Bà Rịa - Vũng Tàu: Sắp có đô thị Kim Long rộng hơn 2.200 ha; Đà Nẵng điều chỉnh tăng vốn thêm 32.765 tỷ đồng cho 3 dự án; TP HCM đề xuất bổ sung gần 550 ha đất xây nhà ở xã hội, nhà ở công nhân… là những tin tức bất động sản đáng chú ý
Bà Rịa - Vũng Tàu: Sắp có đô thị Kim Long rộng hơn 2.200 ha; Đà Nẵng điều chỉnh tăng vốn thêm 32.765 tỷ đồng cho 3 dự án; TP HCM đề xuất bổ sung gần 550 ha đất xây nhà ở xã hội, nhà ở công nhân… là những tin tức bất động sản đáng chú ý
Vừa qua, Đại hội đồng cổ đông Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản F.I.T (F.I.T Land) chính thức thông qua việc thoái toàn bộ vốn tại Công ty Cổ phần Bất động sản Cap Padaran Mũi Dinh. Các thủ tục giao dịch chính thức hoàn tất vào ngày 09/09.
Dự án Cap Padaran Mũi Dinh được định hướng trở thành khu du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế trên quy mô 800 ha, chia thành nhiều phân khu như khách sạn, resort, biệt thự biển, các khu tổ hợp căn hộ khách sạn cùng các tổ hợp vui chơi, thể thao giải trí với tổng vốn đầu tư lên đến 1 tỷ USD.
Tháng 2/2022, Tập đoàn F.I.T và Tập đoàn Crystal Bay tổ chức lễ khởi công dự án Cap Padaran Mũi Dinh. Trong đó, F.I.T góp 60% và Crystal góp 40% vào Công ty cổ phần Cap Padaran Mũi Dinh - đơn vị chủ đầu tư dự án Cap Padaran Mũi Dinh.
Theo cam kết của chủ đầu tư tại lễ khởi công, Cap Padaran sẽ có tốc độ triển khai thần tốc. Trong giai đoạn 1, dự án sẽ triển khai xây dựng Khu nghỉ dưỡng Bãi Tràng có diện tích gần 64 ha bao gồm khách sạn tiêu chuẩn năm sao quốc tế, biệt thự nghỉ dưỡng cùng hạ tầng và các tiện ích đồng bộ, với tổng mức đầu tư khoảng 150 triệu USD, dự kiến sẽ đưa vào khai thác trong năm 2024 và hoàn thành toàn bộ dự án trong tháng 6/2025.
Tuy nhiên, Tập đoàn F.I.T đã quyết định rút khỏi dự án vì nhiều lý do. Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sau dịch Covid-19 có dấu hiệu khởi sắc nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, bao gồm cung ứng vượt quá cầu, vấn đề pháp lý phức tạp, gia tăng chi phí phát triển, và sự chờ đợi thông qua các dự án Luật lớn. Tập đoàn F.I.T cho rằng việc tiếp tục đầu tư vào dự án này có thể gây lãng phí thời gian và tiền bạc.
Doanh nghiệp cũng cho biết thêm, quyết định rút khỏi dự án Cap Padaran Mũi Dinh không đồng nghĩa với việc Tập đoàn F.I.T sẽ dừng hoạt động đầu tư bất động sản hoàn toàn. Thay vào đó, họ sẽ tập trung vào các dự án bất động sản tầm trung và cao cấp, phù hợp với xu hướng tiêu dùng mới và mang tính thiết thực và ứng dụng cao.
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa duyệt đồ án Quy hoạch chung tỷ lệ 1/5000 đô thị Kim Long, huyện Châu Đức đến năm 2030. Ranh giới phía Bắc giáp xã Xà Bang, phía Nam giáp xã Bàu Chinh, phía Đông giáp xã Quảng Thành, phía Tây giáp xã Láng Lớn và xã Xà Bang.
Đô thị có quy mô hơn 2.200 ha sẽ là trung tâm kinh tế, văn hóa, thương mại, dịch vụ nông lâm nghiệp và du lịch cấp tiểu vùng liên xã phía Bắc của huyện Châu Đức. Dân số đến năm 2025 đạt khoảng 16.500-17.000 người và đến năm 2030 đạt khoảng 19.500 - 20.000 người.
Đô thị Kim Long gồm 4 phân khu. Phân khu số 1 (khoảng 600 ha) nằm dọc hai bên đường Trung tâm Kim Long và Quốc lộ 56. Đây là khu trung tâm của đô thị, bao gồm khu phát triển hỗn hợp, nhà ở mật độ cao kết hợp khu dân cư - tái định cư, các công trình hành chính, thương mại dịch vụ, khu du lịch hồ Tầm Bó và khu vực bảo tồn cảnh quan thiên nhiên (núi Hậu Cần, núi Gà Bươi).
