HoREA tiếp tục thúc nới room tín dụng; Hà Nội sẽ không mở rộng phân khu đô thị sông Hồng tại huyện Thường Tín; Hải Phòng sắp đấu giá dự án Vịnh trung tâm Cát Bà… là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
HoREA tiếp tục thúc nới room tín dụng; Hà Nội sẽ không mở rộng phân khu đô thị sông Hồng tại huyện Thường Tín; Hải Phòng sắp đấu giá dự án Vịnh trung tâm Cát Bà… là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, ngày 30/9/2022, UBND tỉnh đã có Tờ trình số 9348/TTr-UBND gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu đô thị ven vịnh Cam Ranh, thành phố Cam Ranh...
Ngày 24/11, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Công văn số 8493/BKHĐT-GSTĐĐT gửi UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị giải trình, bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu đô thị ven vịnh Cam Ranh.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND Khánh Hòa bổ sung các tài liệu theo quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 31 Nghị định 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ.
Cũng theo UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, ngày 18/4/2022, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát tháo gỡ khó khăn vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư đã có văn bản số 2541/CV-TCT về việc hướng dẫn một số nội dung về triển khai, thực hiện dự án đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Từ những căn cứ có liên quan, để có cơ sở bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu đô thị ven vịnh Cam Ranh theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị HĐND tỉnh xem xét, thông qua danh mục các dự án cần thu hồi đất đối với dự án khu đô thị ven vịnh Cam Ranh.
Theo đề xuất của UBND tỉnh Khánh Hòa, dự án khu đô thị ven vịnh Cam Ranh có tổng vốn đầu tư khoảng 42.268 tỷ đồng, với diện tích đất sử dụng là 12.541.416 m2 tại thành phố Cam Ranh.
Mục tiêu đầu tư của dự án nhằm xây dựng mới khu đô thị hoàn chỉnh, đồng bộ bao gồm hệ thống hạ tầng kỹ thuật; khu nhà ở; các công trình công cộng, dịch vụ phục vụ cho đơn vị ở và đô thị; hệ thống công viên, cây xanh đô thị; các công trình dịch vụ nghỉ dưỡng, sân golf, công viên chuyên đề.
Dự án sẽ góp phần đưa quỹ đất khu vực vào khai thác có hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực vịnh Cam Ranh, thành phố Cam Ranh.
Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) tiếp tục gửi kiến nghị lần 2 đến Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét nới room tín dụng thêm 1%.
Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP HCM đã có văn bản kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nới trần (room) tín dụng 1-2% để có thêm nguồn vốn cho nền kinh tế.
Như vậy, nguồn vốn tín dụng sẽ tăng lên khoảng 100.000 tỷ đồng để hỗ trợ hoạt động kinh doanh của ngành bất động sản trong thời điểm từ nay đến Tết Quý Mão 2023.
HoREA nhận thấy, thị trường bất động sản, các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư bất động sản đang rất khó khăn, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Trong đó, nhiều doanh nghiệp thiếu thanh khoản hoặc mất thanh khoản do thiếu dòng tiền hoặc âm dòng tiền.
Thị trường bất động sản có thể trượt vào suy thoái, khủng hoảng có thể kéo theo suy thoái, khủng hoảng kinh tế, tác động bất lợi đến mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội.
"Ngân hàng Nhà nước hiện vẫn đang giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%. Nếu Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng thêm 1% nữa nâng tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 lên 15% thì sẽ có thêm khoảng trên dưới 100.000 tỷ đồng được bổ sung vào nền kinh tế, giải "cơn khát vốn" của nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản", HoREA phân tích.
Cũng theo kiến nghị của HoREA, các tiêu chí để doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà và nhà đầu tư có thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng là các dự án có đầy đủ pháp lý, nhất là các dự án sắp hoàn thành xây dựng.
Về phía các doanh nghiệp, HoREA đề xuất doanh nghiệp bất động sản phải thấy rõ trách nhiệm của mình để nỗ lực, chủ động tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu sản phẩm. Doanh nghiệp phải tạo ra những sản phẩm thực chất, cần thiết với nhu cầu người mua để thị trường bất động sản phục hồi, phát triển lành mạnh và bền vững.
UBND Thành phố đã trả lời kiến nghị của cử tri huyện Thường Tín về việc mở rộng phân khu đô thị sông Hồng đến hết địa phận xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín để khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng.
