Từ ngày hình thành đến nay, TP.HCM đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển mở rộng. Song về mặt quy hoạch và thiết kế xây dựng đô thị, chỉ có đề án Coffin vào cuối thế kỷ 19 quy hoạch cho một thành phố Sài Gòn với 500.000 dân là hoàn chỉnh, hệ thống hơn cả.
Trên cơ sở đề án quy hoạch này, Sài Gòn đã được xây dựng thoáng, đầy sức sống với thời gian, cùng với một số công trình kiến trúc đặc sắc, trở thành di sản quý và bộ mặt nổi bật, có một thời được mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Đông - phần lớn tập trung ở quận 1, quận 3. Thành phố Sài Gòn đã tự phát “bành trướng”, mở rộng để kết nối với 2 đô thị kế cận trước đây: Chợ Lớn và Gia Định, cộng thêm một phần đất của các tỉnh xung quanh hình thành một đô thị lớn có diện tích trên 2.000 km2, trên 8 triệu dân như ngày nay. Sự phát triển thực tế đã vượt xa những dự định ban đầu nhất là về mặt xây dựng kết cấu hạ tầng, nên Thành phố đang gặp phải nhiều vấn đề về tổ chức và quản lý đô thị, trong cải thiện môi trường và điều kiện sinh sống cho dân cư.
Quá trình phát triển đô thị Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn vừa qua đã trải qua không ít khó khăn, thách thức, song đã đạt được nhiều thành tựu về mọi phương diện, góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo Thành phố, tạo cơ sở cho sự phát triển không ngừng về kinh tế - xã hội và cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân.
Thành phố đã quan tâm thực hiện Quy hoạch phát triển đô thị trong tổng thể quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Thành phố đến năm 2020, tầm nhìn 2025, tích cực chỉnh trang khu vực đô thị hiện hữu; cơ bản phủ kín quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000; điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển đô thị phù hợp với điều kiện, đặc điểm Thành phố, gắn kết với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đông Nam Bộ; gắn quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị với quy hoạch phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, quy hoạch ngành - lĩnh vực.
Chia sẻ tại “Hội nghị đô thị toàn quốc 2022” được chủ trì Bộ Xây dựng, phối hợp tổ chức Ban kinh tế Trung ương, Cục Phát triển đô thị Bộ Xây dựng và Tập đoàn IEC tổ chức sáng nay, 16/11 tại Khách sạn Melia, Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Nhã, Sở Quy hoạch-Kiến trúc TP Hồ Chí Minh đã chia sẻ về "Bài toán quy hoạch cho Thành phố Hồ Chí Minh với các yếu tố toàn cầu".
Theo đó, TP. Hồ Chí Minh phù hợp với tình hình thực tiễn phát triển của thành phố trong các chương trình như Xây dựng chính quyền đô thị, điện tử; Xây dựng đô thị thông minh, trí tuệ nhân tạo; Định hướng phát triển mô hình kinh tế biển và phát triển hệ sinh thái dịch vụ Logistic; Phát triển đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông; Nghiên cứu chuyển đổi và phát triển vùng ven đô (đề án chuyển “Huyện thành Quận hoặc Thành phố”): Phát triển không gian ngầm v.v... là một số các định hướng quan trọng trong điều chỉnh QHC TP.
Ông Nguyễn Thanh Nhã cho rằng, định hướng phát triển hệ sinh thái dịch vụ làm nền tảng cho sức cạnh tranh của TP.HCM hướng tới Thành phố toàn cầu ác ngành dịch vụ chủ lực ở TP.HCM và vùng cần thích ứng với xu hướng phát triển của công nghệ, đáp ứng yêu cầu và trình độ phát triển của thị trường, khai thác hiệu quả cấu trúc định cư và cấu trúc kinh tế mới của vùng.
Nền kinh tế dịch vụ sẽ chuyển đổi và mở rộng nhanh hơn cùng quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế Nhu cầu đi lại của hành khách sẽ tăng nhanh trên trục hướng tâm và nhu cầu hàng hóa tăng nhanh ở đường vành đai, đường kết nối các trung tâm logistics. Cấu trúc vùng mới phải đáp ứng thách thức về giảm cự ly di chuyển và thời gian đến nơi làm việc, đặc biệt là giữa trung tâm và khu vực tăng trưởng nhanh, trên một số hướng phát triển chiến lược.
Hệ sinh thái đô thị vùng lõi (TP.HCM) cần điều chỉnh để duy trì vai trò dẫn dắt sự phát triển vùng; thành phố có lợi thế tự nhiên từ quy mô, tính đa dạng, và hiệu quả của hệ sinh thái đô thị, kết nối du lịch và thương mại với thị trường quốc tế, và đặc biệt là trung tâm tài chính quốc gia và vùng.
Tập trung vào ‘làm tổ’ cho các doanh nghiệp đầu đàn, có khả năng tạo sự hấp dẫn theo chùm và lan tỏa cao Chủ động chuyển đổi các quỹ đất dành cho công nghiệp 2.0, logistics 2.0 sang công nghiệp 4.0, thương mại điện tử, và dịch vụ số.
Phát triển đô thị sáng tạo tương tác cao
Đô thị sáng tạo tương tác cao là các khu vực đô thị phát triển theo các cụm ngành kinh tế, tập trung trong một không gian địa lý. Bằng cách thu hút, bố trí các viện nghiên cứu, các ngành hoạt động công nghiệp, nuôi dưỡng những mạng lưới sản xuất và hợp tác trong một không gian gần gũi về khoảng cách, những kết quả mới - điều mà được tạo ra bằng sự tương tác và thành công của mỗi cá thể - sẽ dẫn đến những ý tưởng mới, sự ra đời của việc làm kiểu mới, và sự đột phá về kinh tế cho Thành phố. Sự phổ biến của các sáng kiến thành phố thông minh, đô thị sáng tạo trên khắp thế giới là một phần trong chiến lược của các chính phủ để thu hút đầu tư và phát triển.
Chiến lược phát triển Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tạo cơ hội mạnh mẽ có thể thúc đẩy phát triển nhanh bên kinh tế bằng cách khai thác các mạng lưới xã hội - kinh tế sáng tạo có chiều sâu tại những Trung tâm đổi mới sáng tạo và những hệ sinh thái kinh tế đa lĩnh vực. Theo đó, mục tiêu cốt lõi nhằm phấn đấu đưa Khu vực phía Đông trở thành hạt nhân thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của Thành phố và khu vực dựa trên nền tảng phát triển mũi nhọn là nền kinh tế tri thức và hợp tác phát triển.
Một số giải pháp kiến nghị bước đầu
Trên cơ sở quan điểm, mục tiêu, giải pháp thực hiện của Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, để phát triển đô thị Thành phố Hồ Chí Minh bền vững, góp phần vào sự nghiệp phát triển của Thành phố cũng như của cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất một số định hướng giải pháp quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch, hướng tới một một thành phố toàn cầu: Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, phối hợp và phát huy nguồn lực đầu tư và phát triển đô thị; Đổi mới công tác quy hoạch, xây dựng, cải tạo chỉnh trang và quản lý phát triển đa dạng các hình thái và khu vực đặc thù; Phát triển mạng lưới đô thị của Thành phố và vùng Thành phố với cấu trúc và quy mô phù hợp với nguồn lực thực tế, hướng tăng trưởng xanh, bền vững, có khả năng chống chịu và tự hồi phục; Xây dựng công cụ quản lý phát triển Thành phố hiện đại, khai thác hiệu quả công nghệ như một phần của nền tảng văn hóa sáng tạo.
PV