Tập đoàn Geleximco bắt tay “ông lớn” Trung Quốc xây đại bản doanh nghìn tỷ - đại gia Vũ Văn Tiền lộ tham vọng và toan tính lớn ở quê hương Thái Bình.





Tập đoàn Geleximco bắt tay “ông lớn” Trung Quốc xây đại bản doanh nghìn tỷ - đại gia Vũ Văn Tiền lộ tham vọng và toan tính lớn ở quê hương Thái Bình.
Mới đây, Tập đoàn Geleximco vừa ký kết hợp tác với hai doanh nghiệp Trung Quốc để triển khai dự án xây dựng nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô tại tỉnh Thái Bình, với tổng vốn đầu tư lên tới 400 triệu USD (tương đương hơn 10.000 tỷ đồng). Dự án này đánh dấu bước mở rộng quan trọng của Geleximco trong lĩnh vực công nghiệp ô tô, sau khi đã liên doanh với Tập đoàn Chery để sản xuất xe tại Việt Nam.
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác diễn ra ngày 25/2 tại trụ sở UBND tỉnh Thái Bình, dưới sự chứng kiến của đại diện UBND tỉnh và Cục Xúc tiến Thương mại thành phố Liễu Châu, Quảng Tây (Trung Quốc). Ba bên tham gia gồm Tập đoàn Geleximco, Công ty TNHH Đầu tư Công nghiệp Nguyên Tín Liễu Châu Quảng Tây và Công ty TNHH Công nghệ Bách Tấn Quảng Tây.
Theo kế hoạch, liên doanh sẽ triển khai dự án nhà máy trên quỹ đất rộng hơn 200ha, khởi công vào năm 2026 và dự kiến đưa vào vận hành từ tháng 10/2027, với quy mô lao động từ 2.000–3.000 người. Tổng vốn đầu tư của dự án nhà máy phụ tùng ôtô này khoảng 400 triệu USD, tương đương hơn 10.000 tỷ đồng.
Mục tiêu chính là cung cấp phụ tùng cho các nhà máy sản xuất ô tô trong nước, thúc đẩy tỷ lệ nội địa hóa trong ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Giai đoạn đầu sẽ tập trung vào việc triển khai các hoạt động thương mại đồng thời nghiên cứu phương án xây dựng nhà máy tại tỉnh Thái Bình.
Động thái hợp tác lần này tiếp nối chiến lược của Geleximco trong việc đầu tư bài bản vào ngành ô tô. Trước đó, vào tháng 4/2023, Tập đoàn đã thành lập liên doanh với Tập đoàn Chery (Trung Quốc) để sản xuất và phân phối hai dòng xe Omoda & Jaecoo tại Việt Nam. Nhà máy được xây dựng tại khu công nghiệp Hưng Phú, tỉnh Thái Bình với tổng vốn đầu tư hơn 800 triệu USD, công suất dự kiến 200.000 xe/năm, được chia thành ba giai đoạn. Trong đó, giai đoạn đầu dự kiến khởi công vào quý II/2025 và hoàn thành vào quý I/2026 với công suất 50.000 xe/năm. Đây là dự án ô tô lớn nhất của Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam từ trước đến nay và là dự án lớn thứ 2 về xe năng lượng mới tại Việt Nam.
Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT Geleximco, cho biết việc đầu tư vào dự án phụ tùng là một phần trong tầm nhìn biến Thái Bình trở thành trung tâm sản xuất lớn nhất ngành ô tô khu vực miền Bắc. Tập đoàn hiện đang phối hợp chặt chẽ với các đối tác và chính quyền địa phương để đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị dự án.
Công ty TNHH Đầu tư Công nghiệp Nguyên Tín là công ty con của Tập đoàn quốc doanh GoldenSun, trực thuộc chính quyền quận Liễu Nam, thành phố Liễu Châu, tỉnh Quảng Tây. Đây là một trong những doanh nghiệp Nhà nước có quy mô lớn, đang hợp tác với nhiều tập đoàn hàng đầu Trung Quốc như SAIC-GM-Wuling, LiuGong, China Railway Construction Corporation... Năm 2024, công ty này đã cung cấp phụ tùng cho khoảng 2,4 triệu xe ô tô sản xuất tại Liễu Châu. Ngoài ra, Nguyên Tín hiện quản lý hơn 3.500 ha đất và sẽ mở rộng thêm 500 ha sau năm 2025, với tổng giá trị tài sản các dự án đã phát triển đạt 479 triệu USD.
Đối tác thứ ba trong liên doanh – Công ty TNHH Công nghệ Bách Tấn Quảng Tây – hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thương mại và sản xuất công nghiệp, bao gồm gia công, chế tạo các sản phẩm từ nhôm. Với mạng lưới đối tác rộng khắp, Bách Tấn là một trong những đơn vị cung cấp sản phẩm công nghiệp chất lượng cao hàng đầu khu vực.
Geleximco, tiền thân là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội, được thành lập vào năm 1993. Sau hơn ba thập kỷ phát triển dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch kiêm nhà sáng lập Vũ Văn Tiền, Geleximco đã vươn lên trở thành một trong những tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành hàng đầu tại Việt Nam.
