Quý 3/2021 và 9 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp dược phẩm ghi nhận lãi tăng mạnh nhờ các sản phẩm hỗ trợ điều trị và phòng, chống Covid-19. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngậm ngùi báo lãi giảm, thậm chí báo lỗ nặng.
Quý 3/2021 và 9 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp dược phẩm ghi nhận lãi tăng mạnh nhờ các sản phẩm hỗ trợ điều trị và phòng, chống Covid-19. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngậm ngùi báo lãi giảm, thậm chí báo lỗ nặng.
Bức tranh kinh doanh trong quý 3 và 9 tháng đầu năm 2021 của nhiều doanh nghiệp dược phẩm hoàn toàn đối lập nhau, có doanh nghiệp ghi nhận lãi tăng mạnh nhờ các sản phẩm hỗ trợ điều trị và phòng, chống Covid-19 nhưng vẫn có nơi lại sụt giảm mạnh với lý do đại dịch, thậm chí là thua lỗ.
Nhiều doanh nghiệp dược phẩm 'nằm đáy'
Theo báo cáo tài chình hợp nhất quý III/2021 của Dược phẩm Imexpharm (IMP) vừa công bố, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thị trường bị ngưng trệ làm cho doanh thu sụt giảm, chi phí đầu vào tăng. Lãi ròng quý 3/2021 theo đó giảm 38% so cùng kỳ, đem về 31 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng năm 2021, doanh thu thuần của Imexpharm giảm nhẹ xuống 870 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 122,5 tỷ đồng, giảm gần 14% so với 9 tháng năm 2020.
Cùng cảnh ngộ, do phải tạm ngưng hoạt động sản xuất kinh doanh theo quy định của Thành phố HCM, Dược phẩm Dược liệu Pharmedic (PMC) cũng ngậm ngùi báo doanh thu quý 3/2021 giảm 59%, còn 46 tỷ đồng và lãi sau thuế giảm mạnh 84% xuống còn vỏn vẹn 3 tỷ đồng.
Còn tại Pymepharco (PME) ghi nhận kinh doanh đi ngang trong quý 3/2021 với doanh thu 468 tỷ đồng và lãi ròng 79 tỷ đồng. Tính chung 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp này báo lãi ròng đạt 244 tỷ đồng, tăng 12%.
Thậm chí, còn có doanh nghiệp dược phẩm báo lỗ nặng. Chẳng hạn quý 3/2021 Dược phẩm TW 25 (UPH) ghi nhận doanh thu giảm mạnh 33% xuống còn hơn 29 tỷ đồng và lỗ sau thuế lỗ hơn 3 tỷ đồng (cùng kỳ 2020 lỗ 2,8 tỷ đồng). Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, UPH lỗ sau thuế hơn 6 tỷ trong khi cùng kỳ 2020 lỗ gần 4 tỷ Nguyên nhân do dịch bệnh làm ảnh hưởng đến khả năng vận chuyển lưu thông hàng hóa cũng như sức tiêu thụ các mặt hàng của Công ty.
Còn tại Dược Lâm Đồng (LDP), doanh thu thuần quý 3/2021 giảm 43% so với cùng kỳ, xuống còn gần 34 tỷ đồng; lỗ sau thuế hơn 5 tỷ đồng (mức lỗ này đã giảm so với cùng kỳ 2020).
Được biết, do kết quả trúng thầu năm nay thấp hơn năm trước và việc thực hiện giãn cách xã hội khiến doanh thu hàng thương mại bị sụt giảm mạnh. Ngoài ra, các mặt hàng sản xuát của Ladophar (trà, TPCN,...) không phải mặt hàng thiết yếu trong giai đoạn này. Vì vậy, doanh thu hàng sản xuất giảm mạnh, điều này gây ảnh hưởng trong khâu sản xuất dẫn đến lợi nhuận gộp giảm đến 65%.
Vẫn có doanh nghiệp dược phẩm lãi ‘nhờ’ dịch Covid -19
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2021 của CTCP Traphaco (HOSE: TRA) cho biết, doanh thu quý 3/2021 đạt 571 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 71 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, công ty đạt 1.596 tỷ đồng doanh thu, tăng 21,9%; lợi nhuận sau thuế đạt 195,9 tỷ đồng, tăng 38,5% so với cùng kỳ.
