Kết quả kinh doanh quý I/2022 của VPBank lãi gấp 3 lần cùng kỳ năm 2021; SHB lên kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ, chào bán 20% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Kết quả kinh doanh quý I/2022 của VPBank lãi gấp 3 lần cùng kỳ năm 2021; SHB lên kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ, chào bán 20% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Lợi nhuận trước thuế quý I/2022 của LienVietPostBank đạt 1.795,4 tỷ
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022 vừa được công bố bởi Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), lợi nhuận trước thuế ngân hàng đạt 1.795,4 tỷ, tăng trưởng 61,5% so với cùng kỳ năm ngoái
Trong đó, hoạt động kinh doanh cốt lõi đóng góp tăng trưởng mạnh. Cụ thể, thu nhập lãi thuần đạt 2.875,7 tỷ, tăng trưởng 40,2% so với cùng kỳ. Theo LienVietPostBank giải thích, thành quả này đến từ việc tăng quy mô cho vay bán lẻ, thu hồi lãi của các khoản vay cơ cấu Covid-19 và tối ưu được hiệu quả sử dụng nguồn vốn.
Bên cạnh đó, nhờ đẩy mạnh các dịch vụ trọng tâm như bảo hiểm, thẻ, ngân hàng số mà lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cũng ghi nhận tăng trưởng 34% so với cùng kỳ năm trước, đạt 217 tỷ.
Ở mặt khác, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối kém khả quan khi ghi nhận lỗ 14,5 tỷ trong khi cùng kỳ có lãi hơn 124 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư cũng lỗ 9,6 tỷ. Các hoạt động kinh doanh khác lãi hơn 191 tỷ.
Theo đó, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt 3.260 tỷ đồng trong quý 1/2022, tăng 38,8% so với cùng kỳ. Chi phí hoạt động tăng 12,3% lên 1153 tỷ. Chi phí dự phòng rủi ro ở mức 311,7 tỷ đồng, tăng 48%.
Tính đến cuối quý 31/03/2022, tổng tài sản ngân hàng ghi nhận giảm 1,5%, đạt hơn 284 nghìn tỷ. Dư nợ cho vay khách hàng giảm 0,7%, đạt mức 204 nghìn tỷ. Tiền gửi khách hàng ở mức 177 tỷ, giảm 1,6%.
Về chất lượng dư nợ cho vay, nợ xấu cuối tháng 3/2022 của LienVietPostBank là 2.953 tỷ, tăng 90 tỷ đồng so với cuối năm 2021. Nợ có khả năng mất vốn tăng hơn 51% lên 2.020 tỷ đồng trong khi nợ nghi ngờ lại giảm mạnh 58% xuống 451 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của ngân hàng tăng từ 1,37% cuối năm 2021 lên 1,42% vào cuối quý 1/2022.
Kết quả kinh doanh quý I/2022 của VPBank lãi gấp 3 lần cùng kỳ năm 2021
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2022 với mức lợi nhuận đạt được (theo quý) cao nhất từ trước đến nay, gấp 3 lần cùng kỳ năm 2021.
Cụ thể, thu nhập lãi thuần của VPBank đạt 9.887 tỷ đồng, tăng 8,42% so với cùng kỳ năm 2021. Lãi thuần hợp nhất từ hoạt động dịch vụ tăng 26,5%, đạt hơn 1.249 tỷ đồng. Tỷ lệ này ở ngân hàng mẹ ghi nhận mức tăng tương ứng gần 30% và tại FE Credit là 4,8% so với cùng kỳ.
Khác với hoạt động dịch vụ, 3 hoạt động ngoài lãi khác đều có kết quả kém sắc. Trong đó, lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư giảm 31% so với quý I/2021, đạt hơn 171 tỷ đồng.
Hoạt động kinh doanh ngoại hối và mua bán chứng khoán kinh doanh đều ghi nhận lỗ lần lượt 83 tỷ đồng và 66 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ là lỗ 43,5 tỷ đồng và 50 tỷ đồng.
Dù các hoạt động ngoài lãi của VPBank có kết quả trái chiều trong quý I, tổng thu nhập hoạt động vẫn đạt mức tăng “khủng”, gấp 9 lần cùng kỳ, tương đương giá trị hơn 7.110 tỷ đồng nhờ ghi nhận khoản thu nhập hoạt động khác hơn 7.436 tỷ đồng.
Theo VPBank, thu nhập hoạt động của ngân hàng tăng trưởng mạnh mẽ một phần nhờ khoản phí hỗ trợ từ thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm giữa VPBank và Công ty Bảo hiểm Nhân thọ AIA Việt Nam.