Tập đoàn hiện hoạt động trên bốn lĩnh vực trụ cột: sản xuất công nghiệp, tài chính – ngân hàng, hạ tầng – bất động sản và thương mại – dịch vụ. Geleximco cũng là một trong những doanh nghiệp kín tiếng nhưng có ảnh hưởng lớn trong giới đầu tư tư nhân trong nước.
Về quy mô, Geleximco đạt doanh thu hàng năm trên 20.000 tỷ đồng, tổng tài sản lên tới 80.000 tỷ đồng và tạo việc làm ổn định cho hơn 10.000 lao động.
Trong lĩnh vực bất động sản – một trong những mảng chiến lược của tập đoàn – Geleximco là chủ đầu tư của nhiều dự án quy mô lớn như Khu đô thị Geleximco Lê Trọng Tấn (Hà Nội), An Bình City, Gelexia Riverside, An Bình Plaza, Khu đô thị Cái Dăm (Quảng Ninh)...
Về sản xuất công nghiệp, Geleximco đang vận hành nhiều nhà máy lớn như Nhà máy sản xuất bột giấy An Hòa (công suất 130.000 tấn/năm), Nhà máy giấy An Hòa (140.000 tấn/năm) tại Tuyên Quang; Nhà máy nhiệt điện Thăng Long tại Quảng Ninh (công suất 600 MW, sản lượng khoảng 3,7 tỷ kWh/năm); cùng với đó là Nhà máy xi măng Thăng Long (Quảng Ninh) và nhà máy xi măng tại Bình Phước, với tổng công suất hơn 2,3 triệu tấn/năm.
Trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, Geleximco là cổ đông sáng lập của Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình (ABBank) và Công ty Cổ phần Chứng khoán An Bình (ABS).
Về thương mại – dịch vụ, Geleximco hoạt động đa dạng trong các lĩnh vực như xuất nhập khẩu, dịch vụ khách sạn lưu trú cao cấp, cho thuê văn phòng hạng A, dịch vụ sân golf và các mô hình giải trí cao cấp dành cho giới thượng lưu.
Đặc biệt, trong lĩnh vực sản xuất phụ tùng ô tô – xe máy, Geleximco đã sớm ghi dấu với việc liên doanh cùng Honda Motor và các đối tác khu vực thành lập Công ty TNHH Sản xuất Phụ tùng Ô tô Xe máy Việt Nam (VAP). Đây là dự án có tổng vốn đầu tư 90 triệu USD, với sự tham gia của sáu cổ đông đến từ Việt Nam, Nhật Bản, Thái Lan và Lào. VAP đặt trụ sở tại thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, và hiện đang là nhà cung cấp linh kiện chính cho Honda và Goshi.
Thông qua hệ sinh thái đa ngành, tiềm lực tài chính vững mạnh và các mối quan hệ hợp tác chiến lược trong và ngoài nước, Geleximco tiếp tục mở rộng hoạt động đầu tư, đóng góp đáng kể vào quá trình phát triển công nghiệp và đô thị hóa tại Việt Nam.
Không chỉ có Geleximco, Thái Bình hiện đang thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của nhiều tập đoàn lớn trong lĩnh vực công nghiệp ô tô. Mới đây, Tập đoàn Geely – một trong những nhà sản xuất ô tô hàng đầu Trung Quốc – đã công bố kế hoạch hợp tác với Công ty Cổ phần Tasco để đầu tư xây dựng nhà máy lắp ráp và phân phối ô tô tại khu kinh tế Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.
Theo thỏa thuận giữa hai bên, liên doanh sẽ xây dựng nhà máy với công suất thiết kế giai đoạn đầu đạt 75.000 xe/năm. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 168 triệu USD, trong đó Tasco góp 64% vốn và Geely nắm giữ 36%. Nhà máy dự kiến khởi công vào tháng 6/2025 và sẽ đưa những sản phẩm đầu tiên ra thị trường vào đầu năm 2026.
Không dừng lại ở hoạt động lắp ráp, Geely và Tasco còn đặt mục tiêu phát triển hệ sinh thái công nghiệp ô tô toàn diện tại Việt Nam. Cụ thể, hai bên có kế hoạch đầu tư xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) phục vụ toàn khu vực Đông Nam Á, thành lập trường Đại học đào tạo kỹ thuật ô tô, đồng thời mở rộng chuỗi cung ứng linh kiện và phụ tùng trong nước. Ngoài ra, liên doanh cũng hướng đến sản xuất điện thoại thông minh chuyên biệt nhằm phục vụ các công nghệ kết nối giữa ô tô và người dùng.
Thái Bình được đánh giá có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp ô tô. Tỉnh sở hữu hệ thống cảng biển phù hợp cho hoạt động xuất nhập khẩu, cùng mạng lưới giao thông đường bộ và đường thủy phát triển, kết nối dễ dàng với khu vực đồng bằng Bắc Bộ và các trung tâm kinh tế lớn trong cả nước. Ngoài ra, Thái Bình còn có lợi thế về dân số và nguồn lao động dồi dào, chi phí cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi để hình thành các trung tâm sản xuất quy mô lớn.
Những kế hoạch này được kỳ vọng sẽ từng bước đưa Thái Bình trở thành một trong những trung tâm công nghiệp ô tô quan trọng của cả nước trong thời gian tới.
Quỳnh Nhi