Nửa đầu năm 2021, MWG có trích trước 456 tỷ đồng tiền thuê cho các chủ nhà. PNJ đã chi hơn 137 tỷ đồng tiền thuê cửa hàng, trong khi chi phí thuê và sửa chữa cửa hàng tại FPT Retail là hơn 330 tỷ đồng.
Nửa đầu năm 2021, MWG có trích trước 456 tỷ đồng tiền thuê cho các chủ nhà. PNJ đã chi hơn 137 tỷ đồng tiền thuê cửa hàng, trong khi chi phí thuê và sửa chữa cửa hàng tại FPT Retail là hơn 330 tỷ đồng.
Lùm xùm chuyện Thế Giới Di Động đơn phương giảm phí thuê mặt bằng
Vừa qua, lùm xùm liên quan đến việc Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) tự động giảm tiền thuê mặt bằng dù chưa được đối tác đồng ý đang gây nhiều ý kiến trái chiều: Một bên cho rằng việc bị ảnh hưởng bởi Covid-19 là bất khả kháng và cần có sự hỗ trợ thiện chí với nhau, một bên lại không đồng ý cách làm đơn phương của doanh nghiệp.
Cụ thể, MWG cho biết Thế giới Di động/Điện máy Xanh bị tác động nặng trước biện pháp phòng chống dịch bệnh được triển khai mạnh mẽ trong tháng 7/2021, gần 2.000 cửa hàng phải tạm đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng. Theo đó, MWG gửi tới các đối tác mặt bằng, đề nghị được hỗ trợ với chi tiết:
"- KHÔNG TÍNH TIỀN THUÊ và không thanh toán 100% tiền thuê mặt bằng trong thời gian cửa hàng phải đóng cửa hoàn toàn, không kinh doanh theo yêu cầu bắt buộc của cơ quan Nhà nước.
- KHÔNG TÍNH TIỀN THUÊ 70% và thanh toán 30% tiền thuê mặt bằng trong thời gian cửa hàng bị hạn chế bán hàng để phối hợp phòng chống dịch.
Thời gian áp dụng từ 1/1 - 1/8/2021. Công văn đề nghị tiền thuê đã thanh toán sẽ cấn trừ vào các kỳ thanh toán tiếp theo, cũng như sẽ áp dụng cho đến hết hạn hợp đồng thuê nếu xảy ra các trường hợp bất khả kháng buộc cửa hàng phải tạm đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng".
Dù chưa được sự đồng ý, tuy nhiên đến tháng 9/2021, MWG có thông báo về thanh toán chi phí tiền thuê mặt bằng và tự chuyển khoản tiền thuê đã giảm.
Đây là công văn một chiều do MWG gửi đến số ít đối tác còn lại vẫn chưa thương lượng được. Ông M (chủ cho thuê mặt bằng tại địa chỉ 160A Trần Phú (tỉnh Bình Định)) gửi đơn phúc đáp bày tỏ sự không đồng ý với động thái trên.
Người này cho rằng quy định tại Hợp đồng thuê quyền sử dụng đất ký ngày 16/1/2020 giữa hai bên về việc Chi nhánh Thế giới Di động tại Bình Định thuê mặt bằng kinh doanh tại đại chỉ 160A Trần Phú, tỉnh Bình Định để mở cửa hàng kinh doanh, giá thuê được nêu rõ tại Điều 4 của Hợp đồng và Điều 9 Cam đoan của các bên không có điều khoản nào nêu rõ việc MWG được tự ý giảm giá thuê mặt bằng khi chưa có sự đồng ý của người thuê mặt bằng.
Thế giới Di động chi bao tiền thuê mặt bằng?
Thực tế, việc cắt giảm chi phí nằm trong chiến lược của ông chủ Thế Giới Di Động kể từ năm 2020-"năm Covid" đầu tiên.
Trong một lần chia sẻ, đại gia Nam Định Nguyễn Đức Tài cho biết, Thế Giới Di Động áp dụng chính sách "thắt lưng buộc bụng", "cái gì cắt được thì cắt", bao gồm cả tiền thuê mặt bằng cửa hàng. Theo tính toán của ông Tài, tỷ lệ thuê mặt bằng trên doanh thu của Thế Giới Di Động vào khoảng 1,5-2%.
Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2021, MWG đã chi hơn 456,5 tỷ đồng cho chi phí thuê cửa hàng, tăng 14% so với đầu năm. Trong đó có hơn 420 tỷ đồng ngắn hạn (dưới 1 năm) và 36,4 tỷ đồng dài hạn (trên 1 năm).
