Theo thống kê từ Hiệp hội trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 6/2023, hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn của Novaland, Kinh Bắc, IDJ Việt Nam,...
Theo thống kê từ Hiệp hội trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 6/2023, hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn của Novaland, Kinh Bắc, IDJ Việt Nam,...
Hiệp hội trái phiếu Việt Nam (VBMA) công bố báo cáo tháng 5/2023, trong đó ghi nhận trong tháng 5/2023 vừa qua có hơn 20.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. Số trái phiếu được các doanh nghiệp mua lại gần 22.800 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ năm 2022.
Thống kê cũng cho thấy tính tới 31/5/2023 có 16 doanh nghiệp chậm thanh toán lãi, gốc trái phiếu, và 19 doanh nghiệp công bố đã đạt được thỏa thuận thay đổi điều kiện, điều khoản trái phiếu trong tháng 5.
VBMA cũng cho biết, ước tính riêng tháng 6/2023 này có 30.774 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Trong 7 tháng cuối năm 2023 sẽ có khoảng 195.237 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn.
Đáng chú ý, trong tháng 6/2023, CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va - Novaland (NVL) là doanh nghiệp có nhiều trái phiếu đáo hạn nhất với 3.430 tỷ đồng.
Cụ thể, lô trái phiếu mã NOVALAND.BOND.2019 phát hành ngày 28/6/2019 và đáo hạn ngày 28/6 tới đây với giá trị đáo hạn 1.300 tỷ đồng; lô trái phiếu mã NVLH1923004 có giá trị đáo hạn 650 tỷ đồng vào ngày 28/6 tới; trái phiếu mã NVL2020-01-350 có giá trị còn lại 350 tỷ đồng sẽ đáo hạn ngày 26/6; mã trái phiếu NVL2020-01-460 và NVL2020-01-370 có giá trị lần lượt 460 tỷ đồng và 370 tỷ đồng sẽ đáo hạn ngày 30/6/2023. Cuối cùng lô trái phiếu mã NVLH2123006 có giá trị 300 tỷ đồng được phát hành ngày 29/6/2021 sẽ đáo hạn ngày 29/6 tới đây.
Ngoài ra, Công ty TNHH Thành phố Aqua cũng có lô trái phiếu mã TPACH2023002 trị giá 600 tỷ đồng đáo hạn ngày 22/6 tới đây.
Được biết, Công ty Thành phố Aqua có địa chỉ tại Đồng Nai, là thành viên trong hệ sinh thái Nova Group. Đơn vị này hiện là chủ đầu tư của dự án Aqua City tại xã Long Hưng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, quy mô 112 ha.
Đây là dự án trọng điểm và được Novaland kiến nghị được Tổ công tác của Thủ tướng thí điểm tháo gỡ khó khăn. Theo ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Novaland: “Đây là dự án sống còn của Novaland trong thời điểm hiện nay, nếu dự án này được tháo gỡ sẽ là đầu mối tháo gỡ toàn bộ các khó khăn của Novaland để doanh nghiệp hoàn thiện dự án, thực hiện nghĩa vụ trả nợ trái phiếu, ngân hàng”.
Bên cạnh đó, trong tháng 6 này, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP (mã KBC) có lô trái phiếu mã KBC2021.AB giá trị 1.500 tỷ đồng được phát hành ngày 24/6/2021 sẽ đáo hạn ngày 24/6 tới đây.
Ngoài ra, CTCP Năng lượng tái tạo Trung Nam cũng có lô trái phiếu mã TRECB2223001 trị giá 1.500 tỷ đồng sẽ đáo hạn ngày 30/6.
Điều khiến nhà đầu tư quan tâm lúc này là việc doanh nghiệp đang làm gì để lo tiền đáo hạn trái phiếu trong khi áp lực tài chính hiện đang khiến nhiều công ty lâm vào thế khó?
