sản.
Cùng với quyết định thanh tra toàn diện dự án trên, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cũng ban hành Quyết định cử ông Nguyễn Xuân Hà, Phó chánh Thanh tra tỉnh Đồng Nai giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra.
Dự án Khu dân cư mật độ thấp và du lịch sinh thái thác Giang Điền có quy mô 118 ha, trong đó diện tích sông suối và hồ điều hòa là 22.432,4 m2, đất công trình dân dụng có diện tích là 397.666,5m2 (chiếm 94,7%). Dự án được khởi công từ năm 2013.
Sau thời gian ngắn triển khai kế hoạch cấp sổ hồng cho hơn 81.000 căn hộ/nhà ở, đến nay TP HCM đã cấp thêm 1.672 trường hợp.
Chiều 5-7, Thường trực HĐND TP HCM tổ chức phiên giải trình về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng) cho tổ chức và cá nhân tại các dự án phát triển nhà ở thương mại trên địa bàn TP HCM.
Theo đó, tính thừ ngày 1/7/2014 (thời điểm Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành) đến tháng 4/2023, trên địa bàn thành phố có 335 dự án nhà ở thương mại với 191.101 căn (căn hộ, nhà ở riêng lẻ) đủ điều kiện cấp sổ hồng.
Trong đó, 110.016 căn được cấp sổ hồng và chưa cấp 81.085 căn. Số lượng căn chưa được cấp sổ hồng được chia thành 6 nhóm.
Cụ thể, số dự án chủ đầu tư đã nộp hồ sơ đề nghị cấp sổ hồng cho người mua nhà, đã phát hành thông báo thuế, chờ người dân đóng thuế là 8.372 căn; 39 dự án đang thực hiện cấp sổ hồng, nay phải tạm ngừng cấp do phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính bổ sung theo quy định tại Nghị định 148/2020 với 19.958 căn.
Ngoài ra, có 18 dự án phải ngừng do đang thanh tra, điều tra với 10.277 căn; 8.918 căn hộ chưa cấp sổ hồng do vướng các quy định về loại hình bất động sản mới; 4.653 căn hộ chưa cấp sổ hồng do các vướng mắc; 28.907 căn hộ chưa cấp sổ hồng do chủ đầu tư, người mua nhà chưa nộp hồ sơ.
Trong khi đó, đối với các dự án nhà ở thương mại trước ngày 1/7/2014, đến nay có 105 dự án phát triển nhà ở đã được các chi nhánh tiếp nhận, lập hồ sơ và trình UBND cấp huyện cấp sổ hồng cho người mua nhà với 24.501 căn hộ/nhà ở riêng lẻ. Ngoài ra, số liệu tại 12/22 Chi nhánh văn phòng Đăng ký đất đai còn lại vẫn đang rà soát, tổng hợp.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, đối với các vướng mắc liên quan đến Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND TP HCM chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng kế hoạch thực hiện các giải pháp tháo gỡ 6 nhóm khó khăn, vướng mắc trên đây để đẩy nhanh tiến độ cấp sổ hồng trên địa bàn.
Mới đây, tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, Trong thời gian gần đây, Tổ công tác đã tháo gỡ các vướng mắc đối với các dự án của Tập đoàn Novaland và Tập đoàn Hưng Thịnh. Tổ công tác đã làm việc với các địa phương để giải quyết các vấn đề quan trọng, đồng thời đã yêu cầu các bộ ngành hướng dẫn tháo gỡ khó khăn cho các dự án này. Các vấn đề khó khăn bao gồm việc không thuộc quy hoạch và thiếu bố trí 20% nhà ở xã hội. Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất với các phương án tham mưu của Tổ công tác và sẽ triển khai trong thời gian tới.
Ngoài ra, Tổ công tác cũng đã làm việc và giải quyết các kiến nghị liên quan đến nhà ở xã hội, cải tạo chung cư và quy hoạch tại TP Hồ Chí Minh. Đối với tỉnh Bình Thuận, có liên quan tới Novaland, Tổ công tác đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ và phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để giải quyết các vấn đề về giá đất, tiền sử dụng đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Các địa phương đã tích cực thực hiện chỉ đạo của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản. Tuy nhiên, do thời gian còn hạn chế và các vấn đề vẫn tồn tại, cần thêm thời gian để tập trung giải quyết.
Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng tham mưu Chính phủ cũng như các bộ, ngành địa phương phải tích cực triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, trong đó có Nghị quyết 33, các công điện, các công văn chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, coi đây là những nhiệm vụ cấp bách quan trọng để giải quyết, đóng góp vào sự phát triển kinh tế vĩ mô và theo cách thuộc thẩm quyền của cấp nào, cơ quan nào thì cấp đó, cơ quan đó phải giải quyết một cách dứt điểm, triệt để.
Quảng Ngãi dự kiến phân bổ hơn 6.589 tỉ đồng vốn đầu tư công trong năm 2024, tập trung vào các dự án trọng điểm, có thể kể đến như: Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh; cầu Trà Khúc 3, đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi…
Quá trình rà soát khả năng thu ngân sách nhà nước tại tỉnh Quảng Ngãi cũng như nhu cầu đầu tư phát triển và khả năng giải ngân của các dự án trong năm 2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh ước tính sẽ phân bổ, đầu tư các dự án với số tiền hơn 6.589 tỉ đồng từ nguồn ngân sách vốn đầu tư công năm 2024 của địa phương này.
Cụ thể, địa phương dự kiến chi cân đối ngân sách địa phương cho đầu tư công năm 2024 hơn 4.816 tỉ đồng và vốn ngân sách trung ương khoảng 1.773 tỉ đồng.
Việc phân bổ vốn công sẽ tập trung vào các dự án trọng điểm của tỉnh như: dự án Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh; cầu Trà Khúc 3, đường Thạch Bích - Tịnh Phong,...
Theo tìm hiểu, dự án xây dựng Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh có tổng chiều dài 109 km, yêu cầu vốn 5.600 tỉ đồng. Giai đoạn I của dự án hoàn thành năm 2017, thi công từ Dung Quất đi Trà Khúc với chiều dài gần 30 km, tổng mức đầu tư gần 1.500 tỉ đồng. Điểm đầu nối với cảng Dung Quất 2 và điểm cuối nối cầu Trà Khúc 2.
Đến năm 2019, quy hoạch hướng tuyến của đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh được điều chỉnh với tổng chiều dài tuyến 109 km từ cảng Dung Quất đến giáp Bình Định, đi qua cầu Cổ Lũy (cuối sông Trà Khúc) thay vì cầu Trà Khúc 2.
Năm 2020, dự án được phê duyệt giai đoạn 2A với tổng mức đầu tư 2.000 tỉ đồng
Địa phương đặc biệt quan tâm tới các dự án có kế hoạch khởi công cuối năm 2023 như đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi (3.500 tỉ đồng); dự án kè kết hợp công viên cây xanh TP.Quảng Ngãi; dự án kè Tịnh Long kết hợp khai thác quỹ đất…
Được biết, năm 2023, tỉnh Quảng Ngãi lên kế hoạch bố trí 7.443 tỉ đồng cho công tác đầu tư công. Trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương hơn 4.414 tỉ đồng và vốn ngân sách trung ương 3.028,7 tỉ đồng. Tỉnh phấn đấu giải ngân toàn bộ số vốn trên trong năm 2023.
Huy Tùng (T/h)