MSB hoàn tất bán công ty con AMC, tiếp tục bán 100% vốn FCCOM
MSB hoàn tất bán công ty con AMC, tiếp tục bán 100% vốn FCCOM
Ngày 28/12, MSB công bố thông tin về việc hoàn tất bán đấu giá và chuyển nhượng AMC và thông qua nghị quyết về việc bán 100% vốn công ty tài chính FCCOM.
Việc thoái vốn khỏi hai công ty AMC và FCCOM nằm trong định hướng chiến lược của Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải (MSB) nhằm tập trung nguồn lực phát triển mạnh mảng kinh doanh cốt lõi của ngân hàng.
AMC và FCCOM là hai công ty con mà MSB sở hữu 100% vốn, trong đó AMC là công ty quản lý nợ và khai thác tài sản MSB với vốn điều lệ 100 tỷ đồng và FCCOM là công ty tài chính MTV Cộng đồng với vốn điều lệ 500 tỷ đồng.
Trước đó, trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư hôm 21/12/2021, Tổng Giám đốc MSB Nguyễn Hoàng Linh cũng tiết lộ thương vụ chuyển nhượng FCCOM sẽ mang lại cho MSB khoản lợi nhuận khoảng 2.000 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn tất và hạch toán lợi nhuận trong năm 2022.
Ngân hàng SeABank được tăng vốn điều lệ lên 14.785 tỷ đồng
Ngân hàng Nhà nước vừa chấp thuận cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank- mã SSB) được tăng vốn điều lệ từ 13.425 tỷ đồng lên gần 14.785 tỷ đồng sau đợt chào bán 136 triệu cổ phiếu với tỷ lệ phát hành 10,13% cho các cổ đông hiện hữu năm 2021.
Đây là lần tăng vốn thứ 2 trong năm 2021 của SeABank. Trước đó, vào tháng 9/2021, SeABank đã tăng thêm hơn 1.337 tỷ đồng vốn điều lệ thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP) đã được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên SeABank năm 2021.
Mới đây, SeABank cũng vừa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận thành lập thêm 6 chi nhánh/điểm giao dịch và phương án tăng vốn điều lệ lên mức 16.598 tỷ đồng. Hiện Ngân hàng đang hoàn thiện các thủ tục để tiếp tục triển khai chào bán ra công chúng nhằm tăng vốn điều lệ lên 16.598 tỷ đồng trong năm 2022.
Việc tăng vốn điều lệ là một dấu mốc quan trọng trong kế hoạch và định hướng phát triển của Ngân hàng nhằm nâng cao tiềm lực tài chính và củng cố an toàn vốn, từ đó tạo tiền đề để SeABank đầu tư toàn diện về nhiểu mặt như cơ sở vật chất, hệ thống, công nghệ, duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ngân hàng; đồng thời đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của khách hàng trên toàn quốc.
BIDV huy động thêm 9.000 tỷ đồng qua trái phiếu tín chấp dài hạn
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã: BID) vừa ra thông báo chào bán trái phiếu ra công chúng.
Theo đó, ngân hàng sẽ phát hành tổng cộng 90 triệu trái phiếu với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, được chia làm 2 đợt.
Trong đợt 1, ngân hàng sẽ phát hành 50 triệu trái phiếu với các kỳ hạn 7 năm, 8 năm và 10 năm. Trong đợt 2, ngân hàng sẽ phát hành 40 triệu trái phiếu với kỳ hạn tương tự. Đây đều là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo. Lãi suất của trái phiếu là lãi suất thả nổi, được tính bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ 0,5 - 1 %/năm tuỳ loại.
Phía ngân hàng cho biết mục đích phát hành trái phiếu là để tăng quy mô vốn hoạt động của ngân hàng, tạo thêm kênh thu hút vốn trung và dài hạn để đáp ứng nhu cầu đầu tư đa dạng của khách hàng, đảm bảo sự bền vững nguồn vốn của ngân hàng.
Số tiền thu được từ phát hành trái phiếu sẽ được sử dụng để tăng quy mô vốn ngân hàng và cho vay nền kinh tế đối với nhiều ngành nghề như sản xuất, phân phối điện, công nghiệp, thương mại công nghiệp,...
Chủ tịch Agribank tiếp tục đề xuất tăng vốn, muốn có 2 cơ chế đặc thù
Tham luận tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022 được tổ chức chiều 29/12/2021 tại Hà Nội, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank cho biết, dự kiến đến 31/12/2021, Agribank hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh.
