UBND tỉnh Bình Thuận xem xét gia hạn thêm 12 tháng đối với một số dự án chậm triển khai do ảnh hưởng dịch Covid-19.
UBND tỉnh Bình Thuận xem xét gia hạn thêm 12 tháng đối với một số dự án chậm triển khai do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Liên quan 43 dự án vi phạm đã công bố trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh Bình Thuận và của Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Sở Tài Nguyên và Môi trường Bình Thuận đã có công văn báo cáo UBND tỉnh này xem xét, cho chủ trương gia hạn thêm 12 tháng đối với một số dự án chậm triển khai do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Đây là lần gia hạn cuối cùng, sau khi hết thời gian gia hạn nếu các dự án vẫn không đưa đất vào sử dụng, Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp tham mưu UBND tỉnh thu hồi đất theo quy định tại điểm I khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai năm 2013.
Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Kế hoạch và Đầu tư trong việc đôn đốc các chủ đầu tư sớm triển khai đưa dự án vào hoạt động; tham mưu cho UBND tỉnh xử lý việc điều chỉnh, chấm dứt dự án đầu tư, gia hạn sử dụng đất, thu hồi đất theo đúng quy định của pháp luật.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, trong năm 2019, 2020 và năm 2021, đã tác động trực tiếp đến quá trình triển khai thực hiện dự án của các chủ đầu tư. Việc huy động công nhân, người lao động thi công xây dựng, chế biến sản xuất đã gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn giãn cách xã hội. Đồng thời, nhiều DN đã gặp rất nhiều khó khăn về việc huy động nguồn lực tài chính, đã không thể triển khai thực hiện dự án theo tiến độ đã cam kết với tỉnh.
Trước đó, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã có kết luận kiểm tra số 69, ngày 21/6/2022 về việc quản lý, sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Theo kết luận, việc quản lý, sử dụng đất đối với các dự án đầu tư để phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn Bình Thuận còn nhiều tồn tại, bất cập và lãng phí, đặc biệt trong các dự án thương mại, dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng.
Qua kiểm tra, 43 dự án trên đều nằm trên địa bàn ven biển của TP Phan Thiết, thị xã La Gi và 3 huyện Hàm Thuận Nam, Bắc Bình, Tuy Phong. Bên cạnh việc chậm triển khai, các dự án này còn có nhiều sai phạm như: chuyển mục đích sử dụng đất chưa đúng quy định; xây dựng hạ tầng đô thị khi chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất… Tổng diện tích đất của 43 dự án trên là gần 645ha.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, đa phần các dự án chậm triển khai là các dự án đã được chấp thuận đầu tư trước năm 2014; năng lực của chủ đầu tư dự án còn hạn chế nên có tình trạng dự án đầu tư cầm chừng, chờ sang nhượng lại.
Qua rà soát, có 11 dự án nhà đầu tư chậm triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư, thiếu năng lực tài chính hoặc không có thiện chí đầu tư, chờ đợi các dự án trong khu vực cùng triển khai, xây dựng cầm chừng đối phó. Đối với những trường hợp này, UBND tỉnh Bình Thuận đã thường xuyên chỉ đạo rà soát, kiên quyết thu hồi dự án. Năm 2022, Bình Thuận đã thu hồi 11 dự án.
Theo vov.vn
https://vov.vn/kinh-te/gia-han-lan-cuoi-voi-43-du-an-vi-pham-tai-binh-thuan-post992666.vov
Vnmedia