TP.HCM kiến nghị 17 nội dung về đất đai, môi trường; Ninh Bình sắp có Khu đô thị du lịch sinh thái nghỉ dưỡng 1.100ha; Tạm dừng đăng ký biến động hơn 2.300 thửa đất tại Cam Lâm, Khánh Hòa…là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
TP.HCM kiến nghị 17 nội dung về đất đai, môi trường; Ninh Bình sắp có Khu đô thị du lịch sinh thái nghỉ dưỡng 1.100ha; Tạm dừng đăng ký biến động hơn 2.300 thửa đất tại Cam Lâm, Khánh Hòa…là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
Dừng điều chỉnh dự án khu đô thị sinh thái, vui chơi giải trí Tuần Châu Hà Nội
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản gửi Công ty CP Tuần Châu Hà Nội về việc dừng thẩm định hồ sơ điều chỉnh dự án khu du lịch, vui chơi giải trí, đô thị sinh thái Tuần Châu Hà Nội.
Trước đó, tháng 6/2021, chủ đầu tư dự án là Công ty CP Tuần Châu Hà Nội (thuộc sở hữu của ông Đào Hồng Tuyển) đã có văn bản đề xuất điều chỉnh dự án khu du lịch, vui chơi giải trí, đô thị sinh thái Tuần Châu Hà Nội theo hướng tăng diện tích đất xây nhà ở thương mại, tăng tổng vốn đầu tư dự án từ 3.178 tỉ đồng lên 7.060 tỉ đồng.
Theo giấy phép dự án được cấp năm 2007, khu du lịch, vui chơi giải trí, đô thị sinh thái Tuần Châu Hà Nội xây dựng trên khu đất 199,27ha, tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội.
Dự án cách trung tâm thành phố khoảng 30km về phía tây, được thiết kế với bãi biển nhân tạo để mang tới trải nghiệm tắm biển cho người Hà Nội ngay giữa lòng thủ đô. Khi mới phê duyệt đầu tư, nhiều người kỳ vọng dự án sẽ trở thành một Hạ Long trên cạn của TP Hà Nội.
Nhưng đến năm 2021, sau hơn 10 năm xây dựng, ý tưởng biến vùng đất Sài Sơn trở thành Hạ Long trên cạn chưa thành hiện thực, buộc chủ đầu tư phải xin điều chỉnh quy hoạch, đổi tên, mục tiêu đầu tư dự án theo hướng phát triển nhà ở thương mại.
Để điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lấy ý kiến các bộ Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Tư pháp, Văn hóa - Thể thao và Du lịch và TP Hà Nội trước khi trình Thủ tướng xem xét, quyết định.
Cuối tháng 10/2022, Công ty CP Tuần Châu Hà Nội lại bất ngờ có văn bản xin rút hồ sơ đề nghị điều chỉnh dự án khu du lịch, vui chơi giải trí, đô thị sinh thái Tuần Châu Hà Nội.
Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chấp thuận dừng điều chỉnh dự án theo đề nghị của Công ty CP Tuần Châu Hà Nội.
Việc dừng điều chỉnh dự án được thực hiện theo khoản 2 điều 5 Luật đầu tư năm 2020 - "Nhà đầu tư được tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về hoạt động đầu tư kinh doanh theo quy định của luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan".
TP HCM kiến nghị 17 nội dung về đất đai, môi trường
Mới đây, UBND TP HCM có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị 17 nội dung liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường để đưa vào dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội.
Theo đó, đối với lĩnh vực đất đai, TP HCM kiến nghị cho phép Thành phố xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với tình hình thực tiễn, trình HĐND Thành phố thông qua. Trên cơ sở đó, UBND TP HCM ban hành hệ số điều chỉnh giá đất tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tất cả các khu đất, thửa đất (không phân biệt giá trị tính theo bảng giá đất).
Đồng thời, cho phép TP HCM áp dụng việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi. Nếu không có đất cùng mục đích sử dụng thì bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi theo tỉ lệ phần trăm. Giao UBND TP HCM tổng kết thực tiễn và quyết định tỉ lệ phần trăm này phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Mặt khác, cho phép Thành phố được tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án đầu tư công độc lập đối với các dự án nhóm B trên địa bàn TP HCM.
Bên cạnh đó, cho phép UBND TP HCM được thí điểm tách phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai Thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 để thực hiện độc lập; sau khi hoàn tất sẽ tích hợp vào quy hoạch TP HCM.
