Theo báo cáo tài chính vừa mới công bố, dù là doanh nghiệp có doanh thu nghìn tỷ nhưng Thế giới Di động (MWG) cũng đang phải đối mặt với con số hàng tồn kho khủng lồ và nợ vay tài chính không hề nhỏ.
Theo báo cáo tài chính vừa mới công bố, dù là doanh nghiệp có doanh thu nghìn tỷ nhưng Thế giới Di động (MWG) cũng đang phải đối mặt với con số hàng tồn kho khủng lồ và nợ vay tài chính không hề nhỏ.
Lợi nhuận tại MWG ‘đẹp mắt’
Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (Mã: MWG) tiền thân là Công ty TNHH Thế giới Di động thành lập vào tháng 3/2004. Tới năm 2007, tiếp nhận vốn đầu tư của quỹ Mekong Capital, công ty chuyển đổi sang hình thức công ty cổ phần và đến năm 2009 Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động được thành lập.
Trải qua gần 12 năm phát triển, MWG hiện đứng số 1 Việt Nam về thị phần bán lẻ điện thoại di động. Không chỉ "làm mưa làm gió" mảng bán lẻ điện thoại, Công ty lấn sang mảng điện máy với chuỗi Điện máy Xanh (ĐMX) với tốc độ tăng trưởng chóng mặt cả về số lượng cửa hàng và doanh thu.
Trong cơ cấu doanh thu 9 tháng đầu năm 2021, ĐMX đóng góp phần lớn khi chiếm 50% dù tăng trưởng âm 2% so cùng kỳ với số lượng cửa hàng đạt 1.781 tỷ đồng.
Thế giới di động (TGDĐ) và ĐMX đóng góp 63.900 tỷ đồng doanh thu lũy kế 9 tháng, giảm 3% so cùng kỳ.
Ngoài mảng điện máy, công ty đã chính thức mua lại chuỗi dược phẩm Phúc An Khang, để lấn sân sang ngành dược phẩm. Phúc An Khang là chuỗi bán lẻ dược phẩm được thành lập từ năm 2006 với khoảng 20 cửa hàng tại TP.HCM. Tại ngày 30/09/2021, An Khang có 119 nhà thuốc đang hoạt động. Doanh thu lũy kế của An Khang gấp 5 lần so với 9 tháng đầu năm 2020.
Năm 2015, MWG tiếp tục thành lập Bách Hóa Xanh (BHX). Dù đang vướng lùm xùm với khách hàng trong mùa dịch, song BHX vẫn có mức tăng trưởng 50%, ghi nhận doanh thu lũy kế 9 tháng hơn 22.600 tỷ đồng, song chỉ chiếm 26% trong cơ cấu doanh thu của MWG.
Ở mảng kinh doanh điện máy và điện thoại tại Campuchia, Bluetronics (thương hiệu thuộc MWG) hiện có 50 cửa hàng và đóng góp 0,4% doanh thu cho MWG, nhưng lại có mức tăng trưởng doanh thu cao nhất 263%.
Kết quả, MWG báo lãi ròng 9 tháng đầu năm 2021 tăng 12% so cùng kỳ, ghi nhận 3.336 tỷ đồng. Với con số này, Công ty đã thực hiện được 69% kế hoạch doanh thu (125.000 tỷ đồng) và 70% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm (4.750 tỷ đồng).
Mới đây, MWG vừa công bố tình hình kinh doanh tháng 10/2021, ghi nhận mức doanh thu kỷ lục hơn 12.000 tỷ đồng, cao nhất kể từ đầu năm. Doanh thu tháng này tăng 38% so với cùng kỳ và tăng 45% so với tháng 9/2021.
Vẫn đau đầu với hàng tồn kho?
MWG vừa công bố BCTC hợp nhất quý 3/2021 với hàng tồn kho hơn 21.556 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm, tương đương 62% tài sản ngắn hạn và 43% tổng tài sản.
Trong đó, đáng kể nhất là sản phẩm thiết bị điện tử gần 7.215 tỷ đồng; tiếp đến là điện thoại di động gần 4.317 tỷ đồng, tăng 23% so với đầu năm; thiết bị gia dụng tồn 3.591 tỷ đồng;… Đáng chú ý, mặt hàng máy tính xách tay tồn kho tăng vọt 52% lên hơn 741 tỷ đồng; hàng hóa khác tăng gấp 8,5 lần đầu năm, lên gần 546 tỷ đồng.
MWG đã trích lập một khoản dự phòng hàng tồn kho hơn 644 tỷ đồng, tăng 28% so với đầu năm.
Nhìn vào danh sách mặt hàng tồn kho của MWG có thể thấy, sản phẩm là các mặt hàng có tính chất khó bảo quản lâu ngày (chủ yếu là thực phẩm) hoặc những sản phẩm nhanh bị mất giá (như điện thoại, máy tính, thiết bị điện tử, đồng hồ,…).
