Mở đầu mùa báo cáo tài chính quý 3/2021, loạt doanh nghiệp điện 'lũ lượt' báo lỗ nặng.
Mở đầu mùa báo cáo tài chính quý 3/2021, loạt doanh nghiệp điện 'lũ lượt' báo lỗ nặng.
Loạt doanh nghiệp điện báo lỗ
Mới đây, CTCP Nhiệt điện Phả Lại (HOSE: PPC) vừa công bố cáo tài chính riêng quý 3/2021 với con số lỗ ròng trên 35 tỷ đồng.
Cụ thể, trong quý 3/2021, Công ty mẹ PPC ghi nhận doanh thu giảm 33% xuống còn 1.049 tỷ đồng; kinh doanh dưới giá vốn khiến đơn vị này lỗ gộp 44 tỷ đồng. Tuy doanh thu tài chính tăng 29% nhưng không đủ giúp Công ty mẹ PPC tránh khỏi thua lỗ hơn 35 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2020 lãi sau thuế hơn 90 tỷ đồng.
Tính chung 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp điện này ghi nhận doanh thu thuần giảm 45% xuống còn hơn 3.346 tỷ đồng; lãi trước và sau thuế giảm 62% và 56%, đều đạt hơn 223 tỷ đồng.
Cùng thời điểm, CTCP Đầu tư Điện lực 3 (PIC) ngậm ngùi báo lỗ ròng hơn 3 tỷ trong quý 3/2021. Tuy nhiên, tính chung trong 9 tháng đầu năm 2021, PIC lãi ròng gần 14 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 5 tỷ đồng.
Trước đó, CTCP Đầu tư và Phát triển Điện Miền Bắc 2 (ND2) đạt gần 147 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn biến động nghịch chiều, tăng 6% khiến lợi nhuận gộp giảm 15%, còn hơn 115 tỷ đồng. Biên lãi gộp của ND2 giảm từ 82,3% xuống còn 78,8%.
Do vậy, mặc dù chi phí lãi vay và chi phí quản lý đều lần lượt giảm 17% và 33% so với cùng kỳ nhưng lãi ròng của ND2 vẫn giảm 13%, còn hơn 85,4 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, ND2 ghi nhận lãi ròng gần 105 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ năm trước cũng chủ yếu do doanh thu giảm nhưng giá vốn tăng.
Cùng hoàn cảnh, CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (HND) bất ngờ báo lãi trước và sau thuế quý 3/2021 giảm đến 96% so cùng kỳ, chỉ đem về trên 6 tỷ đồng. Do giá điện, sản lượng điện hợp đồng Qc giảm dẫn đến doanh thu đi lùi 4%, ở mức 2.195 tỷ đồng. Trong khi đó, giá vốn vẫn tăng 7% do sản lượng tăng. Điều này khiến lãi gộp của Công ty co lại đến 87%, về còn chưa đến 36 tỷ đồng.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2021 với doanh thu thuần tại HND đạt 6.809 tỷ đồng và lãi sau thuế 183 tỷ đồng, lần lượt giảm 19% và 80% so cùng kỳ.
Mới đây nhất, CTCP Thủy điện Bắc Hà (BHA) cho biết doanh thu quý 3/2021 ghi nhận 112 tỷ đồng, giảm 30% so cùng kỳ. Lợi nhuận gộp đem về 84 tỷ đồng, giảm 15% so với quý 3 năm trước. Khấu trừ các chi phí và thuế, BHA báo lãi ròng quý 3/2021 trên 48 tỷ đồng, giảm 30% so cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021 doanh thu thuần giảm nhẹ 2% còn 201,7 tỷ đồng; lãi trước và sau thuế đạt 23 tỷ đồng và 22 tỷ đồng, lần lượt giảm 20% và 24%.
Nội tình ra sao?
Nhiệt điện Phả Lại cho biết sản lượng điện sản xuất quý 3/2021 thấp hơn 421 triệu KWh so với cùng kỳ 2020, do vậy doanh thu từ sản xuất điện thấp. Ngoài ra, suất tiêu hao nhiên liệu tăng so với cùng kỳ 2020, do vậy chi phí nhiên liệu tiêu bao tăng so với cùng kỳ. Đặc biệt, chi phí sửa chữa lớn trong kỳ là chi phí tạm trích và sẽ được điều chỉnh vào quý 4 đảm bảo chi phí sửa chữa lớn của năm là chi phí thực tế của năm.
Còn nguyên nhân giảm tại Điện Miền Bắc 2 do doanh nghiệp sản xuất điện (thủy điện) doanh thu sản xuất điện hoàn toàn phụ thuộc vài thủy văn. Nhìn chung quý 3 năm nay lượng mưa ít hơn so với cùng kỳ 2020. Sản lượng quý 3/2021 thấp hơn so với quý 3/2020 là 23.132.229 Kwh.
Phía Nhiệt điện Hải Phòng cho biết mặc dù sản lượng phát quý 3/2021 cao hơn cùng kỳ như do giá điện, sản lượng điện hợp đồng Qc giảm so với cùng kỳ dẫn đến doanh thu giảm.
Trước đó, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết, nhiệt điện hồi phục lại một phần trong tháng 6, tháng 7 do nhu cầu sử dụng điện tăng nhất là trong những ngày nắng nóng.
Tuy nhiên, VCBS cảnh báo đây vẫn là một năm không khả quan đối với các công ty nhiệt điện, nhất là các nhà máy nhiệt điện khí phía nam với giá đầu vào gia tăng và sản lượng điện thấp, giá bán thị trường lại không cao, cùng với đó là nhu cầu sụt giảm do phong tỏa bởi Covid 19.
Công ty Chứng khoán SSI từng đánh giá, trong bối cảnh giá khí tăng, giá bán bình quân từ các nhà máy điện khí từ đầu năm 2021 cao hơn các nhà máy điện than, khiến các nhà máy điện khí trở nên kém cạnh tranh.
Đặc biệt, đợt dịch Covid-19 thứ tư bùng phát, nhất là tại các trung tâm kinh tế lớn như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương…, làm nhu cầu về điện sụt giảm. Nhiều doanh nghiệp lo ngại, nếu các khu công nghiệp, nhà máy sản xuất tạm dừng hoạt động quá lâu, áp lực lên tổng sản lượng thị trường bán buôn điện của các doanh nghiệp điện sẽ ngày càng lớn.
Tính riêng 2 ngày đầu tiên (19 - 20/7) thực hiện giãn cách xã hội nhằm phòng chống dịch Covid-19 với 19 tỉnh/thành phố phía Nam, công suất đỉnh của toàn hệ thống điện miền Nam đã giảm gần 3.000 MW. Mức độ tiêu thụ điện ở khu vực miền Nam giảm khoảng 17% về công suất đỉnh và giảm 15% về sản lượng điện so với mức trung bình ngày thường của tuần trước đó.
Theo Huy Tùng - Hoàng Long/petrotimes.vn
Link nguồn: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/loat-doanh-nghiep-dien-ngam-ngui-bao-lo-629658.html