Kết thúc quý 3/2022, bức tranh lợi nhuận ngân hàng cho thấy vẫn có bên ghi nhận số liệu không mấy khả quan khi lãi giảm nhưng nợ xấu lại có xu hướng tăng.
Kết thúc quý 3/2022, bức tranh lợi nhuận ngân hàng cho thấy vẫn có bên ghi nhận số liệu không mấy khả quan khi lãi giảm nhưng nợ xấu lại có xu hướng tăng.
Bức tranh lợi nhuận ngân hàng quý 3/2022 đang dần được vén màn, bên cạnh những nhà băng duy trì lợi nhuận tăng trưởng tốt, vẫn có nơi ghi nhận kết quả không mấy khả quan khi lợi nhuận giảm nhưng nợ xấu lại gia tăng đáng kể.
Đơn cử tại ABBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý 3/2022 gần 86 tỷ đồng, giảm 79% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lợi nhuận quý thấp nhất trong 4 năm trở lại đây của Ngân hàng. Dù vậy, tính chung cả ba quý đầu năm nay ngân hàng vẫn còn lãi trước thuế hơn 1.748 tỷ đồng, tăng nhẹ 9%.
Trước sự biến động giảm lợi nhuận trong quý vừa qua, ông Nguyễn Mạnh Quân - Quyền Tổng Giám đốc ABBank nhận định: “Quý 3/2022, hoạt động ngành Ngân hàng chịu áp lực, lãi biên (NIM) có xu hướng giảm do lãi suất đầu vào có xu hướng tăng cũng như khả năng đối mặt với tình trạng nợ xấu gia tăng vào cuối năm 2022. Trong 3 tháng cuối năm, ABBank sẽ đẩy mạnh phục vụ các nhu cầu phi tín dụng, phát triển dịch vụ ngân hàng số và hướng tới mục tiêu tăng vị thế trong phân khúc bán lẻ”.
Lợi nhuận giảm nhưng nợ xấu ngân hàng vẫn tăng khá nhanh. Tính đến 30/09/2022, nợ xấu tại ABBank ghi nhận gần 1.896 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn hơn tăng đến 40% lên hơn 1.207 tỷ đồng. Do dư nợ cho vay khách hàng và tổng nợ xấu có tốc độ tăng trưởng ngang nhau nên tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng xấp xỉ mức đầu năm là 2,35%.
Thậm chí tại ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB, mã: NVB) lỗ trước thuế quý 3/2022 gần 199 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, NCB lỗ trước thuế gần 180 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi hơn 164 tỷ đồng.
Theo lý giải từ NCB, lợi nhuận ngân hàng giảm do thực hiện thoái lãi, ngừng dự thu và trích lập dự phòng đối với các khoản nợ quá hạn, nợ xấu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thực hiện trích lập dự phòng theo Phương án cơ cấu lại, đồng thời Ngân hàng tiếp tục áp dụng chính sách hỗ trợ lãi suất cho các khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19.
Bức tranh kinh doanh tại nhà băng này càng trở nên u ám hơn khi tổng nợ xấu tại ngày 30/09/2022 gấp 5,3 lần đầu năm, lên mức 6.648 tỷ đồng. Các nhóm nợ xấu đều tăng mạnh so với đầu năm kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 3% lên 14,72%.
NCB giải trình những tháng đầu năm 2022, nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng có xu hướng tăng mạnh khi các ngân hàng chuyển dần các khoản nợ tái cơ cấu về đúng nhóm nợ, đặc biệt là sau khi Thông tư 14/2021/TT-NHNN liên quan đến cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi suất cho khách hàng do dịch COVID-19 đã hết hạn vào ngày 30/06/2022, khiến tỷ lệ nợ xấu tăng cao.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, NCB cũng đã chủ động xử lý và thu hồi nợ tồn đọng; tăng cường trích lập dự phòng rủi ro với những khoản nợ có khả năng chuyển xấu và phân loại khách hàng đúng tình trạng khoản nợ theo quy định của Thông tư 14/2021/TT-NHNN.
Vừa qua, bộ phận phân tích của Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho rằng, lợi nhuận ngân hàng trong năm 2022 và 2023 sẽ khó duy trì tăng trưởng cao như giai đoạn 2020 - 2021.
Động lực tăng trưởng của nhóm bị suy giảm hơn khi dư địa tăng trưởng tín dụng không còn nhiều và biên lãi ròng (NIM) chịu áp lực, do lãi suất đầu vào có xu hướng tăng trong khi lãi suất cho vay khó tăng theo tương ứng.
Tuy nhiên, công ty chứng khoán này kỳ vọng một số yếu tố có thể hỗ trợ cho nhóm ngân hàng thời gian tới gồm: Nới room cho một số ngân hàng khi hạn mức tăng trưởng tín dụng hiện nay vẫn dưới mục tiêu 14%; các kế hoạch tăng vốn dự kiến được triển khai thời gian tới; định giá nhóm cổ phiếu ngân hàng đã được chiết khấu về mức hấp dẫn khi giảm xuống dưới mức trung bình 5 năm.
Hoàng Long