Nhiều địa phương chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội; Quảng Nam yêu cầu rà soát quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; Long An thu hút nhiều dự án đầu tư mới trong khu công nghiệp… là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
Nhiều địa phương chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội; Quảng Nam yêu cầu rà soát quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; Long An thu hút nhiều dự án đầu tư mới trong khu công nghiệp… là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
Nguồn cung thiếu, giá chung cư Hà Nội lập kỷ lục mới
Theo dữ liệu từ CBRE ghi nhận, giá bán chung cư trung bình ở Hà Nội đã lập đỉnh mới, đạt ngưỡng 1.293 USD/m2, tăng 9% so với cùng kỳ và cao hơn nhiều so với mức tăng 4-5% của TP HCM. Thậm chí, các dự án cao cấp ở một số quận trung tâm như Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình còn có mức tăng trên 10% theo năm.
Theo khảo sát thực tế trên trang Batdongsan.com.vn, giá bán căn hộ ở tòa chung cư cao cấp trên đường Láng Hạ (quận Ba Đình) gây “choáng” với hơn 100 triệu đồng/m2.
Không chỉ ở khu vực nội thành mà đi ra xa một chút khu vực vùng ven Hà Nội, giá chung cư cũng được bán với giá cao ngất ngưởng.
Đơn cử như một số dự án ở quận Nam Từ Liêm hay huyện Hoài Đức cũng có giá khá cao trên 50 triệu đồng/m2. Đáng chú ý, tại quận Nam Từ Liêm, dự án Vinhome Smart City đang có giá chuyển nhượng trên dưới 50 triệu đồng/m2 đối với các căn hộ ở 1-2 năm nay.
Tại khu vực Long Biên, dự án Khai Sơn cũng vừa mở bán với mức giá từ 43 triệu đồng/m2 trở lên…
Về giá căn hộ chung cư, Bộ Xây dựng nhìn nhận giá căn hộ chung cư vẫn tăng so với thời điểm cuối năm 2021. "Các dự án nhà ở thương mại tại khu vực trung tâm đô thị hầu như không có căn hộ dưới 25 triệu đồng/m2, mức giá này chỉ có tại một số ít các dự án tại khu vực xa trung tâm", Bộ này cho biết.
Lý giải chung cư tăng giá liên tục thời gian vừa qua, trao đổi với báo chí, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao Savills Hà Nội cho rằng, hiện nay số lượng căn hộ bán ở quý II/2022 tại Hà Nội chiếm trên 2.000 căn và đầu năm 2022 mới khoảng trên 6.000 căn, tỷ lệ bán được chưa bằng 1/4 so với năm 2018 - 2019.
Nhiều địa phương chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội
Theo tìm hiểu, nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động khu công nghiệp; chưa đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm để dành nguồn lực thực hiện kiểm tra, đôn đốc.
Chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp; chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội, dẫn đến thiếu quỹ đất sạch để triển khai các dự án nhà ở xã hội (tổng diện tích đất ở đã bố trí để phát triển nhà ở xã hội của cả nước là 3.359,07ha chỉ đạt 36,34% so với nhu cầu phát triển nhà ở xã hội đến năm 2020).
Chưa quan tâm hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài khu vực các dự án nhà ở xã hội từ nguồn ngân sách địa phương. Chưa sử dụng nguồn tiền thu được từ đóng tiền sử dụng đất thay thế cho 20% quỹ đất trong các dự án khu đô thị, dự án nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất dưới 10ha để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn theo quy định.
Chưa thực sự quyết liệt trong công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và người dân tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội dẫn đến thời gian chuẩn bị đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, thời gian thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án… vẫn còn kéo dài.
Một số doanh nghiệp, tập đoàn kinh doanh bất động sản lớn trong thời gian vừa qua mới chỉ tập trung vào việc phát triển các khu đô thị, nhà ở, khu nghỉ dưỡng cao cấp mà chưa quan tâm đến việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội dành cho các đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp sử dụng nhiều công nhân, người lao động chưa quan tâm đến nhà ở cho công nhân, người lao động.
