Bắc Giang có thêm khu công nghiệp hơn 40ha tại Yên Dũng; Hải Phòng đấu giá lần 2 khu đất Vịnh Trung tâm Cát Bà, giá khởi điểm hơn 2.100 tỉ đồng; Thanh tra xây dựng kiến nghị xử lý về kinh tế hơn 181 tỷ đồng…là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
Bắc Giang có thêm khu công nghiệp hơn 40ha tại Yên Dũng; Hải Phòng đấu giá lần 2 khu đất Vịnh Trung tâm Cát Bà, giá khởi điểm hơn 2.100 tỉ đồng; Thanh tra xây dựng kiến nghị xử lý về kinh tế hơn 181 tỷ đồng…là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
Vừa qua, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận cho biết, cơ quan này đang chuẩn bị tiến hành thanh tra tiếp Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Aminia Ninh Chữ do Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Aminia Ninh Chữ (gọi tắt là Công ty Aminia Ninh Chữ) làm chủ đầu tư.
Nguyên nhân là đến hạn 24 tháng cần tổ chức thanh tra lại; đồng thời sau khi có kết quả thanh tra sẽ xử lý theo quy định, trong trường hợp nhà đầu tư yêu cầu sẽ xem xét được phép gia hạn thêm 24 tháng nữa.
Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Aminia - Ninh Chữ từng được Sở Tài nguyên và Môi trường lập đoàn thanh tra vào tháng 9/2021. Theo Kết luận thanh tra ban hành vào cuối tháng 5/2022, Dự án này chậm tiến độ hơn 16 tháng so với tiến độ sử dụng đất.
Theo tìm hiểu, Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Aminia - Ninh Chữ (nằm tại góc đường Yên Ninh, Trần Nhân Tông, thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải) đã được quây tôn kín xung quanh. Bên trong, chủ đầu tư hiện chỉ mới xây dựng xong phần thô của 36 căn biệt thự.
Trước đó vào ngày 24/8/2022, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đánh giá, đến thời điểm này, cả 6 Dự án du lịch trọng điểm của tỉnh Ninh Thuận đều chậm tiến độ.
1 trong 6 Dự án được nhắc đến chính là Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Aminia - Ninh Chữ của Công ty Aminia Ninh Chữ (cùng với các Dự án khác gồm Resort spa nho - trang trại trồng nho - nhà máy rượu nho của Công ty cổ phần Smart Asgard Việt Nam; Khu du lịch khách sạn và giải trí phức hợp Khánh Hải của Công ty TNHH Thanh Tâm Resort; Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Hòn Đỏ của Công ty Hòn Đỏ; Khu Resort nghỉ dưỡng cao cấp tiêu chuẩn Quốc tế 5 sao kết hợp với tuyến phố thương mại ẩm thực của Công ty cổ phần du lịch quốc tế Ninh Thuận; Khu du lịch Mũi Dinh EcoPark của Công ty cổ phần Mũi Dinh EcoPark).
Được biết, Dự án Khu Du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Aminia Ninh Chữ được UBND tỉnh Ninh Thuận cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào ngày 9/12/2011; Sở Kế hoạch và Đầu tư lần lượt điều chỉnh lần 1 vào ngày 23/6/2017 và cấp điều chỉnh lần 2 vào ngày 10/8/2018.
Dự án này có diện tích sử dụng đất 3,6 ha; tổng vốn đầu tư 249 tỉ đồng; quy mô xây dựng gồm khách sạn 5 sao cao 15 tầng, 36 căn villa, nhà hàng, hồ bơi, khu dịch vụ phụ trợ…
Mới đây, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt Đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng (tỉ lệ 1/500) Khu phía Nam khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng, huyện Yên Dũng.
Theo đó, Khu phía Nam khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng có diện tích khoảng 44,91ha, nằm hai bên đường QL17, thuộc địa giới hành chính xã Tiền Phong và xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng, được chia làm 2 khu.
Ranh giới cụ thể được xác định khu 1 có diện tích 20,35ha được giới hạn phía Bắc giáp khu đô thị số 4 xã Tiền Phong; phía Nam giáp đường Võ Văn Kiệt; phía Đông giáp khu đô thị Quyết Tiến - Thành Công; phía Tây giáp đường QL17.
Khu 2 có diện tích 24,55ha được giới hạn phía Bắc giáp kênh thoát nước N5, phía Nam giáp đường nối QL17 với QL37, phía Đông giáp đường QL17, phía Tây giáp mương thoát nước xã Nội Hoàng.
Khu phía Nam khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng có tính chất là khu công nghiệp tập trung, đa ngành như: Chế biến nông, lâm sản, chế biến thực phẩm, cơ khí chế tạo máy, linh kiện điện tử, bao bì và các ngành công nghiệp phụ trợ…; kinh doanh vận tải kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống, dịch vụ tài chính ngân hàng; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ.
Theo giải pháp tổ chức không gian từ trục giao thông chính là QL17 có chiều rộng 36m là trục không gian chủ đạo của khu công nghiệp, kết nối các trục không gian, các công trình, các khu vực nhà máy, khu vực hành chính, dịch vụ, vườn hoa, bãi đỗ xe với nhau, hai bên vỉa hè trồng các loại cây bóng mát tạo cảnh quan và giảm thiểu bụi bẩn.
