Theo yêu cầu của Bộ Tài chính, các doanh nghiệp phát hành với quy mô lớn so với vốn tự có, phát hành không có tài sản đảm bảo và phát hành nhiều đợt cũng nằm trong diện cần được thanh tra, kiểm tra, giám sát…
Theo yêu cầu của Bộ Tài chính, các doanh nghiệp phát hành với quy mô lớn so với vốn tự có, phát hành không có tài sản đảm bảo và phát hành nhiều đợt cũng nằm trong diện cần được thanh tra, kiểm tra, giám sát…
Kiểm tra, giám sát chặt việc phát hành TPDN
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa có văn bản yêu cầu Ủy Ban chứng khoán nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng, Thanh tra Bộ Tài chính, Tổng cục thuế, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp để đảm bảo thị trường TPDN trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả và hạn chế tối đa rủi ro cho nhà đầu tư.
Văn bản nhấn mạnh, trong thời gian qua, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), đặc biệt là phát hành TPDN không có tài sản đảm bảo của một số doanh nghiệp, tổ chức phát hành có dấu hiệu tăng nhanh và nóng, tiềm ẩn nguy cơ gây hậu quả cho nền kinh tế.
Để đảm bảo thị trường TPDN trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả và hạn chế tối đa rủi ro cho nhà đầu tư, Bộ Tài chính yêu cầu Ủy ban Chứng khoán nhà nước đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, khẩn trưởng xử lý nghiêm và báo cáo Bộ Tài chính kết quả kiểm tra để xử lý.
Tiến hành xử phạt nghiêm, công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng về các hành vi vi phạm của các cá nhân, doanh nghiệp. Trường hợp xác định có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư, khẩn trương chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với các đơn vị và các cơ quan liên quan kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp phát hành với quy mô lớn so với vốn tự có, phát hành không có tài sản đảm bảo và phát hành nhiều đợt.
Đẩy nhanh việc ban hành Thông tư hướng dẫn giao dịch TPDN riêng lẻ giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo trách nhiệm được giao tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP. Đồng thời chỉ đạo Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Sở GDCK Hà Nội triển khai hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật để vận hành hệ thống giao dịch thứ cấp TPDN riêng lẻ.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng giao Vụ Tài chính ngân hàng và các cơ quan liên quan tập trung phối hợp với Ủy ban chứng khoán nhà nước hoàn thiện pháp luật về phát hành TPDN. Tăng cường công tác quản lý giám sát, nâng cao chất lượng công bố thông tin cho nhà đầu tư, cách thức quản lý nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để thị trường phát triển lành mạnh. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiến nghị xử lý nghiêm vi phạm về phát hành TPDN.
Triển khai công tác tuyên truyền về pháp luật và cảnh báo các rủi ro trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp đến nhà đầu tư, doanh nghiệp phát hành và các đối tượng tham gia thị trường.
Trước đó, Bộ Tài chính cũng khuyến cáo nhà đầu tư hết sức thận trọng, đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu doanh nghiệp. Không mua trái phiếu doanh nghiệp thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ (công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại) khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu.
Trái phiếu không tài sản đảm bảo vẫn “nóng”
Mới đây, Ủy ban Chứng khoán nhà nước (SSC) đã xử phạt Công ty cổ phần Tập đoàn VsetGroup do chào bán trái phiếu doanh nghiệp thông qua phương tiện thông tin đại chúng cho đối tượng nhà đầu tư không xác định, mà không đăng ký với SSC theo quy định.
Theo đó, Tập đoàn VsetGroup bị xử phạt 600 triệu đồng và buộc thu hồi toàn bộ trái phiếu đã chào bán, hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua trái phiếu hoặc tiền đặt cọc cộng thêm tiền lãi (nếu có).
Theo thống kê của Bộ Tài Chính, 9 tháng đầu năm, trên thị trường trái phiếu riêng lẻ, các tổ chức tín dụng có khối lượng phát hành trái phiếu lớn nhất chiếm 37,3%, các doanh nghiệp bất động sản chiếm 31,1%. Tỉ trọng nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp mua sơ cấp trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ giảm mạnh so với năm 2020.
Tuy nhiên, trên thị trường vẫn có trường hợp doanh nghiệp phát hành với khối lượng lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh lỗ qua các năm. Phần lớn tài sản đảm bảo của trái phiếu là bất động sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu doanh nghiệp - giá trị của tài sản đảm bảo chịu ảnh hưởng diễn biến của thị trường...
Về chất lượng tài sản đảm bảo trái phiếu doanh nghiệp, trong báo cáo về thị trường trái phiếu doanh nghiệp quý 3/2021 của SSI, đơn vị này cũng đánh giá chất lượng tài sản bảo đảm của thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam còn nhiều hạn chế.
Riêng trong nhóm trái phiếu bất động sản, tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án đầu tư, tài sản sẽ hình thành trong tương lai hoặc cổ phần của chính doanh nghiệp phát hành. Nếu tính các trái phiếu bất động sản được đảm bảo một phần bằng cổ phiếu, con số này là hơn 140.000 tỷ đồng, chiếm 67% tổng lượng trái phiếu bất động sản phát hành trong 9 tháng đầu năm.
Tỷ trọng các doanh nghiệp phát hành không có tài sản đảm bảo cũng tương đối cao, chiếm 15,8% tổng lượng phát hành. SSI nhận định đây sẽ là rủi ro lớn cho các nhà đầu tư trong trường hợp dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản không được đảm bảo nếu hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn và sẽ không trả được nợ gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư.
Mặt khác, việc đảm bảo nghĩa vụ thanh toán nợ gốc lãi trái phiếu bằng cổ phiếu không có nhiều ý nghĩa vì khi vi phạm xảy ra, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán thì giá trị cổ phiếu dùng làm tài sản đảm bảo cũng sẽ sụt giảm nghiêm trọng…
Thời gian gần đây, thị trường ghi nhận những thương vụ phát hành trái phiếu giá trị lớn nhưng không có tài sản đảm bảo như: Dragon Village phát hành 4 lô trái phiếu, tổng giá trị 2.000 tỷ đồng; TNR Holdings huy động thành công 1.500 tỷ đồng qua 3 đợt phát hành; Tập đoàn DOJI huy động 1.500 tỷ đồng qua 2 đợt phát hành; CTCP Đầu tư Nam Long huy động 950 tỷ đồng trong 1 đợt phát hành…
Hoặc những lô trái phiếu sử dụng cổ phần, cổ phiếu làm tài sản đảm bảo như: Crystal Bay huy động 450 tỷ đồng trái phiếu, tài sản đảm bảo là 78,2 triệu cổ phần Crystal Bay; Khải Hoàn Land thế chấp 42 triệu cổ phiếu KHG để huy động 300 tỷ đồng trái phiếu...
Theo Hải Lan/SHTT
Link nguồn: https://sohuutritue.net.vn/trai-phieu-khong-tai-san-dam-bao-tang-nhanh-va-nong-bo-tai-chinh-yeu-cau-thanh-tra-kiem-tra-giam-sat-chat-d27769.html