Mới đây, để xây thêm cả triệu căn nhà ở xã hội trong những năm tới, Bộ Xây dựng đề xuất với Thủ tướng nghiên cứu sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Thuế…, trong đó tập trung sửa đổi các cơ chế chính sách cho nhóm người thu nhập thấp, quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện thụ hưởng chính sách.
Quảng Nam yêu cầu rà soát quỹ đất phát triển nhà ở xã hội
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Quảng Nam, ông Trần Anh Tuấn yêu cầu Sở Xây dựng tiếp tục chủ động và phối hợp với các đơn vị để tham mưu UBND tỉnh các giải pháp để đẩy mạnh triển khai phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các đối tượng xã hội, người có thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Ông Trần Anh Tuấn cũng giao Sở Xây dựng triển khai hoàn thành các chỉ tiêu về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2030, cũng như Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025.
Sở Xây dựng có trách nhiệm khảo sát, học tập các địa phương khác trong công tác tham mưu UBND tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trên địa bàn tỉnh đảm bảo hiệu lực, hiệu quả đúng quy định pháp luật nhằm thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn, uy tín trong lĩnh vực bất động sản để triển khai đầu tư xây dựng.
Đối với các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp độc lập, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam giao Sở Xây dựng rà soát, kiểm tra, đánh giá các dự án nhà ở xã hội đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh, các khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế từng dự án cụ thể; đánh giá làm rõ các nguyên nhân, để đề xuất hướng giải quyết.
Đối với các quỹ đất nhà ở xã hội thuộc các dự án nhà ở Thương mại đang triển khai, UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở Xây dựng chủ trì, rà soát cụ thể các quỹ đất phát triển nhà ở xã hội.
Trường hợp do các chủ đầu tư trực tiếp đầu tư, tham mưu UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư có trách nhiệm, cam kết thời gian triển khai thực hiện.
Trường hợp đề xuất bàn giao hoặc đã bàn giao về địa phương quản lý, Sở Xây dựng khẩn trương phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư để có kế hoạch kêu gọi đầu tư hoặc giao cho địa phương thực hiện các dự án đầu tư bằng hình thức đầu tư công từ nguồn thu tiền sử dụng đất của các dự án nhà ở thương mại trích vào quỹ để phát triển nhà ở xã hội và lồng ghép với các nguồn vốn khác…
Long An thu hút nhiều dự án đầu tư mới trong khu công nghiệp
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An , từ đầu năm 2022 đến nay, các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh thu hút 65 dự án đầu tư mới.
Trong đó có 27 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) và 38 dự án đầu tư trong nước (DDI) với tổng vốn đầu tư cấp mới 248 triệu USD và 14.867 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, có 64 dự án trong các KCN điều chỉnh vốn. Cụ thể, 48 dự án FDI điều chỉnh với tổng vốn điều chỉnh tăng 110 triệu USD, 16 dự án DDI điều chỉnh với tổng vốn điều chỉnh tăng 972 tỷ đồng.
So cùng kỳ năm 2021, số dự án đăng ký mới giảm nhưng bù lại số vốn đầu tư từ dự án FDI và DDI đều tăng.
Lũy kế từ khi có KCN cho đến nay, các KCN tại Long An thu hút được 1.742 dự án (gồm 836 dự án FDI và 906 dự án DDI), với tổng vốn đầu tư đạt 5,5 tỷ USD và 113.950 tỷ đồng.
Tính đến nay, toàn tỉnh được quy hoạch 37 KCN với tổng diện tích 12.285 ha. Trong đó, 35 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam với tổng diện tích là 11.944,9 ha và hai KCN nằm trong Khu kinh tế cửa khẩu Long An với tổng diện tích 340,5 ha.
Hiện diện tích đất công nghiệp đã chuyển nhượng hoặc cho thuê tại 18 KCN đang hoạt động là hơn 2.905 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 86,85%. Diện tích đất công nghiệp lấp đầy tăng thêm từ đầu năm đến nay là 110,58 ha.
Các KCN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 76.789 lao động đang làm việc tại 1.568 doanh nghiệp trong KCN, trong đó có gần 3.000 lao động nước ngoài.
Xem thêm: Khu nghỉ dưỡng Greenhill Village Quy Nhơn được điều chỉnh tăng vốn gấp hơn 11 lần, lên 2.595 tỷ đồng
Huy Tùng (t/h)