Vị trí các điểm giao thông kết nối giữa các đường đối nội và đối ngoại là các khu vực không gian quan trọng như cổng chính, cổng phụ các khu công nghiệp, tuyến đường dân sinh phía Nam để phục vụ Nhân dân đi lại không làm ảnh hưởng đến hoạt động trong khu công nghiệp...
Những hạng mục chính ưu tiên đầu tư xây dựng bao gồm: Công trình như khu công cộng, dịch vụ, hành chính, nhà xưởng sản xuất...; hạ tầng kỹ thuật như hệ thống giao thông, hệ thống cấp nước, thoát nước, cấp điện và khu xử lý nước thải...
Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP Hải Phòng vừa ra thông báo đấu giá lần 2 quyền sử dụng đất thuê và tài sản công gắn liền với đất thực hiện dự án khu du lịch, dịch vụ thương mại Vịnh Trung tâm Cát Bà tại thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, TP Hải Phòng.
Theo đó, tổng giá khởi điểm số tiền thuê đất trả tiền hàng năm, thuê đất trả tiền một lần, giá trị tài sản công gắn liền với đất của dự án là 2.125 tỉ đồng. Tổng tiền đặt trước đấu giá là 425 tỉ đồng.
Thời gian diễn ra cuộc đấu giá dự kiến vào ngày 23/2/2023.
Tổ chức có đủ điều kiện tham gia đấu giá theo quy định của pháp luật và quy định tại phương án đấu giá, quyết định đấu giá, giá đất cụ thể để xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất thuê và đấu giá tài sản công gắn liền với đất thực hiện dự án (ban hành kèm theo Quyết định số 3909/QĐ-UBND ngày 21/11/2022 của UBND thành phố) nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá tại Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản thành phố Hải Phòng.
Trước đó, đầu tháng 12/2022, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản (thuộc Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng) đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất thuê và đấu giá tài sản công gắn liền với đất thực hiện dự án. Tổng giá khởi điểm số tiền thuê đất trả tiền hàng năm, thuê đất trả tiền một lần, giá trị tài sản công gắn liền với đất là 2.125 tỉ đồng. Tổng tiền đặt trước là 425 tỉ đồng.
Theo ông Chu Hồng Uy - Phó chánh Thanh tra Bộ Xây dựng, năm 2023 lực lượng sẽ thanh tra UBND tỉnh, chủ đầu tư, nhà đầu tư, các tổ chức, đơn vị có liên quan về chấp hành quy định trong hoạt động kinh doanh bất động sản, việc xây dựng hạ tầng tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị tại 7 địa phương gồm: Thái Nguyên, Thái Bình, Thanh Hoá, Thừa Thiên - Huế, Vĩnh Long, Sóc Trăng, An Giang.
Hiện nhiều chủ đầu tư xây dựng các dự án khu đô thị thiếu hạ tầng đồng bộ như trường học, bãi đỗ xe… Năm 2023, Thanh tra Bộ Xây dựng vẫn tập trung vào vấn đề hạ tầng đô thị tại nhiều địa phương và lĩnh vực quy hoạch xây dựng tại các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Bình Phước.
Cùng đó là thanh tra một số dự án do bộ, ngành, địa phương và Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước làm chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư. Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ thanh tra công tác quản lý hoạt động xây dựng tại dự án có tổng mức đầu tư trên 100 tỉ đồng tại 3 đơn vị gồm: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Ninh; Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh - Bộ Giao thông Vận tải; Ban Quản lý dự án 4 - Cục Đường bộ Việt Nam.
Bộ Xây dựng khẳng định, việc triển khai các đoàn thanh tra theo Kế hoạch thanh tra năm 2022 đạt yêu cầu đề ra; tổ chức các đoàn thanh tra đột xuất; tăng cường giám sát hoạt động đoàn thanh tra; kịp thời đôn đốc, xử lý sau thanh tra và thực hiện tổng hợp bất cập của pháp luật qua thanh tra.
Cụ thể, trong năm 2022, Thanh tra Bộ đã triển khai thực hiện 14 đoàn thanh tra theo kế hoạch (đạt 100%) và 6 đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất; ban hành 42 kết luận thanh tra.
Qua đó, Thanh tra Xây dựng kiến nghị xử lý về kinh tế số tiền 181,186 tỉ đồng; trong đó, xử lý về dự toán số tiền 51,715 tỉ đồng; xử lý khác về kinh tế số tiền 120,803 tỉ đồng (đây là số tiền về thu và xử lý kinh phí bảo trì nhà chung cư); kiến nghị xử lý hành chính đối với 81 tổ chức và 14 cá nhân.
Thanh tra Xây dựng cũng ban hành 13 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 13 tổ chức, số tiền 3,18 tỉ đồng; đồng thời, kiến nghị đối với các cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư về biện pháp khắc phục, xử lý.
Huy Tùng (T/h)