Nằm ở phía Bắc đô thị, phân khu số 2 (hơn 220 ha) là cải tạo, chỉnh trang khu dân cư hiện hữu dọc theo Quốc lộ 56, định hướng phát triển du lịch tâm linh gắn với Khu di tích địa đạo Kim Long.
Phân khu số 3 (khoảng 470 ha) là khu vực chính giữa đô thị, nằm dọc theo đường Kim Long - Láng Lớn và đường Ngãi Giao - Cù Bị. Phân khu này chủ yếu là dân cư hiện hữu kết hợp sản xuất nông nghiệp, gắn với các công trình giáo dục, thể dục thể thao, khu du lịch.
Phân khu số 4 (khoảng 916,18 ha) chủ yếu là không gian phát triển sản xuất nông nghiệp, gắn với việc bảo vệ lưu vực và lòng hồ Kim Long - hồ cấp nước cho toàn bộ đô thị.
UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, 8 tháng đầu năm 2023, thành phố Đà Nẵng đã cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngoài các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin với tổng vốn đầu tư trên 39.009 tỷ đồng. Trong đó, có 8 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư hơn 6.243 tỷ đồng và 3 dự án được điều chỉnh tăng thêm 32.765 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, thành phố Đà Nẵng còn có 10 dự án cấp mới trong nước trong các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin với tổng vốn đầu tư trên 1.194 tỷ đồng...
Trong 8 tháng đầu năm 2023, Quảng Nam đã cấp mới 01 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 1 triệu USD. Đến nay, Quảng Nam có 193 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 6,03 tỷ USD.
Cũng trong 8 tháng đầu năm 2023, Quảng Nam cấp phép cho 10 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 1.623 tỷ đồng, nâng tổng số dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực lên 1.141 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 225 nghìn tỷ đồng.
Từ đầu năm đến nay, Quảng Ngãi có 5 dự án đầu tư trong nước được cấp mới, với tổng vốn đăng ký 3.259 tỷ đồng. Song song với đó, Quảng Ngãi có 2 dự án đầu tư nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký hơn 165 triệu USD.
Cũng trong 8 tháng đầu năm 2023, tỉnh Quảng Ngãi đã chấp thuận chủ trương đầu tư 6 dự án bất động sản để tổ chức đấu giá, đấu thầu với tổng vốn đầu tư 8.138 tỷ đồng.
Thống kê từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Bình Định thu hút 02 dự án FDI đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đầu tư là 114.816 USD; 04 dự án được điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn điều chỉnh tăng 26,28 triệu USD. Tính đến nay, toàn tỉnh Bình Định có 87 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký trên 1,13 tỷ USD.
Cũng từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Bình Định thu hút được 55 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 12.393,5 tỷ đồng. Trong đó có 14 dự án trong Khu kinh tế và Khu công nghiệp với tổng vốn đăng ký trên 508 tỷ đồng; 41 dự án ngoài Khu kinh tế và Khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư trên 11.885,6 tỷ đồng.
Sở Xây dựng TP HCM đã trình UBND TP HCM về việc điều chỉnh kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025.
Theo kế hoạch "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" của Thủ tướng, TP HCM cần phát triển 69.700 căn nhà ở xã hội trước năm 2030. Tuy nhiên, hiện tại, thành phố chỉ đạt được khoảng 30,7% của chỉ tiêu diện tích sàn nhà ở đề ra cho giai đoạn 2021 - 2025.
Do đó, Sở Xây dựng cho rằng cần bổ sung nguồn cung dự án nhà ở xã hội và nhà ở công nhân để đảm bảo tiến độ phát triển theo kế hoạch đã được phê duyệt. UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức đã đề xuất nhiều vị trí dự kiến cho nhà ở xã hội và nhà ở công nhân, và Sở Xây dựng đã thống nhất và kiến nghị bổ sung 26 khu đất dự án với tổng diện tích là 547,8 ha vào kế hoạch phát triển nhà ở TP HCM giai đoạn 2021 - 2025.
Những khu đất này được chia thành các khu vực như nội thành hiện hữu, nội thành phát triển, huyện ngoại thành và TP Thủ Đức. Điều này nhằm tạo điều kiện cho người dân có thu nhập thấp tiếp cận nhà ở xã hội.
Cụ thể, các khu đất phân chia theo từng khu vực như sau: Khu vực nội thành hiện hữu (các quận 4, 8, Bình Thạnh, Tân Bình) với 4 khu đất có diện tích đất dự kiến tăng thêm khoảng 10,73 ha. Khu vực nội thành phát triển (các quận 7, 12, Bình Tân) với 6 khu đất có diện tích đất dự kiến tăng thêm khoảng 14,95 ha.
Khu vực huyện ngoại thành (các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi) với 10 khu đất có diện tích đất dự kiến tăng thêm khoảng 187,9 ha; khu vực TP Thủ Đức với 6 khu đất có diện tích đất dự kiến tăng thêm là 334,13ha.
Huy Tùng (T/h)