Hải Dương lùi tiến độ dự án nhà ở 40ha của Constrexim; Khánh Hòa xử lý dứt điểm việc "treo" hàng nghìn sổ hồng tại các khu đô thị; TP HCM quyết liệt tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho 148 dự án bất động sản… là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
Hải Dương lùi tiến độ dự án nhà ở 40ha của Constrexim; Khánh Hòa xử lý dứt điểm việc "treo" hàng nghìn sổ hồng tại các khu đô thị; TP HCM quyết liệt tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho 148 dự án bất động sản… là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công khai danh sách các dự án bị thu hồi đất do không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất trong giai đoạn 2018-2022 tại tỉnh Tây Ninh.
Trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh đã có công văn gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc công khai danh sách kết luận thanh tra đối với dự án bị thu hồi đất do không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất giai đoạn 2018-2022.
Theo danh sách thống kê gửi tới Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh đã thu hồi đất của 5 dự án bao gồm: Dự án Nhà máy gạch không nung của Công ty Cổ phần gạch không nung Nam Đô; dự án Xây dựng chợ Đồng Khởi của Công ty TNHH Đầu tư xây dựng thương mại Phú An Thuận; dự án Xây dựng nhà máy sản xuất đồ gỗ xuất khẩu của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu bao bì Trảng Bàng; dự án Xây dựng Trạm cấp nước của Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế xây dựng công nghệ môi trường Hùng Phương và dự án Nhà máy sản xuất sợi và các sản phẩm từ sợi của Công ty TNHH Sợi Tây Ninh.
Trong số 5 dự án bị thu hồi đất, có 3 dự án không đưa đất vào sử dụng, gồm: dự án Xây dựng chợ Đồng Khởi của Công ty TNHH Đầu tư xây dựng thương mại Phú An Thuận (tại xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành); dự án Xây dựng Trạm cấp nước của Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế xây dựng công nghệ môi trường Hùng Phương (tại xã Long Thuận, huyện Bến Cầu) và dự án Nhà máy sản xuất sợi và các sản phẩm từ sợi của Công ty TNHH Sợi Tây Ninh (tại xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu).
2 dự án còn lại bị thu hồi do chậm đưa đất vào sử dụng là: dự án Nhà máy gạch của Công ty Cổ phần gạch không nung Nam Đô (tại xã Thái Bình, huyện Châu Thành) và dự án Xây dựng nhà máy sản xuất đồ gỗ của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu bao bì Trảng Bàng (tại xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu).
Được biết, trước đó trong các năm 2018, 2022, 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh đã tiến hành thanh tra việc quản lý, sử dụng đất tại các dự án của các doanh nghiệp nói trên. Qua thanh tra, đã phát hiện các dự án trên vi phạm Luật Đất đai 2013. Cụ thể điểm i khoản 1 Điều 64 (Thu hồi do vi phạm pháp luật về đất đai).
UBND tỉnh Hải Dương đã có quyết định chấp thuận chủ trương điều chỉnh Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư hồ Mật Sơn, thị xã Chí Linh (nay là TP Chí Linh).
Theo UBND tỉnh Hải Dương, công tác bồi thường, giải phóng mặ bằng của dự án gặp khó khăn, nhà đầu tư chậm được bàn giao đất để thực hiện dự án.
Do đó, dự án được điều chỉnh về tiến độ, cụ thể: xây dựng hoàn thành các công trình hạ tầng kỹ thuật của dự án xong trước ngày 30/6/2024; xây dựng hoàn thành các công trình do chủ đầu tư cấp I trực tiếp đầu tư, khai thác, kinh doanh xong trước ngày 30/6/2025.
Khu dân cư Hồ Mật Sơn được triển khai với quy mô 41ha tại TP Chí Linh.
Dự án nằm ngay đường QL 18, tuyến đường nối liền Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) với thủ đô Hà Nội và được quy hoạch thành 7 khu chức năng: Khu du lịch lữ hành và du lịch sinh thái; Khu văn phòng các cơ quan và trung tâm thương mại; Khu cơ quan hành chính; Khu trường tiểu học; Khu nhà trẻ, mẫu giáo; Khu thương mại tổng hợp; Khu nhà ở biệt thự, nhà vườn và nhà liền kề.
