Tranh cãi đề xuất đánh thuế luỹ tiến bất động sản, Vingroup khởi công 2 dự án nhà ở xã hội đầu tiên, cẩn trọng trước ‘tin giả’ về sốt đất tại Lâm Đồng… là những thông tin bất động sản đáng chú ý trong tuần qua.
Tranh cãi đề xuất đánh thuế luỹ tiến bất động sản, Vingroup khởi công 2 dự án nhà ở xã hội đầu tiên, cẩn trọng trước ‘tin giả’ về sốt đất tại Lâm Đồng… là những thông tin bất động sản đáng chú ý trong tuần qua.
Vingroup khởi công 2 dự án nhà ở xã hội đầu tiên
Ngày 27/7 vừa qua, Tập đoàn Vingroup tiến hành động thổ 2 dự nhà ở xã hội đầu tiên với số lượng 3.500 căn tại Thanh Hóa và Quảng Trị. Đây là bước khởi động cho chiến lược phát triển nhà ở xã hội thương hiệu Happy Home của Vingroup nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở giá rẻ. Hai dự án có quy mô hơn 4 ha.
Trong đó, dự án nhà ở xã hội tại Thanh Hóa được xây dựng trên một phần diện tích khu đô thị Vinhomes Star City, thuộc phường Đông Hương và Đông Hải, giáp với đại lộ Nam Sông Mã, bên cạnh trung tâm hành chính mới của thành phố. Dự án được quy hoạch khoảng 70% tổng diện tích dành cho hệ thống cảnh quan và dịch vụ tiện ích như khu tập thể thao ngoài trời, sân chơi trẻ em, vườn hoa cây xanh...
Tại Quảng Trị, khu nhà ở xã hội được thụ hưởng hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật của khu đô thị Nam Đông Hà, cũng như công viên sinh thái Nam Đông Hà lân cận. Từ dự án, cư dân có thể kết nối tới các khu vực quan trọng trong thành phố hoặc Vincom Plaza.
Thanh Hóa và Quảng Trị là hai tỉnh đầu tiên được Vingroup chọn để triển khai chuỗi dự án Happy Home - thương hiệu nhà ở xã hội do Tập đoàn Vingroup công bố vào tháng 5vừa qua. Dự kiến, trong vòng 5 năm tới, Vinhomes sẽ hoàn thiện 500.000 căn nhà ở xã hội Happy Home.
Tranh cãi đề xuất đánh thuế luỹ tiến bất động sản
Trước hệ luỵ của hành vi đầu cơ gây nhiễu loạn thị trường bất động sản, cử tri nhiều tỉnh, thành đề nghị Bộ Tài chính đánh thuế lũy tiến đối với những người sở hữu nhiều bất động sản để chống đầu cơ, từ đó giúp hạ giá bất động sản. Đề xuất này đang gây nhiều ý kiến trái chiều.
Ở phía ủng hộ việc đánh thuế lũy tiến, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP.HCM (HoREA), cho rằng từ năm 2017 thị trường BĐS lặp đi lặp lại nhiều đợt sốt giá đất, nhất là cơn sốt giá đất xảy ra liên tiếp trên diện rộng, gây nhiều hệ quả tiêu cực, làm mất cơ hội tạo lập nhà ở của đông đảo người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp ở đô thị... Do đó, cần đánh thuế cao đối với hành vi bán, chuyển nhượng lại nhà, đất ngay sau khi tạo lập để triệt tiêu ý chí đầu cơ của nhà đầu tư “lướt sóng”. Đối với các dự án, khu đất không đưa vào khai thác, để hoang đất cũng cần đánh thuế thật cao nhằm hạn chế đầu cơ.
Theo các chuyên gia của Viện Chiến lược và chính sách tài chính, để hạn chế tình trạng đầu cơ BĐS, chống lãng phí đất đai và đảm bảo các vấn đề xã hội, cần áp dụng biểu thuế suất lũy tiến đánh vào giá trị của BĐS. Theo đó, giá trị BĐS càng cao thì thuế suất áp dụng càng cao.
Trong khi đó, TS Sử Ngọc Khương, Viện phó Viện Nghiên cứu tin học và Kinh tế ứng dụng, lại cho rằng đánh thuế lũy tiến đối với những người sở hữu nhiều BĐS chưa chắc là công cụ hữu hiệu để hạn chế đầu cơ mà chỉ là bài toán tốt để tăng nguồn thu ngân sách. Bởi theo ông Khương, nếu một BĐS có tỷ suất sinh lời 50%, nhà đầu tư sẵn sàng xuống tiền để đóng thuế 20%.
Đồng quan điểm, KTS Trần Tuấn dẫn chứng, nhiều nước cũng đánh thuế lũy tiến đối với người sở hữu nhiều BĐS nhưng vẫn tồn tại một bộ phận các nhà đầu tư mua BĐS để chờ tăng giá bán hưởng chênh lệch hay mua BĐS để cho thuê. Nên nếu nói đánh thuế căn nhà thứ hai, thứ ba… để chặn đầu cơ thì đó là mục tiêu khó đạt được.