Giải trình kết quả kinh doanh, đại diện Traphaco cho biết đã áp dụng công nghệ từ trước và có kho dữ liệu lớn xây dựng gần 6 năm, có thể dự báo mức độ các khu vực bị ảnh hưởng doanh số, mức độ tồn hàng tại mỗi nơi để có phương án luân chuyển hàng tới khu vực có nhu cầu cao, không để tình trạng kệ trống thuốc.
Nhờ các sản phẩm hỗ trợ điều trị và phòng, chống dịch Covid-19, lợi nhuận Công ty Xuất nhập khẩu Y Tế Domesco (DMC) cũng tăng gần một nửa. Trong quý 3/2021, Domesco đạt gần 388 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 17%; lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 39 tỷ đồng, tăng gần 44% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, Domesco đạt hơn 1.040 tỷ đồng doanh thu và 105 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Tương tự, CTCP Dược phẩm OPC (OPC) cũng duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận 2 con số. Cụ thể, doanh thu quý III đạt 299 tỷ đồng, tăng 40% so với quý III/2020. Lợi nhuận công ty đạt 117 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 79 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, OPC ghi nhận 774 tỷ doanh thu, tăng 15% và 89,5 tỷ lợi nhuận sau thuế, tăng mạnh so với mức 77 tỷ cùng kỳ.
Đóng vai trò gạo cội trong ngành, Tổng Công ty Dược Việt Nam (DVN) cũng có quý kinh doanh khả quan với lãi ròng 45 tỷ đồng, tăng 49% so cùng kỳ. Kết quả của DVN chủ yếu nhờ việc tiết giảm chi phí, nhất là chi phí tài chính thu hẹp 88% về chỉ còn chưa đầy 6 tỷ đồng.
"Ông lớn" ngành dược là Dược Hậu Giang (DHG) cũng ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế quý 3/2021 tăng trưởng 9,2% và 21% so với cùng kỳ năm 2020, đạt lần lượt 944 tỷ đồng và 201 tỷ đồng.
Kết thúc giai đoạn 9 tháng đầu năm 2021, DHG ghi nhận doanh thu đạt 2.910 tỷ đồng, tăng 14% so cùng kỳ và hoàn thành 73% kế hoạch năm. Công ty báo lãi trước thuế 675 tỷ đồng và lãi ròng 606 tỷ đồng, tăng 15% so cùng kỳ và thực hiện 82% kế hoạch.
Đặc biệt, Dược phẩm Trung Ương 1- Pharbaco (PBC) ghi nhận doanh thu quý 3/2021 tăng 48% lên hơn 190 tỷ đồng; lãi sau thuế gần 7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ vỏn vẹn 4 triệu đồng. Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, PBC ghi nhận 666 tỷ đồng doanh thu, tăng 32%; lãi ròng 33 tỷ đồng, tăng 390%. Qua đó hoàn thành 70% kế hoạch lợi nhuận năm 2021.
Theo báo cáo cập nhật tháng 10/2021 của SSI Reasearch, rất ít doanh nghiệp ngành dược trong nước được hưởng lợi từ hoạt động nhập khẩu vaccine hoặc thuốc điều trị Covid. Mặc dù nhiều công ty dược Việt Nam đã thông báo được Chính phủ cho phép nhập khẩu vaccine, nhưng đến nay chỉ có VNVC thực hiện được do quy trình nhập khẩu rất phức tạp trong khi nguồn cung vaccine khan hiếm.
SSI Research nhận định nhu cầu rất thấp trong năm 2021 sẽ là động lực cho tăng trưởng bất ngờ trong năm 2022 của ngành dược. Trong năm 2022, với khả năng cao mở cửa trở lại một phần hoặc toàn bộ, cùng với tỷ lệ tiêm chủng ngày càng mở rộng trong toàn dân Việt Nam, các công ty dược sẽ đạt được kết quả lợi nhuận phục hồi mạnh mẽ và có thể đạt mức trước dịch Covid.
Theo Hoàng Long - Huy Tùng/PetroTimes
Link nguồn: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/loi-nhuan-doanh-nghiep-duoc-pham-thang-tram-mua-covid-19-631272.html