Bất động sản Biz

Tin ngân hàng ngày 15/3: HSBC “thu xếp vốn” cho Vingroup hiện thực hóa cam kết xanh

Thứ ba, 15/03/2022 | 11:29 Theo dõi BĐS Biz trên
BIDV thông báo bán đấu giá lần 10 khoản nợ của Công ty TNHH Thép Việt Nga; Bảo Việt nhân thọ ra mắt sản phẩm bảo hiểm “An Vui Sống Khỏe”; OCB công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, lợi nhuận trước thuế đạt gần 5.520 tỷ đồng

Ngân hàng HSBC hợp tác cùng một số ngân hàng khác vừa cung cấp khoản vay hợp vốn xanh đầu tiên cho Tập đoàn Vingroup (Vingroup) và Công ty cổ phần Sản xuất và Kinh doanh VinFast (VinFast). Khoản vay xanh trị giá tổng cộng 500 triệu USD.

HSBC “thu xếp vốn” cho Vingroup hiện thực hóa cam kết xanh/Ảnh minh họa.

HSBC đóng vai trò là đồng tư vấn tài chính bền vững và đồng bảo lãnh, thu xếp vốn và dựng sổ cho giao dịch lần này, cấu trúc và cung cấp giải pháp tài chính cạnh tranh cho cả Vingroup và VinFast. Giao dịch nhận được sự quan tâm lớn từ thị trường, giúp tăng quy mô khoản vay từ 400 triệu USD lúc ban đầu lên 500 triệu USD.

Khoản tín dụng hướng tới việc hỗ trợ Tập đoàn Vingroup và công ty thành viên của mình trong chi phí vốn, vốn lưu động và các mục đích chung của doanh nghiệp tuân thủ theo Nguyên tắc Tín dụng Xanh 2021 và Khung Tài chính Bền vững của Vingroup.

Năm 2021, HSBC đã hỗ trợ Vingroup xây dựng bộ khung này, bao gồm sáu hạng mục dự án xanh và hai hạng mục dự án xã hội thuộc các mảng kinh doanh của tập đoàn. Khung tài chính Bền vững cũng nhận được đánh giá tích cực từ Sustainalytics - công ty chuyên đánh giá độc lập tính bền vững của doanh nghiệp niêm yết.

Đây cũng là giao dịch vay hợp vốn thứ năm mà HSBC thực hiện cho Vingroup kể từ khi xác lập mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai bên vào năm 2018, và cũng là giao dịch huy động vốn bền vững thứ hai với Tập đoàn trong vòng 6 tháng, sau khi HSBC tham gia vào giao dịch phát hành 425 triệu USD trái phiếu bền vững có quyền chọn nhận cổ phiếu của Vingroup vào tháng 9/2021.

BIDV thông báo bán đấu giá lần 10 khoản nợ của Công ty TNHH Thép Việt Nga

Theo thông báo của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), tổng dư nợ của khoản vay tính đến ngày 2/7/2021 là 475 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc 266,9 tỷ đồng, dư nợ lãi, phí phạt chậm trả 208 tỷ đồng.

Giá khởi điểm của khoản nợ này là gần 269 tỷ đồng, giảm hơn 200 tỷ so với mức chào bán lần đầu và chỉ nhỉnh hơn khoảng 2 tỷ đồng so với dư nợ gốc.

Tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ thanh toán của Thép Việt Nga đối với khoản nợ là một loạt quyền sử dụng đất và nhà xưởng ký kết với BIDV từ năm 2014, 2015.

Trong đó, đáng kể nhất là quyền sử dụng 4.466 m2 đất (đất cơ sở sản xuất kinh doanh), quyền sở hữu nhà ở (diện tích xây dựng 3.175 m2) và tài sản khác gắn liền với đất tại C12/20A, Ấp 3, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM; nhà xưởng với diện tích xây dựng 3.744,7 m2 tại C12/15E, Ấp 3, Quốc lộ 1A, xã Tân Kiên trên diện tích 4.933,9 m2 đất cơ sở sản xuất kinh doanh.

Thép Việt Nga cũng dùng quyền sử dụng 1.123 m2 đất cơ sở sản xuất kinh doanh và nhà xưởng với diện tích xây dựng 1.883,4 m2 tại C12/15A, Ấp 3 Quốc lộ 1A, xã Tân Kiên; quyền sử dụng thửa đất số 4377, tờ bản đồ số 3 tại xã Tân Kiên với diện tích 4.170,1 m2 (mục đích sử dụng là kho chứa hàng nông sản, lương thực) để bảo đảm cho khoản vay.

Ngoài ra, tài sản bảo đảm còn có quyền sử dụng 224,13 m2 đất ở tại đô thị, quyền sở hữu nhà ở (diện tích xây dựng 123,41 m2) và tài sản gắn liền với đất tại thửa đất số 17, địa chỉ 202/5 Hoàng Văn Thụ, Phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM; quyền thuê lại quyền sử dụng đất và nhà xưởng diện tích 4.110 m2 tại Lô B081 - 082, Đường số 1, Khu công nghiệp Đức Hòa 1, huyện Đức Hòa, TP. Long An.

