Khu công nghiệp hơn 500 tỷ đồng 4 năm chưa hoạt động; Nam Định sắp đấu giá 168 lô đất tại huyện Nghĩa Hưng;Bắc Ninh phê duyệt xây dựng khu công nghiệp sạch tại huyện Yên Phong…là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
Khu công nghiệp hơn 500 tỷ đồng 4 năm chưa hoạt động; Nam Định sắp đấu giá 168 lô đất tại huyện Nghĩa Hưng;Bắc Ninh phê duyệt xây dựng khu công nghiệp sạch tại huyện Yên Phong…là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
Đà Nẵng thu hồi dự án không triển khai
Mới đây, tại hội thảo thu hút đầu tư lĩnh vực công nghệ cao TP Đà Nẵng, nhiều nhà đầu tư, đơn vị tư vấn quốc tế đặt vấn đề vì sao số dự án thu hút đầu tư và tỷ lệ lấp đầy theo báo cáo của TP Đà Nẵng khá cao, tuy nhiên, qua khảo sát thực tế của nhà đầu tư thì diện tích đất trống trên thực tế còn rất nhiều?
Thông tin về vấn đề này, ông Nguyễn Công Tiến, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng (Ban Quản lý) thông tin, đến hết quý I/2023, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng đã thu hút 29 dự án với tổng vốn đầu tư 905 triệu USD. Trong đó, khu sản xuất công nghệ cao tỷ lệ lấp đầy đạt 55%, khu nghiên cứu và phát triển (R&D) tỷ lệ lấp đầy đạt 4,45%, khu hậu cần/dịch vụ logistics đạt hơn 60%.
Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 8/29 dự án đã triển khai và đi vào hoạt động. Dự kiến, trong năm 2023 sẽ có thêm 3 - 4 dự án triển khai xây dựng và đi vào hoạt động.
Theo ông Tiến, thực tế hiện nay, trong Khu Công nghệ cao có một số dự án gặp nhiều khó khăn do hậu COVID-19, nhiều dự án chậm triển khai và khả năng không triển khai được.
Vì vậy, trong thời gian tới, Ban Quản lý sẽ tiến hành rà soát và thu hồi các dự án chậm triển khai để giao cho các nhà đầu tư mới có năng lực, có dự án đầu tư vào khu công nghệ cao.
"Hiện Khu Công nghệ cao Đà Nẵng vẫn còn quỹ đất để các nhà đầu tư đến tìm hiểu và đầu tư. Riêng đối với các dự án chậm triển khai, việc thu hồi dự án sẽ phải theo quy định và sẽ mất thời gian. Tuy nhiên, Ban Quản lý sẽ cố gắng đẩy nhanh để thu hồi những dự án không khả thi để có thêm quỹ đất cho nhà đầu tư", ông Tiến nói.
Đặc biệt, đối với lĩnh vực logistics, ông Tiến cho biết, hiện Ban Quản lý đang tiến hành thu hồi một số dự án để nhường lại nhu cầu cho các nhà đầu tư mới. Và hiện đã có một số doanh nghiệp có năng lực trong lĩnh vực logistics đã liên lạc với Ban để tìm hiểu, xúc tiến đầu tư
"Chúng tôi đã trao đổi làm việc và sẵn sàng đi thu hồi đất để giao lại cho nhà đầu tư mới. Thành phố thực sự mong muốn có một trung tâm logistics hiện đại bậc nhất thế giới", ông Tiến nói.
Gia Lai: Khu công nghiệp hơn 500 tỷ đồng 4 năm chưa hoạt động
Vừa qua, ông Nguyễn Như Trình - Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế (BQL KKT) tỉnh Gia Lai cho biết, UBND tỉnh đang tập trung tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục tại Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Nam Pleiku - tỉnh Gia Lai.
“Công tác thẩm định chờ các bộ, ngành trả lời, văn bản pháp luật thay đổi nên bị vướng một số thủ tục. Tỉnh cũng đang sốt ruột khi dự án này bị chậm trễ”, ông Trình nói.
Theo tìm hiểu, năm 2019, Phó Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Nam Pleiku - tỉnh Gia Lai. Dự án nằm trên diện tích 191 ha, có tổng vốn đầu tư 517 tỷ đồng. Nhà đầu tư là Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê, thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam. Dự án trải dài trên địa bàn 2 huyện Chư Sê và Chư Prông.
Sau khi được Trung ương phê duyệt đầu tư, Công ty Cao su Chư Sê đã đưa nhân công, máy móc vào san gạt làm hạ tầng. Tại đây, một mặt bằng rộng lớn đã hình thành. Công trình với 2 làn đường thẳng tắp, dài hàng trăm mét, được chia cắt bởi vòng xuyến xung quanh. Đường thoát nước, đấu nối đường điện và nhiều cây xanh đều được công ty đầu tư.
Khu Công nghiệp này có vị trí đẹp khi nằm trên trục quốc lộ 14. Từ đây, dễ dàng di chuyển đi các tỉnh Đắk Lắk, Phú Yên, Kon Tum, Campuchia, Lào... trên các tuyến quốc lộ 25, 19, 14.
Với lợi thế như vậy, tỉnh Gia Lai kỳ vọng khu công nghiệp này sẽ thu hút được nhiều doanh nghiệp vào đầu tư, xây dựng công ty, nhà xưởng. Tuy nhiên, đã hơn 4 năm nay, chưa có một nhà xưởng nào mọc lên ở đây khiến nhiều người qua lại quốc lộ 14 cảm thấy hụt hẫng, tiếc nuối.
