Theo giới phân tích, mặc dù các nhà đầu tư nước ngoài đang hy vọng một gói cứu trợ lớn cho lĩnh vực bất động sản Trung Quốc nhưng dường như Chính phủ nước này không có khả năng sẽ chi trả hàng tỷ USD để ra tay cứu trợ.
Theo giới phân tích, mặc dù các nhà đầu tư nước ngoài đang hy vọng một gói cứu trợ lớn cho lĩnh vực bất động sản Trung Quốc nhưng dường như Chính phủ nước này không có khả năng sẽ chi trả hàng tỷ USD để ra tay cứu trợ.
Một năm sau vụ việc Evergrande, vấn đề nợ nần của các doanh nghiệp bất động sản đều khiến nhà đầu tư sợ hãi và tháo chạy.
Doanh số bất động sản lao dốc, hàng trăm nghìn người mua nhà từ chối trả nợ vay thế chấp vì việc xây dựng bị trì hoãn, ngay đến cả những nhà phát triển bất động sản từng được đánh giá là có tài chính lành mạnh cũng đang phải chật vật để trả nợ.
Tommy Wu, Chuyên gia kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại ngân hàng Commerzbank cho biết: “Tôi cho rằng Chính phủ sẽ không trực tiếp giải cứu các nhà phát triển bất động sản cho dù họ có thể sẽ tiếp tục yêu cầu ngân hàng và các doanh nghiệp nhà nước giúp đỡ một vài doanh nghiệp đang khó khăn”.
Ông cho rằng Bắc Kinh sẽ muốn từng bước giải quyết các vấn đề trong bất động sản và giảm bớt vai trò của ngành này trong nền kinh tế. Bất động sản và các lĩnh vực liên quan chiếm khoảng 1/4 GDP của Trung Quốc.
Tommy Wu bổ sung: “Nhiều khả năng các biện pháp mới được tung ra trong thời gian tới vẫn sẽ tập trung vào việc hỗ trợ hoàn thiện dự án nhà ở và kích thích doanh số bán nhà”.
Bên cạnh đó, vào tháng 9, S&P Global Ratings ước tính, thị trường bất động sản cần từ 700 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 98,59 tỷ USD) đến 800 tỷ Nhân dân tệ “để đảm bảo các doanh nghiệp đang gặp khó có thể hoàn thiện những căn nhà đã bán trước đó”.
Cho đến nay, Chính phủ Trung Quốc vẫn chưa công bố quỹ hỗ trợ nào có quy mô lớn đến vậy. Tuy nhiên, một số nhà phân tích đầu tư kỳ vọng Chính phủ sẽ thành lập một quỹ đủ lớn để thúc đẩy niềm tin người mua nhà.
Ngoài ra, nhiều nhà phát triển bất động sản đang ngập trong rắc rối tài chính.
Điển hình như tổng nợ ba công ty Evergrande, Kaisa và Shimao phải trả là 2.600 tỷ Nhân dân tệ (tương đương khoảng 366 tỷ USD). Từ đó đến nay, tình hình tài chính của ba công ty này càng trầm trọng thêm.
Đáng chú ý, ba công ty này mới chỉ là một phần nhỏ của toàn ngành.
Ông Qin Gang, CEO Viện nghiên cứu bất động sản Trung Quốc ICR chỉ ra rằng, với quy mô nợ lớn đến vậy thì dẫu Chính quyền Trung ương có chi hàng trăm tỷ Nhân dân tệ, số tiền đó cũng chỉ như muối bỏ biển. Đó là chưa kể nguồn tiền của Chính phủ ngày nay eo hẹp hơn hẳn so với ba năm trước do doanh thu từ bán đất và thuế suy giảm còn chi tiêu chống dịch lại tăng.
Theo Bộ Tài chính của nước này, Chính phủ Trung ương Trung Quốc đã thu về 9,15 nghìn tỷ Nhân dân tệ (1,26 nghìn tỷ USD) trong tổng doanh thu công vào năm 2021.
Doanh thu này trong 8 tháng đầu năm 2022 là 6.360 tỷ Nhân dân tệ, giảm 10% so với một năm trước và đó là chưa tính đến các khoản miễn giảm thuế.
Giám đốc Qin nói rằng, nhận thức của xã hội cũng có ảnh hưởng lớn đến quyết định của Bắc Kinh. Người dân có thể sẽ tức giận nếu Chính phủ giúp đỡ các công ty bất động sản nợ nần chồng chất.
Ông nói thêm rằng, vấn đề bàn giao nhà ở cũng rất phức tạp và cần đến sự phối hợp của địa phương để giải quyết.
Trong vài tháng trở lại đây, Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất cho vay thế chấp và giới chức địa phương được giao trách nhiệm giải quyết các bê bối trong lĩnh vực bất động sản. Một số thành phố cũng đã nới lỏng các hạn chế lên việc mua nhà trong năm nay.
Tháng trước, Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị - Nông thôn Trung Quốc nhấn mạnh với giới báo chí rằng, các biện pháp của Chính quyền Trung ương, bao gồm các khoản vay đặc biệt để thúc đẩy việc hoàn thiện nhà, là nhằm để hỗ trợ các thành phố cần đến chúng.
Hơn nữa, sự tăng trưởng bùng nổ của ngành bất động sản của Trung Quốc trong hai thập kỷ qua đã “hun đúc” nên những ông trùm không ngại phô trương sự giàu có của mình. Do vậy, những năm gần đây, Bắc Kinh đã nhấn mạnh đến việc giảm chênh lệch giàu nghèo quốc gia.
Sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành bất động sản chủ yếu là nhờ các nhà phát triển mạnh tay vay nợ. Giá nhà phi mã làm dấy lên lo ngại về bong bóng, đồng thời buộc các gia đình phải đi vay mới mua được nhà.
Bắc Kinh bắt đầu nghiêm túc trấn áp thói quen lạm dụng nợ của các nhà phát triển bất động sản vào năm 2020. Nhiều công ty đã cố gắng tuân thủ quy định nhưng Evergrande hành động chậm chạp hơn. Đến tháng 8/2021, đại gia bất động sản này phải đưa ra lời cảnh báo tới nhà đầu tư về nguy cơ vỡ nợ.
Evergrande vỡ nợ trong năm đó. Một số công ty cùng ngành từ Kaisa đến Shimao cũng nhanh chóng rơi vào tình cảnh tương tự.
Dựa trên phân tích dữ liệu đầu tư bất động sản hàng quý của Barclays, sự sụt giảm bất động sản Trung Quốc hiện đã bước sang quý thứ 10 - đánh dấu quãng thời gian kỷ lục kéo dài hơn hai năm.
Giới phân tích cho biết, sự sụt giảm kéo dài trên đồng nghĩa việc người Trung Quốc sẽ ít muốn mua nhà và hưởng lợi từ giá nhà tăng. Điều này báo hiệu doanh số bán hàng của các nhà phát triển bất động sản đang lao dốc.
Các nhà phân tích của Barclays "không kỳ vọng chính phủ Trung Quốc sẽ giải cứu những công ty phát triển bất động sản gặp rắc rối. Thay vào đó, chính phủ có thể sẽ duy trì cách tiếp cận ‘định hướng thị trường’ là hỗ trợ những công ty chất lượng cao”, ví dụ như bảo lãnh cho các đợt phát hành trái phiếu.
Theo Vnmedia