Mặc dù thị trường bất động sản vẫn còn rất khó khăn nhưng hoàn toàn có căn cứ để khẳng định chắc chắn về triển vọng phục hồi trở lại và tiếp tục tăng trưởng vào nửa cuối năm 2024.
Mặc dù thị trường bất động sản vẫn còn rất khó khăn nhưng hoàn toàn có căn cứ để khẳng định chắc chắn về triển vọng phục hồi trở lại và tiếp tục tăng trưởng vào nửa cuối năm 2024.
Thông tin trên được ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết tại Báo cáo Thị trường bất động sản 10 tháng năm 2023.
Tại báo cáo trên, ông Châu cho biết, 9 tháng đầu năm 2023, nguồn cung nhà ở tại TP.HCM có 13 dự án nhà ở thương mại đủ điều kiện để huy động vốn với 15.020 căn (tăng 1,37 lần so với cùng kỳ năm 2022 nhưng doanh thu huy động giảm 4,7%), gồm: 13.767 căn hộ chung cư (chiếm 91,6%) và 1.253 căn nhà thấp tầng (chiếm 8,4%).
Trong đó, phân khúc nhà ở cao cấp có 9.969 căn chiếm 66,37% (cao hơn tỷ lệ 58% của cả nước) phần còn lại là phân khúc nhà ở trung cấp có 5.051 căn, chiếm 33,63% (cao hơn tỷ lệ 26% của cả nước) và vẫn tiếp tục tình trạng không có nhà ở thuộc phân khúc bình dân giá vừa túi tiền, cũng như không có thêm nhà ở xã hội.
“Đến thời điểm hiện tại có thể nhận định quý 1/2023 là "vùng đáy" của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, về tổng thể, thị trường hiện nay vẫn còn rất khó khăn nhưng mức độ có xu thế giảm dần theo thời gian, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, thể hiện rất rõ nét tại TP.HCM”, ông Châu cho biết.
Để dẫn chứng, đại diện HoREA đưa ra số liệu cho biết, nếu như quý 1/2023, thị trường bất động sản TP.HCM tăng trưởng âm -16,2% thì đến 6 tháng đầu năm 2023 đã giảm xuống còn -11,58%. Cuối quý 3/2023, tuy vẫn còn tăng trưởng âm -8,71% nhưng đã giảm thêm 2,87% so với 6 tháng đầu năm và sau 9 tháng thì mức độ khó khăn của thị trường bất động sản đã giảm 42,3% so với quý 1/2023.
“Mặc dù thị trường bất động sản vẫn còn rất khó khăn nhưng hoàn toàn có căn cứ để khẳng định chắc chắn về triển vọng phục hồi trở lại và tiếp tục tăng trưởng từ nửa cuối năm 2024”, ông Lê Hoàng Châu nhận định.
Theo ông Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, sở dĩ ông đưa nhận định trên bởi, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/06/2022 của Ban Chấp hành Trung ương chỉ đạo hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai và các luật có liên quan bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đang nỗ lực tháo gỡ “vướng mắc pháp lý” là vướng mắc lớn nhất của thị trường bất động sản, đi đôi với tháo gỡ khó khăn cho hàng trăm dự án bất động sản, nhằm kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng minh bạch, công bằng, cạnh tranh lành mạnh, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận thuận lợi hơn về đất đai, thị trường vốn, tín dụng.
Do vậy, nếu các luật này được ban hành bảo đảm được tính đồng bộ, thống nhất và khả thi, sát với thực tế; đi đôi với nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành sửa đổi ngay một số quy định “bất cập” của các văn bản dưới luật và tiếp tục phát huy hơn nữa hoạt động của các tổ công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của UBND cấp tỉnh, để kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, công bằng, bình đẳng, phát huy được nguồn lực đất đai, tạo điều kiện để tiếp cận thuận lợi thị trường vốn, tín dụng.
Đồng thời, tháo gỡ được các “vướng mắc pháp lý” cho khoảng 1.000 dự án bất động sản trong cả nước, kết hợp với nỗ lực quyết liệt tái cấu trúc doanh nghiệp bất động sản, tái cơ cấu đầu tư, cơ cấu lại sản phẩm nhà ở hướng về nhu cầu thực, kéo giảm giá nhà về mức hợp lý thì thị trường bất động sản có triển vọng phục hồi, tăng trưởng trở lại từ nửa cuối năm 2024 trở đi.
Liên quan đến nhận định này, trước đó, như chúng tôi đã đưa tin, phát biểu ý kiến tại Hội thảo quốc tế "Tiềm năng phát triển thị trường bất động sản tại Việt Nam" được tổ chức hồi đầu tháng 7 vừa qua, ông Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng đưa ra dự báo cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam hết năm 2023 còn trầm lắng, chỉ có thể phục hồi, phát triển lành mạnh hơn, minh bạch hơn và chuẩn mực hơn từ quý 2 hoặc quý 3/2024 nhờ những bước tiến về môi trường pháp lý; triển vọng tăng trưởng kinh tế khả quan; sự phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại; xu hướng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của CMCN 4.0; sự đa dạng của các nguồn lực tài chính...
“Các phân khúc truyền thống (nhà ở, khu công nghiệp, nghỉ dưỡng, văn phòng…), dự báo sản phẩm trên thị trường bất động sản sẽ ngày càng đa dạng hơn, nhất là nguồn cung nhà ở sẽ gia tăng mạnh nếu Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được tổ chức thực hiện tốt”, ông Khôi nhấn mạnh.
Tuấn Minh