Ngoài Vinhomes đã khởi công xây dựng 4 dự án nhà ở xã hội với quy mô lên tới hàng chục nghìn căn hộ ở Thanh Hóa, Quảng Trị, Hải Phòng và Khánh Hòa, các doanh nghiệp còn lại đều khá im hơi lặng tiếng.
Ngoài Vinhomes đã khởi công xây dựng 4 dự án nhà ở xã hội với quy mô lên tới hàng chục nghìn căn hộ ở Thanh Hóa, Quảng Trị, Hải Phòng và Khánh Hòa, các doanh nghiệp còn lại đều khá im hơi lặng tiếng.
Thời gian qua, sự chênh lệch nguồn cung giữa các phân khúc bất động sản đang là vấn đề nóng của thị trường. Sự phát triển không cân đối giữa các phân khúc bất động sản được nhiều chuyên gia đánh giá gây méo mó thị trường và đẩy giá nhà tăng cao.
Đáng chú ý, mặc dù thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi với doanh nghiệp phát triển các dự án nhà ở xã hội, tuy nhiên đến nay tình trạng khan hiếm dự án nhà dành cho người thu nhập thấp vẫn chưa được cải thiện.
Đứng trước sự chênh lệch về nguồn cung trên, tại “Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp” diễn ra sáng 1/8/2022 do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, nhiều “ông lớn” bất động sản đã cam kết sẽ tham gia xây dựng 1,2 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trong những năm tới.
Tham dự hội nghị khi đó, ông Phạm Thiếu Hoa, đại diện Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch HĐQT Vinhomes cho biết, tập đoàn mong muốn ngày càng có nhiều những căn nhà đẹp, có những tiện ích cơ bản cho người thu nhập thấp. Việc triển khai nhà ở thu nhập thấp, nhà ở xã hội có thể không mang lại lợi nhuận nhiều nhưng có ý nghĩa xã hội to lớn. Ông cho biết, Tập đoàn Vingroup sẽ phấn đấu đầu tư 500.000 căn nhà ở xã hội trong 5 năm tới.
Ông Bùi Xuân Huy, khi ấy là Chủ tịch Tập đoàn Novaland cũng cho biết, đối với chương trình "Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp" theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính Phủ, Tập đoàn Novaland luôn xem đây là chương trình vô cùng thiết thực và nhân văn.
Do đó, với kinh nghiệm, nguồn lực sẵn có đã và đang đầu tư xây dựng rất nhiều dự án bất động sản ở tại TP.HCM, cùng các tỉnh, thành phố khác, Novaland tin rằng, nhiệm vụ đầu tư xây dựng 200.000 căn hộ là một mục tiêu mà tập đoàn sẽ hoàn thành để góp phần vào nỗ lực của Chính phủ trong chương trình giải quyết nhà ở xã hội, nhà ở công nhân lao động…
Tại hội nghị, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín, đồng thời là Chủ Tập đoàn Him Lam cho biết, đối với chương trình phát triển nhà ở xã hội, doanh nghiệp của ông luôn sẵn sàng tham gia. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có cơ chế, chính sách cụ thể để doanh nghiệp tham gia…
Ghi nhận thực tế trong thời gian hơn một năm sau hội nghị được tổ chức cho thấy, trong các doanh nghiệp có lãnh đạo cam kết sẽ tham gia xây dựng nhà ở xã hội tại hội nghị trên, đến thời điểm này mới chỉ có một “ông lớn” Vinhomes khởi công 4 dự án nhà ở xã hội với quy mô lên tới hàng chục nghìn căn hộ ở Thanh Hóa, Quảng Trị, Hải Phòng và Khánh Hòa, còn lại các doanh nghiệp còn lại đều khá im hơi lặng tiếng.
Cụ thể, hồi cuối tháng 7/2022, Tập đoàn Vingroup đã tổ chức động thổ hai dự nhà ở xã hội đầu tiên tại Thanh Hóa và Quảng Trị. Đây là bước khởi động cho chiến lược phát triển nhà ở xã hội thương hiệu Happy Home của Vingroup nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở giá rẻ cho người lao động.
Tổng quy mô hai dự án là hơn 40.000 m2, dự kiến cung cấp ra thị trường khoảng 3.500 căn nhà với nhiều loại diện tích linh hoạt. Trong đó, dự án nhà ở xã hội tại Thanh Hóa được xây dựng trên một phần diện tích thuộc Khu đô thị Vinhomes Star City, giáp với Đại lộ Nam Sông Mã và bên cạnh trung tâm hành chính mới của thành phố Thanh Hóa.
