Chốt phiên làm việc hôm nay (16/8), thị trường chứng khoán trong nước chứng kiến đà tăng mạnh của các chỉ số. Trong đó, chỉ số Vn-Index ghi thêm tới hơn 9 điểm, còn HNX-Index cũng cộng thêm hơn 1 điểm.
Chốt phiên làm việc hôm nay (16/8), thị trường chứng khoán trong nước chứng kiến đà tăng mạnh của các chỉ số. Trong đó, chỉ số Vn-Index ghi thêm tới hơn 9 điểm, còn HNX-Index cũng cộng thêm hơn 1 điểm.
Cụ thể, chốt phiên làm việc hôm nay trên sàn HOSE, chỉ số Vn-Index đã vươn lên mức 1.243,26 điểm, tăng tới 9,21 điểm, tương đương 0,75%. Khối lượng giao dịch đạt 930,6 triệu đơn vị, giá trị tương đương là 20.918,46 tỷ đồng. Toàn thị trường có 217 mã tăng giá (16 mã tăng trần); 69 mã đứng giá và 243 mã giảm giá.
Chỉ số VN30 giữ ở mức 1.256,95 điểm, tăng 15,71 điểm, tương đương 1,27%. Khối lượng giao dịch đạt 274,5 triệu đơn vị, giá trị tương đương 9.099,649 tỷ đồng. Toàn thị trường có 16 mã tăng giá (1 mã tăng trần); 4 mã đứng giá và 10 mã giảm giá.
Cùng chiều, chỉ số HNX giữ ở mức 252,56 điểm, tăng 1,11 điểm, tương đương 0,44%. Khối lượng giao dịch đạt 109,3 triệu đơn vị, giá trị tương đương là 2.098,151 tỷ đồng. Toàn thị trường có 81 mã tăng giá (7 mã tăng trần); 73 mã đứng giá và 110 mã giảm giá (4 mã giảm sàn).
Chỉ số HNX30 giữ ở mức 520,29 điểm, tăng 4,96 điểm, tương đương 0,96%. Khối lượng giao dịch đạt 66,7 triệu đơn vị, giá trị tương đương là 1.629,181 tỷ đồng. Toàn thị trường có 11 mã tăng giá; 6 mã đứng giá và 13 mã giảm giá.
Việc các chỉ số đồng loạt tăng mạnh trong phiên làm việc hôm nay được hỗ trợ khá tích cực từ nhóm cổ phiếu lớn, trong đó tiêu biểu là cổ phiếu VIC khi duy trì đà tăng trần trong suốt buổi giao dịch, sau thông tin hãng xe biểu tượng của Việt Nam niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán Mỹ vào tối ngày 15/08 (giờ Việt Nam), thời điểm giới đầu tư đón chào một thời khắc lịch sử cổ phiếu VFS của VinFast chính thức chào sàn Nasdaq.
Ngay sau tiếng chuông mở cửa phiên, cổ phiếu VFS tăng lên mức 22 USD/cổ phiếu, giúp vốn hóa của hãng xe vượt mốc 50 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức định giá trước khi lên sàn là 23 tỷ USD.
Chưa dừng lại tại đó, sau khi hạ nhiệt xuống ngưỡng 17 USD/cổ phiếu, cổ phiếu VFS đã trở lại đường đua và bứt tốc một mạch lên ngưỡng hơn 37 USD/cổ phiếu khi đóng cửa phiên giao dịch, giúp vốn hóa của hãng lên mức trên 85 tỷ USD. Đây là một con số khổng lồ đối với một doanh nghiệp Việt Nam.
Sự kiện chào sàn chứng khoán Mỹ thành công tốt đẹp của Vinfast đã tiếp thêm sức nóng cho cổ phiếu VIC và liên tục lan tỏa sang những mã giao dịch khác. Theo đó, ở nhóm VN30, thị trường ghi nhận 16 mã tăng giá và 10 mã giảm giá. Trong đó, VIC tăng mạnh nhất với mức trần 6,9%; STB tăng 4,4%; TCB tăng 3,7%; VHM tăng 1,9%...
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, thị trường cũng ghi nhận nhiều cổ phiếu tăng cao, thậm chí là tăng trần như FCM tăng trần 7%; TNA tăng 6,9%; TNT tăng 6,8%; DC4 tăng 6,7%; TDH tăng trần 7%; TTF tăng 1,2%; VIX tăng 6,4%...
Trước đó, trong phiên làm việc buổi sáng, thị trường cũng ghi nhận đà tăng của tất cả các chỉ số. Trong đó, chốt phiên sáng trên sàn HOSE, chỉ số Vn-Index cũng tăng 7,44 điểm, tương đương 0,60%, lên mức 1.241,49 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 426,7 triệu đơn vị, giá trị tương đương là 9.978,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 29,1 triệu đơn vị, giá trị 823,4 tỷ đồng. Toàn thị trường có 198 mã tăng và 233 mã giảm.
Cùng chiều, chỉ số HNX-Index tăng 0,19 điểm, tương đương 0,08%, lên mức 251,64 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 49,4 triệu đơn vị, giá trị 970,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,3 triệu đơn vị, giá trị 36 tỷ đồng. Toàn thị trường có 76 mã tăng và 86 mã giảm.
Theo khuyến nghị từ các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), nhà đầu tư ngắn hạn nên tiếp tục duy trì danh mục hiện tại và theo dõi diễn biến thị trường. Với nhà đầu tư trung, dài hạn đã giải ngân trong thời gian vừa qua đón đầu giai đoạn bùng nổ sau tích lũy nếu cơ cấu tốt thì hiện tại hoàn toàn có thể tiếp tục nắm giữ, trong trường hợp muốn gia tăng tỷ trọng, nhà đầu tư có thể tận dụng mua vào ở các nhịp điều chỉnh, mục tiêu giải ngân đầu tư trung, dài hạn nên hướng tới các nhóm cổ phiếu đầu ngành, các cổ phiếu đang tích lũy và không bị điều chỉnh sâu, có kỳ vọng kết quả kinh doanh tiếp tục tăng trưởng trong năm nay. Chiến lược giải ngân trung - dài hạn nên là gia tăng giải ngân trong các giai đoạn thị trường điều chỉnh giảm.
Minh Ngọc