An Quý Hưng bị phạt 180 triệu đồng do chậm gửi kinh phí bảo trì
UBND thành phố Hà Nội vừa có Quyết định số 2557/QĐ-XPVPHC ngày 21-7-2022 xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH An Quý Hưng (Km28 quốc lộ 6A, xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ) vì đã có hành vi chậm gửi kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư dưới hình thức có kỳ hạn tại tổ chức tín dụng.
Theo đó, Công ty TNHH An Quý Hưng bị xử phạt 180 triệu đồng và buộc gửi kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư đúng quy định. Thời hạn thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là 10 ngày kể từ khi nhận được quyết định.
Trước đó, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội đã kiểm tra việc thu, nộp và sử dụng kinh phí bảo trì của chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng nhà chung cư cao tầng - khu C thuộc dự án Khu nhà ở Thượng Thanh, phường Thượng Thanh, quận Long Biên. Dự án do Công ty TNHH An Quý Hưng là chủ đầu tư. Qua đó, Đoàn Thanh tra đã phát hiện hành vi vi phạm nêu trên của chủ đầu tư.
Xem thêm: Vinaconex ITC - Chủ đầu tư dự án Cát Bà Amatina không có doanh thu trong 6 tháng đầu năm
Cẩn trọng trước ‘tin giả’ về sốt đất tại Lâm Đồng
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa yêu cầu kiểm tra, xử lý các hành vi đăng tải thông tin không đúng về ‘sốt đất’ nhằm đẩy giá lên cao, kích cầu thị trường trên mạng xã hội.
Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các sở, ban, ngành và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tiến hành kiểm tra, phát hiện và xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi quảng cáo sai sự thật về dự án bất động sản.
Cùng với đó là hành vi đăng tải thông tin không đúng về ‘sốt đất’ để đẩy giá đất lên cao, kích cầu thị trường trên mạng xã hội.
UBND tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý tình trạng một số tổ chức, cá nhân mở bán, huy động vốn khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, huy động vốn ‘lách luật’ thông qua các hình thức ‘hợp đồng đặt cọc’, ‘hợp đồng giữ chỗ’.
Trước đó, ngày 27/6/2022, Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng phát đi Công văn số 653/STP-BTTP gửi Sở Xây dựng tỉnh về việc báo cáo giá bán và cho thuê nhà ở và một số loại hình bất động sản khác trên địa bàn tỉnh quý 2/2022.
Theo đó, trong quý 2/2022, toàn tỉnh Lâm Đồng có 19.669 giao dịch đất nền thành công qua công chứng với hơn 21.283 tỷ đồng. Song song với đó, toàn tỉnh có 1.113 giao dịch nhà ở riêng lẻ thành công qua công chứng.
Như vậy, số lượng giao dịch nhà đất tại thị trường bất động sản Lâm Đồng trong quý 2/2022 đã tăng mạnh so với thời điểm quý 1/2022.
Bình Phước công bố kết luận Thanh tra các sai phạm đất đai tại huyện Chơn Thành
Mới đây, UBND tỉnh Bình Phước đã ra văn bản số 91/TB-T.Tr của kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong quản lý, sử dụng đất trên địa bàn huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.
Kết luận thanh tra cho biết, việc thực hiện các quy định về đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất có nhiều vấn đề như chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở, tại thời điểm xin chuyển mục đích đã có nhà trên đất, nhưng không có tài liệu thể hiện việc xử phạt của cơ quan có thẩm quyền.
Theo Kết luận thanh tra, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Chơn Thành đã để xảy ra một số thiếu sót như tờ trích lục bản đồ địa chính không có chữ ký của Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai, Phiếu chuyển thông tin địa chính ghi sai diện tích đất chuyển nhượng.
Việc giải quyết hồ sơ chuyển quyền sử dụng đất cho người dân, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Chơn Thành và Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh có chậm trễ thời gian so với quy định.
Việc thu và sử dụng nguồn thu từ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chuyển quyền sử dụng đất, thu tiền dịch vụ của người dân áp dụng tính thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo phương pháp trực tiếp tính thuế suất GTGT 10% và hạch toán nộp thuế theo tỷ lệ 5% trên tổng doanh thu chưa đúng quy định với tổng số tiền 1.446.860.177 đồng.
Ngoài ra, Thanh tra tỉnh Bình Phước còn phát hiện trên địa bàn huyện Chơn Thành còn có tình trạng các đơn vị kinh doanh bất động sản tự thiết kế, vẽ bản đồ quy hoạch, tự đặt tên các dự án khu dân cư (không được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương thực hiện) để quảng cáo, chào bán đất đã tách thửa.
Ngọc Lan/Theo Sở hữu trí tuệ
Link nguồn: https://sohuutritue.net.vn/tin-bat-dong-san-noi-bat-trong-tuan-tranh-cai-de-xuat-danh-thue-luy-tien-bat-dong-san-d146622.html