Tại Quảng Trị, khu nhà ở xã hội được thụ hưởng hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật của Khu đô thị Nam Đông Hà, cũng như công viên sinh thái Nam Đông Hà lân cận.
Tiếp đó, đầu năm 2024 vừa qua, “ông lớn” này tiếp tục khởi công thêm hai dự án nhà ở xã hội ở Hải Phòng và Khánh Hòa.
Tại Hải Phòng, Happy Home Tràng Cát do Công ty Cổ phần Vinhomes làm chủ đầu tư, có tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 5.800 tỷ đồng là dự án NƠXH có quy mô và hạ tầng tiện ích lớn nhất tại thành phố.
Tổng diện tích của Happy Home Tràng Cát là 28,14 ha, được quy hoạch hạ tầng đồng bộ, gồm 27 tòa chung cư cao từ 7 - 9 tầng với hơn 4.000 căn hộ; các khu vực thấp tầng với gần 300 căn nhà cùng hệ thống cảnh quan, dịch vụ tiện ích hiện đại như các khu tập thể thao ngoài trời, sân chơi trẻ em, vườn hoa cây xanh….
Còn tại Khánh Hòa, dự án nhà ở xã hội Happy Home Cam Ranh có quy mô 87,64ha, với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 3.800 tỷ đồng.
Sau khi hoàn thành, dự án cung cấp gần 3.600 căn nhà ở xã hội dạng thấp tầng; khu vực nhà ở thương mại có gần 540 căn liền kề và liền kề có sân vườn.
Riêng HimLam của ông Dương Công Minh thời gian qua vẫn loay hoay với việc chờ phê duyệt chuyển đổi toàn bộ dự án khu nhà ở xã hội, tái định cư và nhà ở thương mại Him Lam Phúc Lợi (Long Biên, Hà Nội) thành dự án nhà ở xã hội.
Trước đó, tháng 12/2021, Công ty CP Him Lam chính thức có văn bản đề nghị TP. Hà Nội cho chuyển dự án khu nhà ở Him Lam Phúc Lợi thành dự án nhà ở xã hội.
Theo đó, hơn 3.200 căn nhà ở thương mại, 504 căn nhà ở tái định cư của dự án được đề xuất chuyển đổi thành nhà ở xã hội để phục vụ nhu cầu ở của người thu nhập thấp sống tại Hà Nội.
Đối với Novaland của ông Bùi Thành Nhơn, trong năm qua do gặp khó về kinh doanh và nguồn vốn nên doanh nghiệp này đang tái cấu trúc lại hoạt động của tập đoàn.
Theo báo cáo từ Bộ Xây dựng, trong giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2023, trên địa bàn cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội triển khai với quy mô 411.255 căn. Trong đó, 71 dự án với quy mô 37.868 căn đã hoàn thành; 127 dự án với quy mô 107.896 căn đã được khởi công xây dựng; 301 dự án với quy mô 265.486 căn được chấp thuận chủ trương đầu tư…
Cũng theo báo cáo, hiện trên địa bàn cả nước đã quy hoạch 1.249 khu đất với quy mô 8.390 ha làm nhà ở xã hội, tăng thêm 5.031 ha so với báo cáo năm 2020.
Thời gian qua, một số địa phương quan tâm đến việc quy hoạch quỹ đất phát triển nhà ở xã hội như: Đông Nai với 1.063 ha, TP.HCM với 608 ha, Long An có 577 ha, Hải Phòng là 471 ha và Hà Nội có 412 ha.
“Việc phát triển NƠXH thời gian qua đã đạt được kết quả quan trọng, nhiều địa phương đã chủ động trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy khởi công xây dựng NƠXH như: Bắc Ninh, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai…
Tuy nhiên, vẫn còn một vài địa phương trọng điểm mặc dù có nhu cầu rất lớn về NƠXH nhưng việc đầu tư chưa đạt kỳ vọng so với mục tiêu của Đề án đến năm 2025 (Hà Nội 03 dự án, 1.700 căn đáp ứng 9%; Thành phố Hồ Chí Minh 07 dự án, 4.996 căn đáp ứng 19%; Đà Nẵng 05 dự án, 2.750 căn đáp ứng 43%...), hoặc một số địa phương không có dự án khởi công trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay (Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Long An...)”, đánh giá của Bộ Xây dựng về việc triển khai, thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 -2030” mới được gửi tới Thủ tướng.
Minh Quân