Theo ông Nguyễn Như Trình - Trưởng BQL KKT tỉnh Gia Lai, đất của dự án thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam. Tập đoàn này giao Công ty Cao su Chư Sê làm nhà đầu tư dự án. Công ty có nhiệm vụ kinh doanh cơ sở hạ tầng, gọi mời các doanh nghiệp về đầu tư, ngược lại sẽ thu lại tiền cho thuê đất.
Nam Định sắp đấu giá 168 lô đất tại huyện Nghĩa Hưng
Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Nam Định và UBND huyện Nghĩa Hưng đang phối hợp tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng 168 lô đất cho nhân dân làm nhà ở tại huyện Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định) vào ngày 18/5/2023.
Theo thông báo, tài sản đấu giá là quyền sử dụng 168 lô đất tại xã Hoàng Nam, xã Nghĩa Minh, xã Nghĩa Châu với tổng diện tích 23.757 m2. Đơn giá khởi điểm từ 4,5 - 25 triệu đồng/m2, tổng giá khởi điểm của các lô ước khoảng 352,968 tỷ đồng.
Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Nam Định cho biết, hồ sơ tham gia đấu giá được bán và nhận từ nay đến 15/5/2023. Địa điểm mua và nộp hồ sơ tại Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Nam Định, UBND xã Nghĩa Châu, xã Hoàng Nam và xã Nghĩa Minh, huyện Nghĩa Hưng.
Khách hàng tham gia đấu giá 168 lô đất là hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai. Cuộc đấu giá sẽ tổ chức bằng cách bỏ phiếu trực tiếp, một vòng đối với từng lô đất tại cuộc đấu giá và theo phương thức trả giá lên. Buổi đấu giá tổ chức vào ngày 18/5/2023 tại UBND xã Nghĩa Châu, huyện Nghĩa Hưng.
Liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất, Trung tâm thông tin, ngay từ những tháng đầu năm 2023, công tác này đã được tích cực triển khai. Cụ thể, Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Nam Định và Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định đã ký Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản số 103/2022/HĐDVĐGTS, tổ chức đấu giá tài sản là 32 lô đất cho nhân dân làm nhà ở tại khu dân cư tập trung xã Nghĩa Trung với tổng diện tích là 3.310,5 m2.
Theo đó, ngày 8/1/2023, Trung tâm tổ chức công khai cuộc đấu giá tài sản đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định. Kết quả biên bản đấu giá lập tại trụ sở UBND xã Nghĩa Trung thì số lô đất đấu giá thành 24 lô, tổng giá khởi điểm hơn 22,680 tỷ đồng, tổng giá bán hơn 23,855 tỷ đồng.
Ngoài ra, ngày 14/1/2023, Trung tâm cũng tổ chức công khai cuộc đấu giá tài sản là quyền sử dụng 9 lô đất tại xã Nghĩa Hồng, tổng diện tích 1.092,0 m2. Trong đó, tổng số lô đất đấu giá thành công là 6/9 lô đất, với số tiền thu được 3,463 tỷ đồng.
Bắc Ninh phê duyệt xây dựng khu công nghiệp sạch tại huyện Yên Phong
Vừa qua, UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành quyết định về việc phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng khu công nghiệp tập trung thân thiện với môi trường tại huyện Yên Phong.
UBND tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành quyết định về việc phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng Khu công nghiệp (KCN) Yên Phong II - A ở huyện Yên Phong.
Theo đó, đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng KCN Yên Phong II - A (tỷ lệ 1/500) có phạm vi nghiên cứu trên toàn bộ diện tích xã Tam Giang và xã Hòa Tiến thuộc huyện Yên Phong.
KCN này có tổng diện tích lập quy hoạch khoảng 158,81 ha. Trong đó, đất công nghiệp khoảng 151,27 ha, đất cải tạo mở rộng nghĩa trang hiện hữu khoảng 7,50 ha.
Quy mô số lượng công nhân, người lao động khoảng 15.100 người.
Đây là khu công nghiệp tập trung thân thiện với môi trường có đầy đủ các khu vực chức năng: Hành chính - dịch vụ; cây xanh; hạ tầng kỹ thuật, giao thông, bãi đỗ xe; đất xây dựng nhà máy.
Định hướng là KCN sạch, ưu tiên các ngành công nghiệp điện tử, viễn thông, dược phẩm, công nghiệp hỗ trợ, vật liệu mới, chế tạo thiết bị.
Về quy hoạch sử dụng đất KCN Yên Phong II - A, đất khu hành chính, dịch vụ được bố trí tại vị trí gần nút giao đường quốc lộ 3 với quốc lộ 18 của khu quy hoạch. Khu đất bố trí nhà điều hành và dịch vụ có ngân hàng, văn phòng ban quản lý hoặc doanh nghiệp quản lý KCN, khu trưng bày giới thiệu sản phẩm, văn phòng, trung tâm điều hành logistics đảm bảo phù hợp với chức năng sử dụng đất theo quy định. Tổng diện tích đất điều hành gần 175.000 m2, chiếm 11,57% diện tích đất KCN.
Đất xây dựng nhà máy sản xuất và kho tàng có diện tích gần 832.000 m2, chiếm 55% đất KCN Yên Phong II - A. Đất xây dựng khu cây xanh công viên, hồ điều hòa và cây xanh cách ly hơn 172.000 m2. Đất xây dựng mương thủy lợi đảm bảo tiêu nước trong KCN có diện tích mặt nước gần 20.000 m2. Đất xây dựng nhà máy nước thải, vệ sinh môi trường, nhà máy cấp nước, công trình hạ tầng kỹ thuật khác có diện tích gần 47.000 m2. Đất giao thông có diện tích hơn 266.000 m2.
Huy Tùng (T/h)