Chẳng hạn tại Talkshow Khơi thông dòng vốn trên thị trường chứng khoán do Báo Đầu tư Chứng khoán tổ chức mới đây, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch KBC cho rằng, các tín hiệu tích cực trên thị trường đang nhiều hơn các tín hiệu tiêu cực.
Ông Tâm cũng cho biết, từ đầu năm nay KBC có dòng tiền rất lớn nhờ vào việc nhà đầu tư thuê đất từ 50 - 100 ha.
“Sang quý I năm nay, cơ bản chúng tôi đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận. Quý II cho đến nay cơ bản cũng hoàn thành. KBC cũng tự tin trái phiếu sẽ trả được 3.900 tỷ đồng. Nếu thị trường thuận lợi, KBC có thể phát hành lại”, ông Tâm nói.
Tuy nhiên, giữa lúc KBC đang lên kế hoạch kinh doanh khủng cho năm 2023 thì có 2 dự án tổng vốn đầu tư lên đến hàng tỷ USD nhận “tối hậu thư” bị thu hồi nếu không đúng hạn. Theo đó, dự án Tràng Cát có quy mô 585 ha tổng vốn đầu tư khoảng 11.328 tỷ đồng. Còn dự án Tràng Duệ 3 có quy mô 687 ha, tổng đầu tư trong khoảng 8.000 đến 10.000 tỷ đồng.
Còn tại Tập đoàn Novaland, quý 1/2023 tình hình kinh doanh đang gặp khó, hàng tồn kho tăng trong khi doanh thu bán hàng nhỏ giọt. Đặc biệt, sau một loạt những quyết sách của Chính phủ, Novaland cho biết đang tái khởi động, triển khai, thi công hoàn thiện nhiều dự án, bao gồm nhưng không giới hạn 15 dự án tại Tp.HCM, Đồng Nai, Bình Thuận và Bà Rịa – Vũng Tàu gồm The Grand Manhattan, Victoria Village, Palm A, Sunrise Riverside, NovaWorld Phan Thiết, NovaWorld Hồ Tràm, Aqua City…
Về công tác bàn giao, Tập đoàn Novaland dự kiến bàn giao 9 dự án, bao gồm nhưng không giới hạn như The Grand Manhattan, Saigon Royal Residence, Palm A, NovaWorld Phan Thiết, NovaWorld Hồ Tràm, Aqua City…
Động thái gần đây nhất, CTCP Novagroup đã đăng ký bán bớt hơn 136 triệu cổ phiếu NVL trong tổng số gần 540 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 27,67%) đang sở hữu để “cân đối danh mục đầu tư và hỗ trợ cơ cấu các khoản nợ, nghĩa vụ khác”. Giao dịch dự kiến thực hiện từ 16/6 đến 14/7/2023. Với thị giá khoảng 14.000 đồng/cp chốt phiên giao dịch ngày 19/6, NovaGroup có thể thu về gần 2.000 tỷ đồng.
Ở một diễn biến khác, ngân hàng MB tuy không ghi rõ đang ‘ôm’ trái phiếu của những doanh nghiệp nào. Tuy nhiên, có thể thấy, MB là một trong những trái chủ của Tập đoàn Novaland. Điều này được thể hiện qua báo cáo tài chính năm 2022 của Novaland, phía doanh nghiệp đã phát hành nhiều lô trái phiếu ngắn hạn, dài hạn cho ngân hàng MB. Trong đó tổng nợ trái phiếu ngắn hạn là 847,3 tỷ đồng và 5.330 tỷ đồng trái phiếu dài hạn.
Như vậy, tổng trái phiếu Novaland mà ngân hàng MB nắm giữ tính đến 31/12/2022 là 6.177 tỷ đồng. Các lô trái phiếu do Novaland phát hành cho MB chủ yếu được đảm bảo bằng các bất động sản và cổ phần doanh nghiệp như dự án tại Thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai;…
3 tháng đầu năm 2023, ngân hàng MB không còn nắm giữ trái phiếu của Novaland. Thay vào đó, CTCP Chứng khoán MB là trái chủ của hàng loạt lô trái phiếu.
Hoàng Long