Ngoài ra, cho phép TPHCM thí điểm việc cho phép các tổ chức sử dụng đất được thế chấp, cho thuê và chuyển nhượng "quyền thuê đất" đóng tiền hàng năm. Cho phép TPHCM thí điểm thực hiện áp dụng "Căn cứ để giao đất, cho thuê đất là văn bản phê duyệt kết quả trúng đấu giá, đấu thầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền" đối với các quỹ đất được chấp thuận chủ trương thanh toán cho các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng BT) trước ngày 1/1/2021. Phân cấp việc xác định giá đất để bồi thường, hỗ trợ cho UBND cấp huyện thực hiện…
Đối với lĩnh vực môi trường, cho phép UBND các cấp được sử dụng các thiết bị sẵn có tại địa phương: Camera, smart phone, cameara giao thông, camera giám sát an ninh trật tự tại địa phương để phát hiện các hành vi xả rác, tiểu tiện không đúng nơi quy định (vi phạm vệ sinh nơi công cộng). Được sử dụng hình ảnh vi phạm vệ sinh nơi công cộng ghi nhận từ các thiết bị thu hình ảnh trên để làm căn cứ xử phạt trực tiếp đối tượng vi phạm.
Ninh Bình sắp có Khu đô thị du lịch sinh thái nghỉ dưỡng 1.100ha
Vừa qua, UBND tỉnh Ninh Bình có văn bản gửi Sở Xây dựng, UBND huyện Nho Quan liên quan đến việc lập quy hoạch Khu đô thị du lịch sinh thái , văn hoá, lịch sử và nghỉ dưỡng Ninh Bình tại xã Sơn Hà và xã Quảng Lạc.
Theo đó, UBND tỉnh đồng ý giao UBND huyện Nho Quan chủ trì, tổ chức lập Quy hoạch phân khu Khu đô thị du lịch sinh thái, văn hoá, lịch sử và nghỉ dưỡng Ninh Bình tại xã Quảng Lạc (phía Tây Nam Quốc lộ 12B) với diện tích nghiên cứu khoảng 475ha, yêu cầu đảm bảo tính tổng thể kết nối đồng bộ với toàn bộ khu vực lân cận theo định hướng Quy hoạch vùng huyện Nho Quan và điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040 đang triển khai.
Khu vực tại xã Sơn Hà (phía Đông Bắc Quốc lộ 12B), huyện Nho Quan với diện tích lập quy hoạch khoảng 625ha, tổ chức thực hiện sau khi đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Quy mô diện tích lập quy hoạch sẽ được xác định trong quá trình lập nhiệm vụ, đồ án quy hoạch và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
UBND tỉnh Ninh Bình cũng giao Sở Xây dựng hướng dẫn UBND huyện Nho Quan triển khai lập quy hoạch các khu vực nêu trên theo quy định hiện hành.
Tạm dừng đăng ký biến động hơn 2.300 thửa đất tại Cam Lâm, Khánh Hòa
Ngày 23/11, lãnh đạo UBND huyện Cam Lâm cho biết đã ban hành văn bản về việc giải quyết các vấn đề liên quan 114 khu đất với 2.385 thửa đất có sai phạm trong kết luận mà UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành.
Động thái trên nhằm thực hiện các nội dung chỉ đạo của Tỉnh ủy Khánh Hòa và UBND tỉnh Khánh Hòa về việc khắc phục hậu quả các sai phạm trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng tại huyện Cam Lâm.
Theo đó, UBND huyện Cam Lâm yêu cầu Văn phòng đăng ký đất đai Chi nhánh Cam Lâm tạm dừng thực hiện các thủ tục đăng ký biến động đất đai đối với 2.385 thửa đất trên địa bàn. Các thửa đất này thuộc 114 khu vực đã có chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa về việc khắc phục hậu quả.
UBND huyện Cam Lâm yêu cầu Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Tài nguyên Môi trường và UBND các xã Cam Thành Bắc, Cam Hải Tây, Suối Cát, Suối Tân, Cam Hiệp Nam, Cam Hải Đông và thị trấn Cam Đức tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất đối với các thửa đất thuộc 114 khu vực nói trên.
Trước đó, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy tỉnh Khánh Hòa kết luận từ 1/1/2018 đến 30/6/2021, Ban Thường vụ Huyện ủy Cam Lâm 2 nhiệm kỳ (2015-2020 và 2020-2025) đã vi phạm quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để UBND huyện tự đặt ra thủ tục hiến đất làm đường không đúng thẩm quyền; không nghiêm túc chấp hành các chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh; vi phạm quy định pháp luật về đất đai khi cho phép 114 trường hợp tặng cho đất, tự nguyện trả lại đất cho Nhà nước để tự làm đường, tách thửa và đã tách tổng cộng hơn 2.350 thửa với tổng diện tích đất hơn 57ha.
Theo UBKT Khánh Hòa, những khuyết điểm, vi phạm nêu trên đã làm ảnh hưởng đến quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật và tính đồng bộ trong quy hoạch trên địa bàn huyện Cam Lâm; ảnh hưởng lâu dài đến công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng, đến sự phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, bức xúc trong dư luận xã hội và nguy cơ gây thất thu cho ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.
Xem thêm: Lâm Đồng: Đề xuất ngừng hoạt động Dự án Khu du lịch sinh thái Hoa Sơn – Resort
Huy Tùng (t/h)