Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024 tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB - Mã: OCB) cho thấy, lợi nhuận sau thuế đạt 440 tỷ đồng, giảm tới 67% so với cùng kỳ.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024 tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB - Mã: OCB) cho thấy, lợi nhuận sau thuế đạt 440 tỷ đồng, giảm tới 67% so với cùng kỳ.
Theo số liệu Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024, tính chung 9 tháng đầu năm 2024, lợi nhuận sau thuế tại OCB giảm hơn 1.100 tỷ đồng, tương đương giảm gần 35% so với cùng kỳ, đạt hơn 2.017 tỷ đồng.
Một trong những nguyên nhân chính khiến lợi nhuận tại OCB giảm sâu là chi phí tăng mạnh, đặc biệt là chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Ngoài ra, các nguồn thu ngoài lãi sụt giảm mạnh.
Cụ thể, quý III/2024, thu nhập lãi thuần - nguồn thu nhập chính tăng gần 11% đạt hơn 2.064 tỷ đồng. Các nguồn thu ngoài lãi tại OCB sụt giảm mạnh. Trong đó, chỉ duy nhất lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 16% đạt gần 199 tỷ đồng. Ngược lại, kinh doanh ngoại hối giảm mạnh 62% xuống còn 65,8 tỷ đồng; chứng khoán đầu tư lỗ gần 33 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi gần 220 tỷ đồng; hoạt động kinh doanh khác cũng lỗ hơn 4 tỷ đồng (cùng kỳ 2023 lãi 37 tỷ đồng) và chứng khoán kinh doanh không ghi nhận doanh thu.
Kết quả, tổng thu nhập hoạt động của OCB giảm 7% so với cùng kỳ, mang về hơn 2.291 tỷ đồng.
Thêm vào đó, chi phí hoạt động trong kỳ tăng 14% lên hơn 918 tỷ đồng. Vì vậy, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng OCB giảm hơn 17% xuống còn 1.373 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong quý III chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh 199% so với cùng kỳ, lên mức 933 tỷ đồng. Do đó lợi nhuận tại OCB "bốc hơi" hơn 67% còn 440 tỷ đồng lãi sau thuế.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, thu nhập lãi thuần cũng tăng nhẹ hơn 9% so với cùng kỳ, đạt hơn 5.952 tỷ đồng.
Tổng thu nhập hoạt động đạt 6.851 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ. Nguyên nhân do các nguồn thu ngoài lãi tăng trưởng kém như lãi thuần hoạt động dịch vụ giảm 14% còn 468 tỷ đồng; chứng khoán kinh doanh giảm đến 75% còn vài trăm triệu; chứng khoán đầu tư lỗ hơn 122 tỷ đồng; kinh doanh ngoại hối chỉ tăng nhẹ 1% đạt hơn 288 tỷ đồng; chỉ có hoạt động kinh doanh khác lãi hơn 262 tỷ đồng, tăng tới 157%.
Bên cạnh đó, chi phí hoạt động trong 9 tháng đầu năm tăng 23% lên hơn 2.742 tỷ đồng khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tại OCB giảm hơn 12%, thu về 4.109 tỷ đồng. Cộng thêm trích lập dự phòng rủi ro tín dụng gần 1.556 tỷ đồng, tăng gần 99% so với cùng kỳ. Do đó, lợi nhuận sau thuế tại OCB giảm hơn 35%, chỉ đạt hơn 2.017 tỷ đồng.
Lợi nhuận sụt giảm chỉ thu về hơn 2.017 tỷ đồng, ngân hàng OCB còn đang "sở hữu" hơn 2.459 tỷ đồng các khoản lãi và phí phải thu (hay gọi là lãi dự thu).
Tính đến 30/9/2024, tổng tài sản của OCB đạt 265.501 tỷ đồng, tăng 10,57% so với đầu năm. Cho vay khách hàng tăng 7,25%, đạt 157.877 tỷ đồng, trong khi tiền gửi khách hàng tăng 8,41%, đạt 136.535 tỷ đồng. Tỷ lệ cho vay/tiền gửi của ngân hàng hiện ở mức khá cao, 115,6%.