Công ty TNHH Thép Việt Nga được thành lập và chính thức đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh từ tháng 7/2006, hoạt động chính trong lĩnh vực buôn bán sắt thép, đặc biệt ở khu vực phía Nam.

Bảo Việt nhân thọ ra mắt sản phẩm bảo hiểm “An Vui Sống Khỏe”

Mới đây, Bảo Việt Nhân thọ đã cho ra mắt sản phẩm bảo hiểm An Vui Sống Khỏe, chăm sóc y tế toàn diện cho người tham gia với mức bảo vệ lên đến 1 tỷ đồng/năm, mức phí đóng phù hợp cho từng độ tuổi và được giảm phí đến 15% cho năm tiếp theo khi không có yêu cầu bồi thường.

Để người tham gia an tâm dưỡng bệnh, An Vui Sống Khỏe cam kết chi trả 100% chi phí y tế thực tế điều trị nội trú, với chi phí giường phòng tối đa 5 triệu đồng/ngày tại khoa thường và tối đa 10 triệu đồng/ngày cho trường hợp cần nằm tại khoa Hồi sức tích cực.

Đồng thời, với mỗi đợt người tham gia tiếp nhận điều trị, An Vui Sống Khỏe chi trả lên đến 150 triệu đồng cho quyền lợi phẫu thuật và 20 triệu đồng cho tổng chi phí thăm khám, xét nghiệm, thuốc men,… trước và sau nhập viện.

Đặc biệt, khi người tham gia được chẩn đoán mắc bệnh ung thư hoặc cần thực hiện cấy ghép nội tạng, ngoài quyền lợi điều trị nội trú, An Vui Sống Khỏe sẽ tiếp tục chi trả các khoản viện phí với số tiền bảo hiểm tối đa 1 tỷ đồng, giúp khách hàng tiếp cận với các phương pháp điều trị tiên tiến nhất, nâng cao khả năng chữa lành bệnh.

Quyền lợi thai sản cũng là một trong những điểm sáng của sản phẩm, mang lại quyền lợi hỗ trợ tài chính thiết thực cho các khách hàng nữ tham gia. Với tổng mức bảo hiểm lên đến 50 triệu đồng, An Vui Sống Khỏe sẽ chi trả các chi phí: sinh thường/sinh mổ, giường phòng, điều trị biến chứng thai sản, giúp khách hàng và gia đình tận hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc chào đón con yêu ra đời.

An Vui Sống Khỏe là một trong số ít các sản phẩm bảo hiểm trên thị trường mang đến quyền lợi giảm phí, hỗ trợ tài chính để khuyến khích khách hàng chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân, gìn giữ tài chính gia đình trước các rủi ro bệnh tật không mong muốn. Khi người tham gia không có yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm, tại thời điểm gia hạn hợp đồng năm tiếp theo, mức phí đóng sẽ được giảm tối đa 15%.

Đại diện Bảo Việt Nhân thọ cho biết, An Vui Sống Khỏe sẽ được phát hành dưới dạng thẻ cứng, cất gọn tiện lợi, dễ dàng mang theo, giúp người tham gia được thanh toán viện phí trực tiếp trong hạn mức bảo hiểm, không phát sinh giao dịch tiền mặt.

OCB công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, lợi nhuận trước thuế đạt gần 5.520 tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021. Theo báo cáo, tổng tài sản của OCB tính đến 31/12/2021 đạt 184.491 tỷ đồng, tăng 21% so với đầu năm. Huy động vốn trên thị trường 1 (bao gồm ủy thác đầu tư) đạt 126.430 tỷ đồng tăng 17%. Dư nợ cho vay trên thị trường 1 (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) đạt 103.595 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2020.

OCB công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, lợi nhuận trước thuế đạt gần 5.520 tỷ đồng/Ảnh minh họa

Lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 5.519 tỷ đồng, tăng 25% so với năm trước nhờ nguồn thu chính của OCB tăng trưởng 14% so với năm trước, thu về hơn 5.686 tỷ đồng thu nhập lãi thuần. Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt gần 63% tính từ năm 2016-2021. Hệ số CAR kết thúc năm thuộc top đầu ngành, duy trì ở mức 12,3%.

Ngân hàng tiếp tục duy trì tỷ suất lợi nhuận ROE và ROA cao, lần lượt đạt 2,59% và 22%. Chất lượng tài sản được cải thiện đáng kể, tỷ lệ nợ xấu (nhóm 3 - nhóm 5) của ngân hàng giảm về mức 0,97% từ mức 1,42% năm 2020, tỷ lệ nợ quá hạn (nhóm 2 – nhóm 5) giảm về mức 2,65% từ mức 3,97% năm 2020. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cải thiện từ mức 62,1% năm 2020 lên mức 82,7% năm 2021.

Kế hoạch kinh doanh trong năm 2022 của OCB dự kiến mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận ở mức 25% - 30%, ROE trên 20%; duy trì mức cổ tức từ 20% - 25% cho cổ đông. Tuy nhiên, các mục tiêu này vẫn đang được Hội đồng quản trị cân nhắc trước khi trình cổ đông trong kỳ Đại hội cổ đông thường niên dự kiến được tổ chức vào ngày 23/04/2022 sắp tới đây tại TP. HCM.