Việc hàng tồn kho của MWG tăng nhanh một phần là do doanh nghiệp liên tục mở siêu thị mới trong thời gian qua. Đến nay, doanh nghiệp này đang sở hữu tổng cộng 4.715 cửa hàng. Trong đó, TGDĐ có 950 cửa hàng; ĐMX có 1.781 cửa hàng; BHX có 1.934 cửa hàng và Bluetronics (thương hiệu thuộc MWG ở mảng kinh doanh điện máy và điện thoại tại Campuchia) có 50 cửa hàng.
Hơn nữa, nguyên nhân khiến tồn kho của MWG tăng vọt đến từ nhóm hàng Thiết bị điện tử khi "vượt mặt" mặt hàng điện thoại di động trở thành nhóm có giá trị lớn nhất trong cơ cấu hàng tồn kho 7.215 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm, trong khi giá trị của điện thoại di động chỉ gần 4.317 tỷ đồng, tăng 23%.
Sự thay đổi trong cơ cấu hàng tồn kho diễn ra trong bối cảnh thị trường điện thoại đã bão hòa còn thị trường điện máy lên ngôi, các siêu thị ĐMX được mở rộng ồ ạt và kéo theo đó là nguồn hàng cũng phải tăng lên để đáp ứng cho các siêu thị.
Đáng chú ý, trong tháng 12 tới, MWG sẽ cho ra mắt thêm sản phẩm quần áo thời trang, đồ thể thao. Đây là những mặt hàng hoàn toàn khác với những gì đã bán trước đây.
Theo MWG, thời trang là mảng bán lẻ lớn, đặc biệt xuất hiện nhiều khoảng trống sau dịch bệnh. Công ty cho biết sẽ mở nhanh để lấy nhanh thị phần, nhưng việc tăng số lượng cửa hàng lên đến mức độ nào thì cần thời gian vận hành và đánh giá hiệu quả mới quyết định.
Được biết, chuỗi bán lẻ thời trang và các dự án mới không nằm trong kế hoạch phát triển. Tuy nhiên, trong giai đoạn nhiều cửa hàng hiện hữu đóng cửa vì dịch bệnh, ban lãnh đạo MWG đã nghĩ ra với mục tiêu "làm sao để doanh số năm nay ít thiệt hại nhất và năm tới vẫn có thể tăng trưởng?"
Thực tế, từ cuối năm 2019 đến nay, để chuẩn bị cho việc thị trường điện thoại và điện máy chững lại, MWG đã tận dụng và bán thêm loạt sản phẩm mới: Từ mắt kính, đồng hồ, nồi niêu xoong chảo… đến xe đạp và sắp tới là quần áo, đồ thể thao.
Với việc mở thêm chuỗi bán lẻ thời trang, dự báo lượng hàng tồn kho tại MWG trong tương lai sẽ còn tăng mạnh hơn nữa. Đáng nói, đây cũng là những mặt hàng nhanh mất giá.
Không chỉ hàng tồn kho tăng, vay nợ tại MWG cũng đang tăng đáng kể.
Cụ thể, tính đến 30/9/2021, doanh nghiệp này đang phải ‘gánh’ khoản vay nợ lên tới 18.064 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm. Trong đó, vay nợ tài chính ngắn hạn giảm nhẹ còn nợ vay dài hạn bất ngờ tăng vọt 246% so với đầu năm, lên hơn 3.898 tỷ đồng.
Về các khoản vay ngắn hạn của MWG có ngày đáo hạn dài nhất là đến tháng 6/2022 với 1.829 tỷ đồng từ Ngân hàng BNP Paribas chi nhánh Singapore. Còn lại là ngày đáo hạn trong năm 2021.
MWG cũng vay rất nhiều tại các ngân hàng. Trong đó phải kể tới, Ngân hàng TNHH MTV HSBC (Việt Nam) cho vay hơn 2.312 tỷ đồng; Ngân hàng TNHH MTV Standard (Việt Nam) cho vay 1.682 tỷ đồng; Ngân hàng BNP Paribas – Chi nhánh Singapore cho vay hơn 1.829 tỷ đồng; Ngân hàng TNHH Mizuho – chi nhánh Hà Nội hơn 1.331 tỷ đồng; Vietcombank cho vay 1.058 tỷ đồng; BIDV cho vay gần 1.000 tỷ đồng;…
Còn với khoản vay dài hạn, MWG chỉ vay tại ngân hàng TNHH MTV HSBC với số tiền hơn 2.768 tỷ đồng. Còn lại, doanh nghiệp này chỉ vay chủ yếu bằng trái phiếu trong nước tại Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam (470 tỷ), Manulife Việt Nam (480 tỷ), Bảo hiểm Nhân thọ AIA Việt Nam (100 tỷ), Bảo hiểm Nhân thọ Chubb Việt Nam (45 tỷ), Bảo hiểm Nhân thọ Sun Life Việt Nam (40 tỷ).
Theo Hà Phương - Huy Tùng/ petrotimes.vn
Link nguồn: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/loi-nhuan-dep-mat-mwg-con-dau-dau-voi-hang-ton-kho-632928.html