Mặc dù, được nhận định hưởng lợi từ việc thiếu hụt nguồn cung và giá thép toàn cầu tăng từ xung đột Nga - Ukraine, thế nhưng nhiều doanh nghiệp ngành thép vẫn xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2022 với chỉ tiêu lợi nhuận khá thận trọng.
Mặc dù, được nhận định hưởng lợi từ việc thiếu hụt nguồn cung và giá thép toàn cầu tăng từ xung đột Nga - Ukraine, thế nhưng nhiều doanh nghiệp ngành thép vẫn xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2022 với chỉ tiêu lợi nhuận khá thận trọng.
CTCP Thép Thủ Đức - Vnsteel (UPCOM, MCK: TDS) vừa công bố kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022 với một số nội dung đáng chú ý. Cụ thể, TDS đặt mục tiêu sản xuất 170.000 tấn phôi thép trong năm 2022, tăng 2,8% so với năm ngoái và 160.000 tấn cán thép (tăng 11,6%).
Công ty dự kiến tiêu thụ 160.000 tấn thép cán, tăng 22,1% so với năm ngoái. Sản lượng phôi thép tiêu thụ chưa được công ty cụ thể hóa, trong khi năm ngoái là 20.245 tấn.
Dù kế hoạch sản lượng tiêu thụ dự kiến đều tăng, tuy nhiên, TDS dự kiến lợi nhuận trước thuế năm 2022 lại chỉ là 24,3 tỷ đồng, chưa bằng một nửa con số thực hiện năm ngoái. Năm 2021, Vnsteel đạt 56,1 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Lý giải nguyên nhân đề ra chỉ tiêu lợi nhuận khá thấp so với năm ngoái, lãnh đạo TDS cho biết, thị trường thép năm 2022 dự báo sẽ có nhiều thách thức và nhận định vẫn khó khăn và có thể biến động tăng/giảm nhẹ theo giá thế giới. Các nhà phân phối thận trọng tích trữ hàng tồn kho, do nhu cầu yếu, cạnh tranh mạnh giữa các thương hiệu về giá để giành thị phần, do vậy tiêu thụ thép thành phẩm sẽ gặp khó khăn.
Chưa kể, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cộng thêm thị trường bất động sản vẫn còn khá trầm lắng, thanh khoản thấp, tỷ giá ngoại tệ biến động mạnh… cũng ảnh hưởng đến đầu ra cho thép xây dựng.
Trước đó, CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HOSE, MCK: HSG) cũng công bố kế hoạch kinh doanh năm 2022 và dự báo triển vọng thị trường thép năm 2022 còn nhiều thách thức. Lãnh đạo Tập đoàn Hoa Sen nhận định, trong năm 2022 sản lượng tiêu thụ trong nước có thể tăng nhẹ, do nhu cầu hồi phục. Mặt bằng giá thép được dự báo tiếp tục neo ở mức cao, ít nhất trong nửa đầu năm 2022, do nhiều dự án bất động sản sẽ được nhanh chóng triển khai sau khoảng thời gian dài bị hoãn trong năm 2021 do dịch bệnh.
Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu thép được dự báo sẽ chững lại do chuỗi cung ứng toàn cầu hồi phục, các quốc gia sẽ gia tăng chính sách bảo hộ đối với thép nhập khẩu. Giá thép sẽ được điều chỉnh ổn định dần từ nửa cuối năm 2022 khi tình trạng đứt gãy nguồn cung được giải quyết, tình trạng dư cung có thể xảy ra khi các nhà máy thép gia tăng sản lượng sản xuất để giải quyết bài toán thiếu hụt sản phẩm.
Do đó, giá HRC dự báo giảm 11,5%; các công ty thép có thể không được hưởng lợi đáng kể từ hàng tồn kho giá rẻ trong năm 2022 như với năm 2021, biên lợi nhuận từ kênh xuất khẩu có khả năng giảm từ mức cao trong năm 2022.
Bên cạnh đó, giá nguyên liệu đầu vào đã và đang biến động rất khó lường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh không chỉ tiêng của Hoa Sen mà còn tác động mạnh đến hầu hết các doanh nghiệp cùng ngành.
Theo đó, trong niên độ tài chính 2021-2022, Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn Hoa Sen đặt mục tiêu sản lượng tiêu thụ đạt 2 triệu tấn, doanh thu đạt 46.399 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế từ 1.500 – 2.500 tỷ đồng phụ thuộc vào diễn biến giá nguyên liệu đầu vào.
Cả ba chỉ tiêu này đều thấp hơn so với kết quả đạt được trong năm 2021, mức giảm lần lượt là 11% đối với sản lượng tiêu thụ, 5% đối với doanh thu và giảm từ 42-65% đối với chỉ tiêu lợi nhuận.
CTCP Đầu tư thương mại SMC (HOSE, MCK: SMC) cũng lên kế hoạch kinh doanh năm 2022 khá khiêm tốn, với chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 300 tỷ đồng, chỉ bằng 1/3 kết quả đạt được trong năm 2021.