Tính đến cuối tháng 6/2021, MWG có tổng cộng 4.610 cửa hàng, tăng thêm 550 địa điểm so với hồi đầu năm. Vì đang trong giai đoạn mở rộng các chuỗi nên số tiền trích trước chi phí thuê mặt bằng có xu hướng tăng lên trong các năm gần đây
Tuy nhiên, nếu nhìn vào kết quả kinh doanh của MWG trong năm 2020 và 8 tháng đầu năm 2021, doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp này vẫn tăng trưởng bất chấp những khó khăn từ dịch bệnh.
Cụ thể, vận hành 3 chuỗi điện máy, điện thoại và bách hoá, 8 tháng đầu năm 2021 MWG ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất là 78.495 tỷ đồng - tăng 8% và lợi nhuận sau thuế là 3.006 tỷ đồng - tăng 12% so với cùng kỳ.
Trong đó, Thế giới Di động (TGDĐ) và Điện máy xanh (ĐMX) đã đóng góp hơn 57.500 tỷ đồng doanh thu, giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ 2020.
Kể từ đầu năm 2021 đến nay, tháng 8 là tháng kinh doanh thấp điểm nhất khi gần 2.000 cửa hàng phải tạm đóng hoặc kinh doanh hạn chế. Các cửa hàng này chiếm 70% về số lượng nhưng đóng góp hơn 80% giá trị doanh thu của TGDĐ/ĐMX trong điều kiện bình thường. Dù khó khăn, hai chuỗi vẫn nỗ lực mang về gần 3.500 tỷ đồng - tương đương 40% mức doanh số bình quân thời điểm trước dịch.
Đáng chú ý, doanh thu online lũy kế sau 8 tháng đạt gần 7.000 tỷ đồng (tăng 10% so với cùng kỳ). Các giao dịch online đem lại hơn 1.000 tỷ đồng trong tháng 8 (tăng 26% so với cùng kỳ) và chiếm 30% tổng doanh thu của TGDĐ/ĐMX.
Đặc biệt, chuỗi Bách hoá xanh (BHX) ghi nhận tổng doanh thu hơn 20.600 tỷ đồng lũy kế 8 tháng, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2020. Với 1.928 cửa hàng vào cuối tháng 8, doanh thu tháng này của BHX đạt hơn 3.000 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ. Doanh thu tính bình quân trên mỗi cửa hàng là hơn 1,5 tỷ đồng. Lũy kế sau 8 tháng, kênh bán hàng qua website bachhoaxanh.com có số lượng đơn hàng gấp 4,5 lần và doanh thu gấp 5,2 lần so cùng kỳ 2020.
Thực tế, nếu nhìn tổng thể MWG vẫn đang "ăn nên làm ra" giữa đại dịch.
Loạt 'ông lớn' bán lẻ khác đang chi trả mặt bằng cho thuê ra sao?
Tại Việt Nam, không chỉ riêng MWG chi tiền khủng cho hoạt động thuê mặt bằng, bởi còn có rất nhiều ông lớn bán lẻ khác cũng cũng chi một khoản tiền rất lớn cho việc thuê cửa hàng, như: Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ); FPT Retail, đơn vị quản lý chuỗi bán lẻ hàng công nghệ FPT Shop và chuỗi nhà thuốc Long Châu hay chuỗi VinMart & VinMart+ thuộc Tập đoàn Masan ( của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang...
Trong báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2021, khoản chi phí thuê mặt bằng tại PNJ ghi nhận hơn 137 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy chi phí thuê mặt bằng chiếm khoảng 1,2% doanh thu thuần trong kỳ.
Ngoài khoản tiền thuê cửa hàng đã trả, PNJ còn ghi nhận hơn 12,6 tỷ đồng chi phí trả trước thuê cửa hàng trong dài hạn và hơn 2 tỷ đồng cho chi phí sửa chữa và bảo trì. Về ngắn hạn, PNJ chi gần 28 tỷ đồng chi phí trả trước thuê hoạt động và hơn 2,5 tỷ đồng chi phí sửa chữa và bảo trì.
Tính đến nửa đầu năm 2021, tổng số lượng cửa hàng đang kinh doanh tại PNJ là 337 địa điểm. Các cửa hàng của PNJ thường ở các vị trí đắc địa đông dân cư, các trung tâm thương mại, do đó mức giá thuê thường cao hơn mặt bằng chung. Do đó, tính trung bình PNJ phải trả tiền thuê khoảng 400 triệu đồng/cửa hàng/nửa năm.