Trong năm 2021, OCB đã thực hiện tăng vốn từ 10.959 tỷ đồng lên 13.699 tỷ đồng thông qua việc trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 25%. Gần 274 triệu cp đã được phát hành ra thị trường, nâng tổng số cổ phiếu đang lưu hành lên gần 1,4 tỷ cp.

Ngày 12/01/2022, OCB cũng đã thông qua phương án chào bán 5 triệu cp ưu đãi cho cán bộ nhân viên (ESOP) với giá 10,000 đồng/cp. Cổ phần mới phát hành sẽ chịu hạn chế chuyển nhượng 4 năm kể từ ngày phát hành . Ngân hàng sẽ thực hiện phân phối cổ phiếu đến nhân viên ngay sau khi được Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Năm 2021 cũng là năm OCB đạt được nhiều bước tiến quan trọng trong số hóa. Số lượng người dùng OCB OMNI tăng gấp 3 lần, lượng giao dịch tăng hơn 60% và eKYC tăng 15 lần so với 2020. Trong năm 2021 hầu hết quy trình, văn bản đều được thực hiện, phê duyệt online đến gần 80% từ đó tối ưu được năng suất lao động, tiết giảm chi phí hoạt động.

Theo Huy Tùng (T/H)/ Petrotimes

Link nguồn: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/tin-ngan-hang-ngay-153-hsbc-thu-xep-von-cho-vingroup-hien-thuc-hoa-cam-ket-xanh-644863.html?

Tốc độ gia tăng nợ nhóm 2 tại MB chậm lại, thu về hơn 1.900 tỷ từ bán bảo hiểm

Tốc độ gia tăng nợ nhóm 2 tại MB chậm lại, thu về hơn 1.900 tỷ từ bán bảo hiểm

Quý I/2024, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, Mã: MBB) thu về hơn 4.600 tỷ đồng lãi sau thuế, tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 3%.
Hơn 351.000 tỷ đồng dư nợ trái phiếu bất động sản

Hơn 351.000 tỷ đồng dư nợ trái phiếu bất động sản

Bộ Tài chính cho biết, tính đến 31/12/2023, tổng dư nợ phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản là 351.390 tỷ đồng.
Một thành viên của Eurowindow Holding báo lãi khiêm tốn, 'sạch' nợ trái phiếu

Một thành viên của Eurowindow Holding báo lãi khiêm tốn, 'sạch' nợ trái phiếu

T&M Vân Phong - Chủ siêu dự án Wonder City Vân Phong Bay, là thành viên của Eurowindow Holding lãi chưa đầy chục tỷ trong năm 2023, còn khoảng 152 tỷ đồng nợ phải trả.
Cổ phiếu CRE của Công ty cổ phần Bất động sản Thế Kỷ bị đưa vào diện cảnh báo

Cổ phiếu CRE của Công ty cổ phần Bất động sản Thế Kỷ bị đưa vào diện cảnh báo

Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) ra quyết định về việc đưa cổ phiếu CRE của Công ty cổ phần Bất động sản Thế Kỷ (Cenland) vào diện cảnh báo kể từ ngày 10/4/2024.
VietABank: Lợi nhuận năm 2023 giảm mạnh sau kiểm toán, lãi dự thu bất ngờ tăng thêm nghìn tỷ

VietABank: Lợi nhuận năm 2023 giảm mạnh sau kiểm toán, lãi dự thu bất ngờ tăng thêm nghìn tỷ

Sau kiểm toán, lợi nhuận tại VietABank năm 2023 "bốc hơi" hơn chục tỷ đồng, lãi dự thu gần 8.000 tỷ đồng. Trong khi nhà băng này đang sở hữu "núi" sổ đỏ thế chấp.
Chủ tịch ngân hàng OCB Trịnh Văn Tuấn và 'người thân' đang nắm giữ bao nhiêu vốn?

Chủ tịch ngân hàng OCB Trịnh Văn Tuấn và "người thân" đang nắm giữ bao nhiêu vốn?

Mới đây Luật các tổ chức tín dụng 2024 đã được thông qua, trong đó đáng chú ý nhất là việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng. Theo Luật mới, cổ đông và người có liên quan không được sở hữu quá 15%, giảm so với quy định hiện hành là 20%.
SeABank đang rót tiền nhiều nhất vào ngành nào?

SeABank đang rót tiền nhiều nhất vào ngành nào?

Năm 2023, cơ cấu dư nợ cho vay theo ngành nghề kinh doanh của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank - Mã: SSB) ghi nhận thay đổi với hàng loạt sổ đỏ thế chấp.
Nợ xấu vẫn là nỗi lo đối với nhóm công ty tài chính tiêu dùng

Nợ xấu vẫn là nỗi lo đối với nhóm công ty tài chính tiêu dùng

Năm 2023, điều kiện kinh tế không thuận lợi đã tiếp tục gây ảnh hưởng tiêu cực tới lợi nhuận và nợ xấu tại nhóm công ty tài chính tiêu dùng.
Bất động sản Biz