Về sản lượng tiêu thụ, SMC dự kiến tiêu thụ 1,25 triệu tấn thép các loại trong năm. Tuy nhiên, kế hoạch lợi nhuận của SMC được đưa ra từ cuối năm 2021 khi thị trường giá và tiêu thụ thép có nhiều khó khăn. Do đó, kế hoạch này có thể được điều chỉnh lại tại đại hội đồng cổ đông thường niên của công ty sắp tới, nhất là khi năm 2021, SMC đạt trên 900 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Dù dự kiến lợi nhuận khả quan hơn trong năm 2022, song CTCP Thép Việt Ý (HOSE, MCK: VIS) cũng dự báo triển vọng ngành cũng gặp nhiều khó khăn thách thức. Năm 2022, VIS dự kiến sản xuất 391.275 tấn phôi và 340.380 tấn thép. Doanh thu dự kiến 6.860 tỷ đồng, lãi trước thuế đạt 3,15 tỷ đồng. Kế hoạch này có sự phục hồi đáng kể so với một năm thua lỗ trong 2021, khi chỉ đạt doanh thu 5.821 tỷ đồng và lỗ trước thuế gần 133 tỷ đồng.
Lãnh đạo công ty nhận định, giá thép thế giới có xu hướng tăng do nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc và một số nước Châu Âu tăng cao do sự thiếu hụt nguồn cung và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Điều này khiến giá thép dự báo sẽ có xu hướng tăng trong năm tới.
Trong khi đó, nhiều dự án bất động sản đã bị hoãn lại năm trước sẽ được triển khai lại để đáp ứng nhu cầu tiến độ. Nhiều dự án đầu tư công quy mô lớn sẽ được khởi công giúp lượng thép tiêu thụ dự kiến hồi phục mạnh mẽ trong thời kỳ thích ứng với đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, lãnh đạo VIS cũng cho biết, mục tiêu giảm lượng cacbon của ngành thép đã làm cho nhiều khoản mục chi phí đầu vào tăng lên, trở thành thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp thép hiện nay. Bên cạnh đó, Nghị định số 101/2021/NĐ-CP liên quan đến biểu thuế xuất nhập khẩu quy định giảm 5-10% thuế xuất nhập khẩu MFN đối với mặt hàng thép xây dựng và thép tôn mạ, buộc các doanh nghiệp ngành thép phải đối mặt với một sự cạnh tranh rất lớn từ các thương hiệu nước ngoài. Trong khi đó, tình hình cạnh tranh trong nước vẫn gay gắt.
Trong báo cáo triển vọng ngành thép mới đây, Công ty TNHH Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, xung đột giữa Ukranie và Nga leo thang có thể làm gián đoạn nguồn cung ứng thép trên thế giới, dẫn tới thiếu hụt nguồn cung và làm tăng giá thép.
Theo VCBS, Nga là nước xuất khẩu thép lớn trên thế giới, đặc biệt tại thị trường Châu Âu (chiếm 15% thị phần xuất khẩu vào EU, cùng với 2 nước có liên quan là Ukraine và Belarus thì tổng xuất khẩu thép của 3 nước này vào EU chiếm 38%). Do đó, khi thế giới bắt đầu triển khai các biện pháp trừng phạt Nga sẽ dẫn tới việc thiếu hụt mạnh nguồn cung trong khi nhu cầu thép vẫn đang hồi phục nhanh trong 2022 sau đại dịch COVID. Điều này sẽ tạo cơ hội cho các nhà sản xuất xuất khẩu thép từ các thị trường khác.
Mặt khác, hiện nay giá dầu, giá khí và giá than đang tăng rất nhanh và gần như quay lại mức đỉnh cũ lập ra trong năm 2021, điều này khiến cho giá thành sản xuất thép tăng trở lại. Nếu các lệnh trừng phạt nhằm vào hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga thì sẽ làm thiếu hụt nguồn cung cấp năng lượng cho Châu Âu. Việc giá thép quay trở lại sẽ giúp các nước có chi phí sản xuất thép thấp như Việt Nam được hưởng lợi.
Thêm vào đó, hoạt động phát triển bất động sản và đầu tư công trở lại vẫn là động lực chính thúc đẩy nhu cầu vật liệu xây dựng trong năm 2022. Tuy vậy, các chuyên gia rằng, hiện EU vẫn áp thuế nhập khẩu thép dựa trên quota xuất khẩu cho nên tăng trưởng về sản lượng xuất khẩu của Việt Nam trong 2022 sẽ không còn cao như 2021.
Bên cạnh đó, chi phí nhiên liệu tăng cũng có thể góp phần làm tăng chi phí đầu vào của các nhà sản xuất thép, dẫn đến tỷ suất lợi nhuận gộp của các nhà sản xuất thép giảm. Đây có thể là những lý do chính khiến nhiều doanh nghiệp thép vẫn lên kế hoạch lợi nhuận khá thận trọng trong năm nay.
Theo Hà Linh/ Sở hữu trí tuệ
Link nguồn: https://sohuutritue.net.vn/tai-sao-doanh-nghiep-nganh-thep-dat-muc-tieu-loi-nhuan-nam-2022-than-trong-d133525.html