Ngoài ra, thu nhập từ nợ đã xử lý của ngân hàng hợp nhất cũng đạt kết quả tích cực với 714 tỷ đồng, tăng 21,3% so với quý trước.
Chốt quý I, VPBank báo lãi trước thuế ở tăng gấp 3 lần cùng kỳ, đạt 11.146 tỷ đồng, hoàn thành 37,6% kế hoạch cả năm. Đây là mức lợi nhuận cao nhất theo quý mà ngân hàng này từng đạt được từ trước tới nay.
Tổng tài sản của VPBank tính tới cuối quý I đạt hơn 563.923 tỷ đồng, tăng 3% so với thời điểm đầu năm. Trong đó tiền gửi cùa khách hàng đạt hơn 274.148 tỷ đồng, tăng trưởng ở mức 13%. Dư nợ khách hàng ghi nhận hơn 374.457 tỷ đồng, tăng 5,4% so với thời điểm đầu năm.
Theo công bố của VPBank, trong ba tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng chất lượng tại ngân hàng riêng lẻ đạt 10,3%, tăng gấp đôi mức trung bình ngành. Tăng trưởng huy động đạt 11,5%, giúp đảm bảo tốt các tỷ lệ an toàn thanh khoản của ngân hàng. Về FE Credit, dù hai quý trước có tốc độ tăng trưởng tín dụng âm, nhưng đã bắt nhịp chu kỳ tăng trưởng mới khi đạt mức tăng 1,6% so với quý IV/2021. Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và trên vốn chủ sở hữu (ROE) (không bao gồm thu nhập bất thường) đạt lần lượt ở nmức 3,1% và 21,2%.
SHB lên kế hoạch chào bán 20% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài
Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của SHB diễn ra chiều 20/4 tại Hà Nội. Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) lên kế hoạch phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Theo đó, với phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, SHB cho biết đây là việc cần thiết góp phần nâng cao năng lực quản trị điều hành, nâng khả năng cạnh tranh của SHB để hiện thực mục tiêu trở thành ngân hàng số 1 về hiệu quả đến năm 2026.
Số lượng cổ phiếu chào bán theo phương án này không quá 20% số lượng đã phát hành tại thời điểm hoàn thành việc lựa chọn nhà đầu tư, giá chào bán không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu.
Đối với việc phát hành cổ phiếu ESOP, mệnh giá dự kiến là 10.000 đồng/cổ phiếu, hạn chế chuyển nhượng trong thời gian 18 tháng kể từ ngày kết thúc phát hành. Dự kiến hoàn thành trong quý III/2022.
Cùng với đó, SHB sẽ phát hành hơn 400 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, tương ứng với tỷ lệ cổ tức là 15% trên mệnh giá, cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 15 cổ phiếu mới. Nguồn vốn từ lợi nhuận năm 2021. Thời gian dự kiến phát hành trong quý III/2022.
Đồng thời, SHB dự kiến sẽ chào bán hơn 533 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ thực hiện quyền là 20%, cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu tại ngày chốt danh sách có 1 quyền mua, cứ 100 quyền mua thì được mua thêm 20 cổ phiếu mới.
Giá chào bán được Hội đồng quản trị đề xuất là 12.500 đồng/cổ phiếu, rẻ hơn rất nhiều so với bình quân giá đóng cửa của cổ phiếu SHB trong tháng 3, khoảng 21.541 đồng/cổ phiếu. Thời gian dự kiến phát hành trong quý III/2022.
Cũng tại Đại hội, Chủ tịch Đỗ Quang Hiển tiết lộ lợi nhuận quý I/2022 của SHB ước đạt 3.226 tỷ đồng, đạt gần 30% kế hoạch năm.
Về mục tiêu kinh doanh năm 2022, ông Võ Đức Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm phụ trách điều hành ngân hàng SHB cho biết dự kiến lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 87% so với năm trước, đạt 11.686 tỷ đồng; tổng tài sản tăng trên 12%; vốn điều lệ tăng trưởng 37% so với năm 2021. SHB dự kiến chia cổ tức năm 2022 từ 18%; tăng trưởng nguồn vốn huy động và tổng dư nợ tín dụng năm 2022 dự kiến lần lượt là 9,8% và 14,4%, đạt trên 504.500 tỷ đồng và 421.700 tỷ đồng; nợ xấu kiểm soát dưới 1,3%.
Kim Anh (T/h)/Theo Petrotimes
Link nguồn: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/tin-ngan-hang-ngay-214-shb-len-ke-hoach-chao-ban-20-von-cho-nha-dau-tu-nuoc-ngoai-648580.html