Hà Nội quyết định xây dựng dự án hầm chui đường Hoàng Quốc Việt kéo dài đường Phạm Văn Đồng, kết nối với phố Trần Vỹ, với tổng chiều dài khoảng 600m.





Hà Nội quyết định xây dựng dự án hầm chui đường Hoàng Quốc Việt kéo dài đường Phạm Văn Đồng, kết nối với phố Trần Vỹ, với tổng chiều dài khoảng 600m.
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 1966/QĐ-UBND ngày 10/4/2025, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng hầm chui tại nút giao đường Hoàng Quốc Việt kéo dài với đường Phạm Văn Đồng, kết nối với phố Trần Vỹ. Đây là công trình thuộc nhóm B, giao thông cấp II, với tổng mức đầu tư gần 3.000 tỷ đồng, dự kiến được triển khai trong giai đoạn 2026 – 2028.
Công trình đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giải quyết điểm nóng giao thông tại khu vực phía Tây Thủ đô, kết nối ba quận: Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm. Hầm chui cũng giúp tạo thuận lợi cho việc lưu thông từ trung tâm thành phố ra sân bay quốc tế Nội Bài – cửa ngõ hàng không lớn nhất miền Bắc – và các tỉnh lân cận.
Hầm chui có tổng chiều dài khoảng 600m, vuốt nối vào đường Hoàng Quốc Việt hiện tại và đường Hoàng Quốc Việt kéo dài. Mặt cắt ngang toàn hầm rộng hơn 22m, được bố trí 6 làn xe, bao gồm mỗi bên 2 làn xe cơ giới rộng 3,5m và 1 làn xe thô sơ rộng 2,5m.
Tại khu vực trước cổng Bộ Công an (số 47 Phạm Văn Đồng), mặt đường hai bên rộng gần 15m, gồm 4 làn xe cơ giới, vỉa hè rộng 4,5m. Tuyến đường Hoàng Quốc Việt kéo dài sẽ được xây mới với quy mô mặt cắt ngang lên tới 50m theo quy hoạch.
Về phần đường hiện hữu, dự án sẽ tiến hành xén hè, điều chỉnh giải phân cách giữa, mở rộng các làn đường hai bên, đồng thời xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hệ thống cây xanh, đèn tín hiệu, sơn kẻ đường và tổ chức giao thông tổng thể nhằm đảm bảo an toàn, thông suốt và nâng cao mỹ quan đô thị.
UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị được giao làm chủ đầu tư gồm: UBND quận Cầu Giấy, UBND quận Bắc Từ Liêm và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan. Việc hoàn thiện hồ sơ dự án, trình phê duyệt theo đúng quy định pháp luật phải được thực hiện khẩn trương và nghiêm túc.
Đặc biệt, thành phố yêu cầu rà soát kỹ lưỡng quy mô và nội dung đầu tư, lựa chọn phương án kỹ thuật tối ưu, đảm bảo tính đồng bộ, tránh trùng lặp và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư. Việc lấy ý kiến của cơ quan quản lý trụ sở Bộ Công an cũng được nhấn mạnh nhằm đảm bảo sự khớp nối hạ tầng và tổ chức giao thông ra vào trụ sở một cách hợp lý.
Nếu hoàn thành đúng tiến độ, hầm chui Hoàng Quốc Việt – Phạm Văn Đồng sẽ trở thành hầm chui thứ năm tại Hà Nội. Trước đó, Thủ đô đã đưa vào sử dụng bốn hầm chui, gồm: hầm Kim Liên – Xã Đàn, khánh thành năm 2009; hầm Trung Hòa, kết nối đường Trần Duy Hưng với Đại lộ Thăng Long và hầm nút giao Thanh Xuân, cùng đi vào khai thác trong năm 2016; gần đây nhất là hầm Lê Văn Lương – Vành đai 3, chính thức hoạt động từ tháng 10/2022.
Cùng thời điểm, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 1953/QĐ-UBND, phê duyệt dự án nâng cấp đường tỉnh 427 trên địa bàn huyện Thường Tín, đoạn từ Cầu Chiếc (Km8+500) đến Cầu Dừa (Km11+566), qua cầu vượt Dương Trực Nguyên – ngã ba Ga.
Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 650 tỷ đồng, thuộc nhóm B, công trình giao thông cấp II, do UBND huyện Thường Tín làm chủ đầu tư, thực hiện trong giai đoạn 2025–2027.
Tuyến đường có tổng chiều dài khoảng 3,59km, chia thành 5 đoạn chính, bao gồm các hạng mục: giải phóng mặt bằng, xây dựng nền – mặt đường, hè đường, cầu vượt kênh, hệ thống thoát nước mưa – nước thải, chiếu sáng, phòng cháy chữa cháy và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.
Chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chuẩn xác của khối lượng, kinh phí; kết quả tính toán kết cấu và tính hợp pháp của hồ sơ trình phê duyệt; năng lực của các tổ chức, cá nhân thực hiện khảo sát, lập dự án đầu tư.
Áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng theo lộ trình tại các Quyết định đã được Thủ tướng Chính phủ và UBND Thành phố phê duyệt.
Mục tiêu của dự án là tăng cường kết nối giao thông, cải thiện năng lực thông hành trên tuyến tỉnh lộ 427, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030. Qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống người dân và phát triển đô thị tại huyện Thường Tín.
Quỳnh Nhi