Được biết, Công ty Kinh doanh phát triển nhà (Constrexim-HOD) có trụ sở tại 39 Nguyễn Đình Chiểu được Công ty mẹ là Công ty Đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu Việt Nam (Constrexim Holdings) - Bộ Xây dựng ủy quyền làm chủ đầu tư dự án. Dự án Khu dân cư Hồ Mật Sơn đã được khởi công ngày 25/6/2005, dự kiến hoàn thành sau 2 năm kể từ ngày khởi công.
Tỉnh uỷ Khánh Hòa vừa yêu cầu UBND tỉnh này xử lý dứt điểm những tồn tại, vướng mắc trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ hồng) tại khu đô thị, chung cư trên địa bàn TP Nha Trang.
Ngày 28/8, UBND tỉnh Khánh Hòa đã nhận được thông báo kết luận giao ban tháng 7 của Phó Bí thư Tỉnh ủy. Tại thông báo này, Tỉnh uỷ Khánh Hòa đã yêu cầu UBND tỉnh xử lý dứt điểm những tồn tại, vướng mắc trong cấp giấy sổ hồng tại khu đô thị, chung cư trên địa bàn TP Nha Trang.
Sau khi nhận thông báo, UBND tỉnh Khánh Hòa đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Sở Xây dựng, UBND TP Nha Trang khẩn trương thực hiện chỉ đạo trên; báo cáo tham mưu UBND tỉnh, hoàn thành trước ngày 15/9.
Tại TP Nha Trang có nhiều dự án khu đô thị đã hoàn thành từ nhiều năm, nhưng chậm ra sổ hồng như: Khu đô thị VCN Phước Long, Khu đô thị VCN Phước Long 2, Khu đô thị mới Phước Long, Khu đô thị mới Lê Hồng Phong 1 và 2... Hầu hết các dự án này đều bị vướng về thủ tục đất đai, thủ tục đầu tư hay nghĩa vụ tài chính. UBND tỉnh Khánh Hòa đã nhiều lần có văn bản chỉ đạo các sở, ngành trong tỉnh rà soát thủ tục pháp lý của các dự án để kịp thời cấp sổ hồng cho người dân.
Riêng dự án Khu đô thị Lê Hồng Phong 2 của Công ty CP Bất động sản Hà Quang, hơn 1.200 hộ dân mua đất tại liên tục gửi đơn khiếu nại trong hơn 10 năm qua vì chủ đầu tư không thể cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại dự án Chung cư P.H của Công ty CP Thương mại Đầu tư P.H Nha Trang. Dự án này có 3 block 26 tầng với 1.400 căn hộ, đến nay chủ đầu tư đã bán trên 80% căn hộ tại dự án.
Trong báo cáo kết quả về tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu trên địa bàn, UBND TP HCM cho biết, đã tổ chức họp để có hướng chỉ đạo tháo gỡ ngay đối với 16/32 dự án mà Tổ công tác 1435 chuyển đến. Còn lại 16/32 dự án, TP HCM đã giao các sở, ban ngành tiếp tục rà soát pháp lý để tổng hợp, báo cáo xem xét giải quyết cụ thể từng trường hợp.
Hiện TP HCM đang tập trung tháo gỡ vướng mắc liên quan đến dự án nhà ở thương mại mà cuối năm 2022 UBND TP HCM đã tổng hợp, rà soát những vướng mắc, khó khăn trong lĩnh vực đầu tư, quy hoạch, đất đai, nhà ở, xây dựng, kinh doanh bất động sản để báo cáo Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ (Tổ 1435).
Cùng với đó, UBND TP HCM chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, tổ chức làm việc với Hiệp hội Bất động sản TP HCM cùng các sở, ban ngành để tiếp tục tổng hợp, phân nhóm các vướng mắc theo thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết của các sở, ngành tham mưu thành phố tổ chức họp chuyên đề giải quyết.
Theo đó, từ 189 kiến nghị của 148 dự án do Hiệp hội Bất động sản TP HCM tổng hợp kiến nghị tháo gỡ vướng mắc, đến nay các sở, ngành đã giải quyết đối với 43 kiến nghị của 39 dự án. Thời gian tới sẽ tiếp tục tập trung tháo gỡ đối với 71 kiến nghị của 48 dự án liên quan đến thủ tục đầu tư xây dựng.
Đối với 30 kiến nghị của 30 dự án liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, UBND TP HCM đã giao Sở Tài nguyên - Môi trường TP HCM tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ giải quyết.
Huy Tùng (T/h)