Từ đầu năm đến nay, ngân hàng OCB đã vay 3.400 tỷ đồng qua kênh trái phiếu với 4 đợt phát hành. Tất cả đều có kỳ hạn 3 năm.
Từ đầu năm đến nay, ngân hàng OCB đã vay 3.400 tỷ đồng qua kênh trái phiếu với 4 đợt phát hành. Tất cả đều có kỳ hạn 3 năm.
Mới đây, Ngân hàng TMCP Phương Đông (HOSE: OCB) đã phát hành riêng lẻ thành công lô trái phiếu thứ tư kể từ đầu năm 2022 tới nay.
Cụ thể, lô trái phiếu này có tổng giá trị 300 tỷ đồng được phát hành và hoàn tất chào bán vào ngày 14/6/2022 có kỳ hạn 3 năm.
Trước đó, ngân hàng OCB cũng đã phát hành thành công lô trái phiếu kỳ hạn 3 năm với tổng giá trị 500 tỷ đồng. Ngày phát hành và ngày hoàn tất chào bán trái phiếu là 10/6/2022.
Như vậy, chưa đầy 1 tuần, OCB đã huy động thêm 800 tỷ đồng qua kênh trái phiếu.
Ngày 12/5, ngân hàng OCB công bố phát hành thành công lô trái phiếu có tổng giá trị 600 tỷ đồng kỳ hạn 3 năm. Trước đó, ngày 5/5, nhà băng này cũng đã phát hành thành công lô trái phiếu có giá trị 2.000 tỷ đồng cũng có kỳ hạn 3 năm.
Tính từ đầu năm đến nay, OCB đã huy động được tổng cộng 3.400 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn 3 năm. Tuy nhiên, các thông tin về lãi suất, mục đích, loại trái phiếu và bên mua không được ngân hàng tiết lộ.
Nhìn vào lượng trái phiếu mà ngân hàng OCB phát hành thời gian gần đây, có thể thấy, đa phần phát hành trái phiếu kỳ hạn 3 năm. Điều này cho thấy, khả năng cao ngân hàng đang thiếu hụt nguồn vốn trung, dài hạn tạm thời.
Chuyên gia tài chính – ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu từng cho biết, từ năm 2020 đến nay, việc áp dụng giãn,hoãn trả nợ hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch theo Thông tư 01 và 03 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã khiến một lượng lớn dòng tiền trả nợ của doanh nghiệp không về ngân hàng, nên một phần vốn của ngân hàng bị thiếu hụt và phải tăng phát hành trái phiếu riêng lẻ để bù đắp. Hơn nữa, nhu cầu về tăng vốn của các ngân hàng luôn thường trực, khi đa phần vốn chủ sở hữu còn mỏng, tín dụng tăng nhanh trước yêu cầu hồi phục kinh tế… sẽ làm ảnh hưởng đến tỷ lệ an toàn vốn (CAR), nên các ngân hàng phải gia cố tỷ lệ này khi đáp ứng tiêu chuẩn Basel II.
Cuối tháng 5 vừa qua, NHNN chấp thuận việc OCB tăng vốn điều lệ tối đa thêm 58,8 tỷ đồng. Trong đó tăng vốn điều lệ thêm 50 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu ESOP và 8,8 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài (Ngân hàng Aozora, Nhật Bản) theo phương án tăng vốn điều lệ đã được ĐHĐCĐ thông qua.
Sau khi hoàn tất, vốn điều lệ OCB sẽ tăng lên 17.758 tỷ đồng. Thời gian thực hiện là 12 tháng kể từ ngày NHNN có văn bản chấp thuận trong OCB tăng vốn điều lệ.
Trước đó, ngày 12/1, OCB phát hành 5 triệu cổ phiếu theo phương án phát hành ESOP với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phần mới phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động chịu hạn chế chuyển nhượng 4 năm kể từ ngày phát hành, sau mỗi năm được chuyển nhượng 25%.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2022, OCB cũng thông qua việc phát hành 413 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ 30%. Nguồn vốn thực hiện chia thưởng được trích từ các nguồn thuộc vốn chủ sở hữu đã được kiểm toán tại ngày 31/12/2021. Thời gian thực hiện đợt phát hành này trong năm 2022.
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu OCB từ đầu năm đến nay giảm theo đà chung của thị trường. Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/6, cổ phiếu OCB giao dịch ở mức 16.900 đồng/cp, giảm 40% so với thời điểm đầu năm (4/1/2022).
Mới đây nhất, giữa lúc giá cổ phiếu đang lao dốc, hai con gái Chủ tịch ngân hàng OCB ông Trịnh Văn Tuấn 'sang tay' hơn 51 triệu cổ phiếu.
Cụ thể, bà Mai Phương Paula đăng ký bán 51,3 triệu cổ phiếu với tổng giá trị 513 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 3,75% với mục đích tài chính cá nhân. Tỷ lệ nắm giữ sau khi giao dịch là 0%.
Bà Trịnh Mai Vân đăng ký mua 51,3 triệu cổ phiếu trên, tổng giá trị 513 tỷ đồng, trước đó bà Vân không nắm giữ cổ phiếu nào của OCB. Thời gian dự kiến thực hiện giao dịch là từ 21/6 đến 20/7.
Ông Trịnh Văn Tuấn hiện đang nắm giữ 60,7 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 4,43%. Và bà Trịnh Thị Mai Anh, Thành viên HĐQT và cũng là con gái ông Tuấn nắm giữ 40,2 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 2,94%.
Trong quý 1/2022, ngân hàng OCB đã trích gần 435 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, tăng vọt 210% so với cùng kỳ. Do đó, lợi nhuận trước và sau thuế đều giảm tới 34% chỉ mang về lần lượt gần 836 tỷ đồng và 668 tỷ đồng.
Lợi nhuận lao dốc, nợ xấu tại OCB cũng tăng vọt. Tổng nợ xấu tại thời điểm 31/3/2022 tăng tới 87% lên hơn 6.895 tỷ đồng, tương đương tăng thêm hơn 3.000 tỷ đồng.
Trong cơ cấu nhóm nợ xấu tại OCB, nợ nghi ngờ tăng mạnh nhất 140% so với đầu năm, lên hơn 698 tỷ đồng; tiếp đến là nợ dưới tiêu chuẩn tăng tới 79% lên hơn 583 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn tăng 38% cán mốc hơn 1.011 tỷ đồng. Do đó, kéo tỷ lệ nợ xấu tại OCB từ 1,32% hồi đầu năm lên 2,17%.
Đáng chú ý, nợ cần chú ý (nợ nhóm 2 - với khoản vay quá hạn 10-90 ngày) tại OCB trong 3 tháng đầu năm cũng tăng vọt 97% so với đầu năm, tương đương tăng thêm 2.265 tỷ đồng, lên mức hơn 4.601 tỷ đồng.
Theo Hà Phương/Sở hữu trí tuệ
Link nguồn: https://sohuutritue.net.vn/ngan-hang-ocb-da-vay-hon-3000-ty-dong-qua-kenh-trai-phieu-d144155.html