UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Quyết định phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đến năm 2040 (tỷ lệ 1/25.000).
UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Quyết định phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đến năm 2040 (tỷ lệ 1/25.000).
Theo đó, phạm vi lập quy hoạch xây dựng vùng huyện Lục Ngạn bao gồm toàn bộ ranh giới 19 đơn vị hành chính xã thuộc huyện Lục Ngạn hiện nay, gồm các xã: Giáp Sơn, Phì Điền, Đồng Cốc, Phú Nhuận, Đèo Gia, Biển Động, Tân Hoa, Kim Sơn, Biên Sơn, Hộ Đáp, Cấm Sơn, Tân Sơn, Tân Quang, Tân Lập, Phong Minh, Phong Vân, Sa Lý, Sơn Hải, Tân Mộc, một phần diện tích xã Thanh Hải (thôn Khuôn Rẽo) và một phần diện tích của xã Phúc Sơn, huyện Sơn Động (thuộc Trường bắn Quốc gia TB1).
Ranh giới lập quy hoạch được giới hạn phía Bắc giáp tỉnh Lạng Sơn, phía Nam giáp huyện Lục Nam, Sơn Động, tỉnh Bắc Giang, phía Đông giáp huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang, phía Tây giáp tỉnh Lạng Sơn và phần còn lại của huyện Lục Ngạn (thị xã Chũ trong tương lai), tỉnh Bắc Giang.
Quy mô diện tích lập quy hoạch khoảng 856,9 km². Quy mô dân số hiện trạng khoảng 113.892 người. Dự báo đến năm 2030 khoảng 136.000 người, trong đó dân số đô thị khoảng 29.000 người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 21%; đến năm 2040 khoảng 172.000 người, trong đó dân số đô thị khoảng 42.000 người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 24%.
Quan điểm, mục tiêu nhằm cụ thể hóa mục tiêu theo Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 17/02/2022. Khai thác có hiệu quả mối quan hệ vùng, các thế mạnh kinh tế, đảm bảo phát triển hài hòa và bền vững giữa đô thị và nông thôn.
Đáp ứng các tiêu chí huyện nông thôn mới phục vụ chương trình mục tiêu nông thôn mới quốc gia và các kế hoạch phát triển nông thôn toàn tỉnh. Tạo lập cơ sở pháp lý cho các công tác quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị và nông thôn trong huyện. Cung cấp thông tin, cơ sở pháp lý cho việc thu hút đầu tư trên địa bàn huyện.
Quy hoạch xây dựng vùng huyện Lục Ngạn có tính chất là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, khoa học và kỹ thuật, giáo dục đào tạo, du lịch, dịch vụ du lịch sinh thái, văn hóa lễ hội; là vùng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với các ngành nghề chủ đạo và thế mạnh của huyện: Sản phẩm công nghệ cao, vật liệu xây dựng, lương thực thực phẩm, dệt may, tiêu dùng…;
Là vùng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng hiện đại, hiệu quả, phát triển vùng nguyên liệu nông, lâm sản, chăn nuôi… Là vùng phát triển kinh tế xã hội gắn kết chặt chẽ với đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Theo Vnmedia