Câu hỏi về cơ sở và lộ trình cụ thể của yêu cầu này sau đó đã được báo giới nêu ra tại cuộc họp báo ngay sau khi kỳ họp bất thường lần thứ nhất bế mạc.
Câu hỏi về cơ sở và lộ trình cụ thể của yêu cầu này sau đó đã được báo giới nêu ra tại cuộc họp báo ngay sau khi kỳ họp bất thường lần thứ nhất bế mạc.
Trước đó, như BizLIVE đã thông tin, cả Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước khi giải trình ý kiến đại biểu đã thống nhất, trong bối cảnh hiện nay, việc tăng thuế suất đối với các giao dịch, nhất là giao dịch chứng khoán, bất động sản ... cần phải nghiên cứu thận trọng trước khi áp dụng, để giảm thiểu ảnh hưởng bất lợi đến sự phát triển của thị trường.
Vì theo quy định hiện nay, doanh nghiệp, tổ chức trong nước nộp thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán theo mức thuế suất 20% trên thu nhập. Đối với tổ chức nước ngoài (nhà thầu nước ngoài) áp dụng tỷ lệ thuế 0,1% trên doanh thu bán chứng khoán. Đối với cá nhân áp dụng mức thuế suất 0,1% trên giá bán chứng khoán (việc áp dụng mức thu thuế theo tỷ lệ % trên doanh thu, giá bán chứng khoán không phân biệt có lãi hay không có lãi).
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trực tiếp nói trước Quốc hội rằng, thị trường chứng khoán đang là kênh huy động vốn rất tốt cho nền kinh tế, đề nghị giữ nguyên, chưa tăng thuế tại thời điểm này.
Tại cuộc họp báo, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn nói việc giao Chính phủ nghiên cứu tăng thuế đối với giao dịch chứng khoán, bất động sản là bước đi thận trọng cần thiết của Quốc hội.
Ông Toàn khẳng định, các vị đại biểu và Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu rất kỹ đề xuất tăng thuế đối với giao dịch chứng khoán và bất động sản, nhưng Chính phủ giải trình chưa tăng thời điểm này cũng có căn cứ, nên Quốc hội không quyết định ngay mà giao Chính phủ tiếp tục nghiên cứu.
Việc giao Chính phủ nghiên cứu là bước thận trọng cần thiết của Quốc hội, nếu xem xét ngay mà tác động không thuận thì không quyết ngay, khi nào đủ điều kiện thì quyết định, ông Toàn trả lời báo chí.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhấn mạnh, chính sách thuế cần nghiên cứu thận trọng nhất là chính sách liên quan đến thị trường chứng khoán, vì đây là kênh huy động vốn quạn trọng cho nền kinh tế.
Cùng trả lời câu hỏi trên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang nhận xét, các cơ quan chức năng giải thích lý do chưa tăng thuế chứng khoán, bất động sản là hợp lý, chưa có đủ cơ sở để trình Quốc hội tăng thuế tại kỳ họp này.
Tuy nhiên, ông Giang thông tin là chương trình xây dựng pháp luật cho nhiệm kỳ này đã giao cho các cơ quan liên quan nghiên cứu lộ trình cụ thể hoàn thiện các đạo luật về thuế. Để ban hành chính sách nói chung cũng như chính sách thuế cần tổng kết, đánh giá tác động kỹ càng.
Phó chủ nhiệm Nguyễn Hữu Toàn cũng cho rằng, những chính sách quan trọng như tăng thuế với giao dịch chứng khoán hay bất động sản thì rất cần lắng nghe từ cơ quan trình, cơ quan thẩm tra, đối tượng chiu sự tác động. Nếu chỉ lắng nghe một phía thì chưa toàn diện, nhất là thị trường chứng khoán có số lượng các nhà đầu tư lớn, chừng nào chưa có đánh giá tác động rõ ràng thì chưa xem xét, điều đó thể hiện sự thận trọng cần thiết của Quốc hội.
Thông tin Tập đoàn Tân Hoàng Minh vừa có quyết định xin bỏ cọc lô đất trúng đấu giá tại Khu đô thị Thủ Thiêm (TP.HCM) cũng được báo giới đưa ra tại cuộc họp báo trên.
Còn theo Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, việc đấu giá đất thì không liên quan đến nội dung kỳ họp của Quốc hội, tuy nhiên nếu diễn ra đúng quy định pháp luật thì đó là giao dịch bình thường. Nếu Tân Hoàng Minh rút lui thì sẽ mất tiền cọc, cũng là hoạt động bình thường và không có gì nghiêm trọng; việc xem xét sau này là của cơ quan quản lý.
Theo PV/Petrotimes
Link nguồn: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/van-nghien-cuu-phuong-an-tang-thue-tan-hoang-minh-rut-lui-cung-la-hoat-dong-binh-thuong-638852.html?