Khác với MWG, các mặt hàng của PNJ không thiết yếu nên trong tháng 8/2021 PNJ có tới 80% số cửa hàng phải tạm đóng cửa vì dịch COVID-19 khiến PNJ lỗ 78 tỷ đồng, trong khi tháng 8/2020 có lãi 52 tỷ. Tháng 7, PNJ lỗ 32 tỷ đồng.
Lũy kế 8 tháng đầu năm, PNJ ghi nhận doanh thu thuần đạt 12.288 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 625 tỷ đồng; tăng lần lượt 19,4% và 14,2% so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch năm, PNJ đã thực hiện được 58,5% chỉ tiêu doanh thu và gần 51% mục tiêu lợi nhuận năm.
Tương tự tại FPT Retail, chi phí thuê và sửa chữa cửa hàng trong nửa đầu năm nay hơn 330 tỷ đồng, tăng hơn 14% so với cùng kỳ. FPT Retail cũng có một khoản chi phí trả trước tiền thuê cửa hàng và văn phòng ngắn hạn gần 122 tỷ đồng và chi phí để cải tạo cửa hàng dài hạn hơn 206 tỷ đồng.
Theo báo cáo đến tháng 6, ghi nhận có 625 cửa hàng FPT Shop và 268 nhà thuốc Long Châu, mang về doanh thu hơn 9.000 tỷ đồng. Như vậy, chí phí mặt bằng và sửa chữa chiếm gần 3,7% doanh thu thuần và trung bình chi gần 370 triệu đồng cho mỗi cửa hàng/nửa năm. Nửa đầu năm nay, chuỗi Long Châu đã ký đủ 150 hợp đồng thuê nhà, mở bán được 68 cửa hàng (mỗi tháng mở 11 cửa hàng mới).
6 tháng đầu năm 2021, FPT Retail ghi nhận doanh thu tăng 24% và lợi nhuận trước thuế tăng 189% so với cùng kỳ năm 2020.
Tương tự, chuỗi VinMart & VinMart+ thuộc Tập đoàn Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang cũng liên tục mở rộng mặt bằng kinh doanh. Tính đến cuối quý 2/2021, Vimcommerce (VCM) có 2.369 cửa hàng VinMart/VinMart+, tăng so với cuối năm 2020. Trong đó, bên cạnh việc cắt giảm cửa hàng không hiệu quả, VinMart đã mở mới 73 cửa hàng.
Tại báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2021, MSN ghi nhận chi phí thuê văn phòng hơn 196 tỷ đồng.
Việc nhảy vào cuộc chơi bán lẻ và tiên phong trong xu hướng hiện đại, Masan trong chiến lược phát triển mới giai đoạn 2021-2025 sẽ sở hữu 300 siêu thị VinMart, 10.000 cửa hàng VinMart+ khắp 63 tỉnh thành. Như vậy, Công ty không thể bỏ qua cơ hội có được mặt bằng vị trí tốt với mức giá hấp dẫn trong bối cảnh hiện nay.
Nửa đầu năm 2021, Masan Group đạt doanh thu thuần hợp nhất 41.196 tỷ đồng, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả đạt được chủ yếu nhờ vào tăng trưởng doanh thu hai chữ số ở mảng kinh doanh thịt và hàng tiêu dùng có thương hiệu, tăng 1,7% ở mảng bán lẻ vào quý 2/2021 và doanh thu tại MHT (Masan High-Tech Materials) tăng 137,6% do hợp nhất HCS (H.C. Starck Group GmbH) và giá cả hàng hóa cao hơn.
Như vậy, PNJ và FPT Retail chi hàng trăm triệu đồng thuê mặt bằng cho mỗi cửa hàng nửa đầu năm, trong khi MWG có trích trước 456 tỷ đồng tiền thuê cho các chủ nhà.
Điểm chung của các đại gia bán lẻ trên chính là doanh thu tháng 8 giảm mạnh do ảnh hưởng của Covid -19 buộc phải đóng một số cửa hàng, nhưng tổng thể vẫn ‘làm ăn có lãi’ trong 8 tháng qua.
Tuy nhiên, điểm khác biệt lại ở MWG, doanh nghiệp tự ý giảm 70% tiền thuê mặt bằng tại một cơ sở ở Bình Định vì lý do đại dịch. Tại sao các ông lớn bán lẻ như PNJ, PRT,MSN,… không viện cớ do đại dịch để ‘bắt’ chủ cho thuê mặt bằng giảm tiền thuê?
Theo Hà Phương - Huy Tùng/PetroTimes
Link nguồn: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/cac-dai-gia-ban-le-dang-chiu-chi-bao-nhieu-tien-de-thue-mat-bang-giua-dai-dich-628558.html