Dư nợ tín dụng tại OCB tập trung, tăng mạnh tại hai phân khúc chiến lược khách hàng cá nhân (RB) và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) với mức tăng lần lượt 6,9% và 25,9%.
Chất lượng tín dụng tại ngân hàng OCB có dấu hiệu đi xuống rõ rệt khi nợ xấu tính đến 30/9/2024 tăng 29% so với đầu năm, lên mức gần 5.037 tỷ đồng. Trong đó, có tới 2.325 tỷ đồng là nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5), tăng 38% so với đầu năm; hơn 1.496 tỷ đồng là nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4), tăng 19% và hơn 1.214 tỷ đồng là nợ dưới tiêu chuẩn, tăng 26%. Do đó, kéo tỷ lệ nợ xấu tại OCB chính thức vượt ngưỡng quy định của Ngân hàng nhà nước, tăng từ 2,65% hồi đầu năm lên 3,19%.
Chi tiết các nhóm nợ tại ngân hàng OCB (nguồn: BCTC hợp nhất quý III/2024).
Ngoài ra, ngân hàng OCB còn có hơn 4.533 tỷ đồng dư nợ cần chú ý (nợ nhóm 2), tăng tới 44% so với đầu năm. Mặc dù chưa được liệt vào danh sách nợ xấu, tuy nhiên với việc nợ nhóm 2 tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm, cho thấy khả năng có thể trở thành nợ xấu là rất cao.
Ngân hàng cho biết luôn chú trọng trong việc quản lý chất lượng tài sản, chủ động đưa ra phương án xử lý đối với khoản vay có vấn đề, đa dạng hóa danh mục tín dụng, giảm rủi ro trong giai đoạn khó khăn.
Sau cơn bão Yagi, để kịp thời hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, khôi phục lại sản xuất kinh doanh, OCB xem xét đưa ra nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ phù hợp, tùy mức độ thiệt hại của từng khách hàng. Chi phí dự phòng lũy kế 9 tháng đầu năm 2024 ghi nhận tăng 773 tỷ so với cùng kỳ, nhằm tăng bộ đệm, đảm bảo hoạt động của ngân hàng trước thực trạng nợ xấu vẫn có xu hướng đi lên bởi ảnh hưởng chung của thị trường.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024, tính đến 30/9, ngân hàng OCB đang nắm giữ hơn 3.900 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, tăng nhẹ so với thời điểm đầu năm.
Mới đây nhất, ngày 5/11, OCB công bố nghị quyết Hội đồng quản trị về việc chào bán và phát hành trái phiếu riêng lẻ lần thứ 2 trong năm 2024.
Cụ thể, OCB dự kiến phát hành tối đa 13.200 tỷ đồng trái phiếu, mệnh giá tương ứng một tỷ đồng/trái phiếu. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền hoặc không có bảo đảm/bảo lãnh thanh toán, kỳ hạn một năm kể từ ngày phát hành.
Theo kế hoạch, lượng trái phiếu này sẽ được phát hành trong 13 đợt, giá trị mỗi đợt từ 1.000 – 1.200 tỷ đồng trong quý IV/2024. Đối tượng chào bán là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật.
Trái phiếu được phát hành theo hình thức đại lý phát hành, bán trực tiếp cho nhà đầu tư hoặc phương thức khác và được chào bán riêng lẻ. Số tiền thu về từ phát hành trái phiếu sẽ được dùng để cho vay, đầu tư hoặc sử dụng cho mục đích khác phù hợp với quy định hiện hành.
Trước đó, cập nhật theo dữ liệu từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), OCB đã phát hành tổng cộng ba lô trái phiếu trong tháng 10. Cụ thể, ngày 9/10 và 16/10 ngân hàng phát hành hai lô trái phiếu có cùng khối lượng là 500 trái phiếu thuộc mã OCBL2427018 và OCBL2427019, mệnh giá một tỷ đồng/trái phiếu, cùng kỳ hạn 3 năm.
Ngày 30/10, OCB đã phát hành 1.000 trái phiếu mã OCBL2427020, mệnh giá một tỷ đồng/trái phiếu, tương ứng giá trị phát hành của lô trái phiếu này là 1.000 tỷ đồng, lãi suất 5,1%/năm, dự kiến đáo hạn 30/10/2027.
Hoàng Trang