Trong đó xã Ninh Sở có quần thể di tích (Đền Lộ, Đền Dầm, Đền Sở với tín ngưỡng thờ Mẫu), các xã Hồng Vân, Tự Nhiên cùng với xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên là vùng lõi của truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch văn hóa của Thành phố.
Theo UBND Thành phố Hà Nội, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (R1-5) tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) đã được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 1045/QĐ-UBND ngày 25/3/2022, trong đó phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch bao gồm một phần diện tích đất tự nhiên thuộc xã Ninh Sở, huyện Thường Tín.
Việc đề nghị quy hoạch mở rộng phân khu đô thị sông Hồng đến hết địa phận xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín là không có cơ sở xem xét.
Cũng theo UBND Thành phố, hiện nay, UBND huyện Thường Tín đang triển khai đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Thường Tín đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, quá trình tổ chức triển khai sẽ nghiên cứu, xác định vùng động lực phát triển kinh tế - xã hội, đề xuất quy hoạch tổ chức hệ thống đô thị, nông thôn, khu chức năng và hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.
Quá trình tổ chức lập quy hoạch sẽ được rà soát, đánh giá nhằm khai thác, phát huy, thế mạnh của huyện Thường Tín. Trong đó có đánh giá các tiềm năng, lợi thế đối với các quần thể di tích trên địa bàn huyện Thường Tín và khu vực lân cận, nhằm khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng huyện Thường Tín, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch văn hóa của huyện nói riêng và Thành phố nói chung.
Để thực hiện Dự án Khu du lịch, dịch vụ thương mại Vịnh trung tâm Cát Bà, thành phố Hải Phòng chuẩn bị tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản công gắn với đất với giá khởi điểm hơn 2.125 tỷ đồng.
Được biết, Trung tâm phát triển quỹ đất (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng) đã chọn Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản (thuộc Sở Tư pháp Hải Phòng) là đơn vị tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất thuê và đấu giá tài sản công gắn liền với đất để thực hiện Dự án khu du lịch, dịch vụ thương mại Vịnh trung tâm Cát Bà, tại thị trấn Cát Bà (huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng).
Giá khởi điểm toàn bộ đất và tài sản công gắn liền với đất để thực hiện dự án là hơn 2.125,6 tỷ đồng. Trong đó, giá khởi điểm quyền sử dụng đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm là 9,37 tỷ đồng. Giá khởi điểm quyền sử dụng đất thuê trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê là hơn 2.092,4 tỷ đồng. Tài sản gắn liền với đất có giá khởi điểm hơn 23,8 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, dự án khu du lịch, dịch vụ thương mại Vịnh trung tâm Cát Bà có tổng diện tích nghiên cứu 499.945m² (gần 50ha) nằm tại trung tâm thị trấn Cát Bà (huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng).
Theo phương án nghiên cứu về dự án, đất thương mại dịch vụ và hỗn hợp có tổng diện tích 17,3ha (chiếm 34,5%) bao gồm đất xây dựng: Shophouse, căn hộ nghỉ dưỡng, nhà hàng ven biển, công trình thương mại dịch vụ; ki-ốt bán hàng; khách sạn cao tầng. Khoảng 15,2ha (chiếm 30,5%) diện tích dự án được sử dụng trồng cây xanh, mặt nước, bãi cát và mặt nước biển. Ngoài ra, 17,5ha (34,9%) còn lại sẽ làm đường giao thông đô thị, bãi đỗ xe công cộng, quảng trường.
Dự án sau khi hoàn thành được kỳ vọng đáp ứng quy mô khách dịch vụ lưu trú khoảng 6.500 người. Quy mô khách dịch vụ trong ngày tối đa khoảng 10.000 lượt khách/ngày gồm khách dịch vụ du lịch, bãi biển và dịch vụ công cộng khác.
Hồ sơ tham gia đấu giá được bán từ ngày 2/12, dự kiến buổi đấu giá được tổ chức vào cuối tháng 12/2022. Tổ chức đủ điều kiện tham gia đấu giá theo quy định nộp hồ sơ đăng ký tại Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản thành phố Hải Phòng và phải đặt cọc hơn 425 tỷ đồng.
Huy Tùng (T/h)