Theo đó, tổng tài sản ước đạt 1,68 triệu tỷ, tăng 7,3%; huy động vốn đạt 1,563 triệu tỷ, tăng 7,5%; tín dụng đạt 1,316 triệu tỷ, tăng 8,5%.
Chủ tịch Agribank cũng cho biết 2021 là năm Agribank thay đổi toàn diện mô hình tổ chức để hướng theo quản trị, điều hành của ngân hàng thương mại hiện đại, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hướng đến ngân hàng số.
Trong năm 2022, ông Phạm Đức Ấn cho biết, áp lực lạm phát lớn khi Chính phủ triển khai chính sách tài khóa, tiền tệ nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và tình hình thị trường chứng khoán, bất động sản nếu không kịp thời kiểm soát sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế cũng như hệ thống ngân hàng.
Vì vậy, ông Ấn dự kiến hoạt động ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là chất lượng tín dụng. Đồng thời, dư địa để giảm lãi suất rất ít khi lãi suất huy động hiện nay đã ở mức thấp, nếu giảm tiếp thì khả năng người gửi tiền sẽ tìm kênh đầu tư khác thay vì gửi tiền vào ngân hàng.
4 ngân hàng quốc doanh đồng loạt miễn phí giao dịch
Đứng trước làn sóng “chuyển đối số 4.0”, mới đây, cả ba ông lớn Vietcombank, BIDV rồi sau đó là VietinBank đều bất ngờ thông báo miễn phí chuyển tiền online cho toàn bộ giao dịch cả trong và ngoài hệ thống cho khách hàng.
Vào tháng 5, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã thực hiện chính sách miễn phí chuyển tiền trong nước, áp dụng đồng loạt tại 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn quốc và cả các kênh ngân hàng điện tử của Agribank.
Như vậy cả nhóm Big4 ngân hàng đều ngừng thu phí chuyển tiền online áp dụng cho tất cả khách hàng cá nhân từ ngày 1/1/2022.
"Zero fee" một mặt buộc ngân hàng phải hy sinh nguồn thu từ dịch vụ thanh toán, trong khi vẫn phải chịu các chi phí giao dịch liên quan nhưng mặt khác chính sách này lại giúp ngân hàng nhanh chóng tăng quy mô khách hàng cũng như tăng lượng tiền gửi không kỳ hạn.
Bên cạnh đó, chiến lược miễn phí giao dịch cũng là một trong những động thái nhằm thực hiện chiến lược chuyển đổi số của quốc gia nói chung và của ngành ngân hàng nói riêng, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.
Dự báo nợ xấu ngân hàng có thể lên 7,31%
Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022 diễn ra vào chiều ngày 29/12, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú cho biết, dịch bệnh diễn biến khó lường với sự xuất hiện của biến chủng Omicron khiến triển vọng kinh tế, lạm phát toàn cầu năm 2022 khó dự báo, đặt ra những khó khăn, thách thức mà ngành ngân hàng.
Năm sau, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp với các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2022 bình quân khoảng 4%. Cơ quan điều hành định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Năm 2021, con số này ước đạt 13,5% - 14%. Tính đến 29/12, tăng trưởng tín dụng đạt 12,97% với tổng dư nợ toàn nền kinh tế đạt 10,38 triệu tỷ đồng.
Đáng chú ý, theo ông Đào Minh Tú, dịch bệnh kéo dài khiến doanh nghiệp, khách hàng gặp khó khăn, vòng quay vốn chậm, dòng tiền đứt dãy, doanh thu giảm. Điều này dẫn đến việc mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn, gia tăng rủi ro về thu hồi nợ... Đến năm 2022, tác động đến ngành ngân hàng sẽ mạnh hơn do có độ trễ.
Đến cuối năm nay, tỷ lệ nợ xấu nếu tính cả dư nợ của khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi có nguy cơ chuyển thành nợ xấu, khoảng 7,31%. Trước đó, con số đưa ra tại buổi họp báo ước tính là 8,2%, tuy nhiên sau khi ước tính lại trên tổng tín dụng tăng, tỷ lệ nợ xấu ước tính đã giảm.
Theo Hoàng Long (t/h)/ Sở hữu trí tuệ
Link nguồn: https://vnfinance.vn/tin-ngan-hang-noi-bat-trong-tuan-msb-hoan-tat-ban-cong-ty-con-amc-agribank-tiep-tuc-de-xuat-tang-von-31587.html