Lợi nhuận tại LPBank nửa đầu năm 2023 sụt giảm, còn "sở hữu" hơn 6.000 tỷ đồng nợ xấu, song ngân hàng đang đẩy mạnh huy động hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu để huy động vốn.
Lợi nhuận tại LPBank nửa đầu năm 2023 sụt giảm, còn "sở hữu" hơn 6.000 tỷ đồng nợ xấu, song ngân hàng đang đẩy mạnh huy động hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu để huy động vốn.
Trên Chuyên trang trái phiếu của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (Cbonds) công bố, ngày 26/9 vừa qua, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank – LPB) chào bán thành công lô trái phiếu mã LPBL2326003 có giá trị phát hành 2.000 tỷ đồng, đáo hạn ngày 26/9/2026. Lô trái phiếu có lãi suất cố định 6,5%/năm.
Trước đó, ngày 25/9, LPBank cũng phát hành thành công lô trái phiếu mã LPBL2326002 có giá trị 1.000 tỷ đồng, đáo hạn ngày 25/9/2026 với lãi suất cố định 6,8%/năm.
Ngày 22/9, LPBank cũng đã hoàn thành phát hành 1.200 tỷ đồng lô trái phiếu mã LPBL2326001, đáo hạn vào ngày 22/9/2026 với lãi suất 6,8%/năm.
Đây là 3 trong 5 đợt phát hành trái phiếu mà LPBank dự kiến trước đó. Theo phương án ban đầu, LPBank sẽ phát hành trái phiếu thành 5 đợt vào tháng 9 và tháng 10/2023 với tổng khối lượng là 4.500 tỷ đồng. Mặc dù vậy, chỉ sau ba đợt phát hành, ngân hàng đã thu về 4.200 tỷ đồng từ trái phiếu riêng lẻ.
Các lô trái phiếu này đều có kỳ hạn 3 năm, đều là trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo và không kèm theo chứng quyền. LPBank dự kiến sử dụng nguồn tiền từ phát hành trái phiếu để bổ sung vốn huy động trung và dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn trung dài hạn của khách hàng.
Đáng chú ý, cũng trong 6 tháng đầu năm 2023, LPBank tăng tốc mua lại trái phiếu doanh nghiệp, cơ cấu khoản nợ hoặc chuyển sang tài sản đảm bảo.
Theo đó, từ tháng 5/2023 đến tháng 7/2023, LPBank đã chi ra 7.000 tỷ đồng để mua lại trước hạn toàn bộ 8 lô trái phiếu được phát hành vào năm 2021 – 2022 với kỳ hạn 3 năm, riêng lô trái phiếu mã LPBH2224002 có kỳ hạn 2 năm.
Mặt khác, vào ngày 10/7, LPBank cũng đã thông báo kết quả chào bán trái phiếu ra công chúng đợt 2.
Ngân hàng này chào bán tổng cộng gần 32,93 triệu trái phiếu ra công chúng với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, tương ứng với 3.293 tỷ đồng. Trong đó bao gồm hơn 29,4 triệu trái phiếu LPB7Y202203 kỳ hạn 7 năm và gần 3,5 triệu trái phiếu LPB10Y202204 kỳ hạn 10 năm.
Tuy nhiên, kết thúc đợt chào bán, ngân hàng này chỉ phân phối thành công gần 15,56 triệu trái phiếu, tương đương 47,24% lượng chào bán. Tổng số tiền LPBank thu được từ đợt chào bán là gần 1.556 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, ngân hàng thu ròng hơn 1.555 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2023, tính đến thời điểm 30/6/2023, tổng tài sản tại LPBank đạt hơn 350.242 tỷ đồng, tăng khoảng 6,86% so với hồi đầu năm nay. Trong đó, dư nợ cho vay đạt gần 249.000 tỷ đồng, tăng 7,9%. Huy động vốn tăng 3,8% lên hơn 224.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, nợ xấu tại LPBank tính đến ngày 30/6/2023 tăng vọt 80% so với đầu năm, tương ứng tăng hơn 2.700 tỷ đồng, từ hơn 3.426 tỷ đồng lên hơn 6.156 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng từ 1.069 tỷ lên gần 1.794 tỷ đồng, tương ứng tăng 68% so với đầu năm; Nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng 1.004 tỷ lên mức hơn 1.686 tỷ đồng (tăng 68%) và nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng vọt 98%, từ hơn 1.352 tỷ đồng lên hơn 2.676 tỷ đồng.
Do đó, kéo tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng tại LPBank tăng từ 1,46% hồi đầu năm lên mức 2,43%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm so với đầu năm.
Chưa kể, nhà băng này còn đang "sở hữu" hơn 4.270 tỷ đồng nợ cần chú ý (nợ nhóm 2 - với khoản vay quá hạn 10-90 ngày) tính đến cuối tháng 6/2023, tương đương tăng 61% so với đầu năm. Nợ nhóm 2 dù chưa được xếp vào nợ xấu nhưng tình trạng dư nợ khoản vay quá hạn tăng cho thấy nhiều người đi vay không có khả năng trả nợ đúng hạn, tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu trong tương lai của ngân hàng.
Tính đến hết quý II/2023, LPBank đang ghi nhận hơn 224.100 tỷ đồng tiền gửi của khách hàng, tăng 3,8% so với thời điểm đầu năm. Cùng với đó, nhà băng này đang cho vay gần 253.400 tỷ đồng, tăng 7,6% so với thời điểm đầu năm nay.
Trước đó, trong Đại hội cổ đông diễn ra vào cuối tháng 4, lãnh đạo Lienvietpostbank cho biết phần lớn danh mục trái phiếu ngân hàng đầu tư là trái phiếu Chính phủ và một phần nhỏ trái phiếu của các tổ chức tín dụng uy tín trên thị trường. Trong cơ cấu tín dụng của ngân hàng, chủ đạo là cho vay nông nghiệp nông thôn, dư nợ bất động sản chỉ chiếm 15% tổng dư nợ.
Một điểm đáng chú ý trong BCTC soát xét 6 tháng đầu năm 2023 của LPBank là các khoản phải thu tăng cao. Theo đó, các khoản phải thu trong mục tài sản có khác của LPBank tính đến 30/6/2023 tăng gấp 4,6 lần so với đầu năm, từ 2.186 tỷ đồng tăng lên 10.131 tỷ đồng, tương đương tăng gần 8.000 tỷ đồng chỉ trong 6 tháng qua.
Về kết quả kinh doanh, lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng đầu năm 2023 của LPBank đã sụt giảm 32% so với cùng kỳ. Hai yếu tố ảnh hưởng lớn nhất tới lợi nhuận của nhà băng này là thu nhập lãi thuần giảm và khoản lỗ từ chứng khoán đầu tư.
Hoàng Trang