Quảng Ngãi tìm được nhà đầu tư dự án khu đô thị hơn 3.000 tỷ đồng; Quảng Trị có thêm dự án khu đô thị sinh thái Nam Đông Hà hơn 500 tỷ đồng; HoREA kiến nghị Tổ công tác của Chính phủ tháo gỡ cho 3 dự án… là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
Quảng Ngãi tìm được nhà đầu tư dự án khu đô thị hơn 3.000 tỷ đồng; Quảng Trị có thêm dự án khu đô thị sinh thái Nam Đông Hà hơn 500 tỷ đồng; HoREA kiến nghị Tổ công tác của Chính phủ tháo gỡ cho 3 dự án… là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
Đồng Tháp ra “tối hậu thư” cho dự án Khách sạn quốc tế Sao Mai
Mới đây, UBND tỉnh Đồng Tháp chấp thuận chủ trương cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai gia hạn thời gian sử dụng đất thực hiện dự án xây dựng Khách sạn quốc tế Sao Mai, thành phố Sa Đéc.
Cụ thể, gia hạn thời gian sử dụng đất thực hiện dự án xây dựng Khách sạn quốc tế Sao Mai với diện tích 13.079,9 m2 tại phường 2, thành phố Sa Đéc theo nội dung đề xuất của Sở Tư pháp tại Công văn số 1929/STP-QLXLVPHC&TDTHPL ngày 29/11/2022 và Sở Kế hoạch Đầu tư tại Công văn số 3095/SKHĐT-HTĐT ngày 15/11/2022.
Cụ thể, thời gian gia hạn hoàn thành dự án và đi vào hoạt động tối đa là 24 tháng (được tính từ ngày cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định gia hạn).
Trường hợp Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai không thực hiện theo đúng tiến độ cam kết thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất.
UBND tỉnh giao UBND thành phố Sa Đéc theo dõi, giám sát chặt chẽ tiến độ thực hiện dự án theo cam kết của Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai; định kỳ 06 tháng báo cáo tiến độ UBND tỉnh. UBND tỉnh cũng lưu ý, trong 06 tháng đầu gia hạn nếu Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai không triển khai thực hiện theo cam kết thì tiến hành thủ tục thu hồi đất.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài chính về tiền thuê đất trong thời gian được gia hạn nêu trên.
Sở Tài nguyên và Môi trường được giao xác lập thủ tục, tham mưu UBND Tỉnh ban hành quyết định gia hạn thời gian thực hiện dự án theo quy định.
Được biết, dự án Khách sạn quốc tế Sao Mai được đề xuất lần đầu vào năm 2015 và có diện tích sử dụng đất là 12.508 m2, quy mô xây dựng dự kiến 17 tầng cao và 1 tầng bán hầm với tổng diện tích sàn khoảng 43.665 m2. Khách sạn có 224 phòng ngủ các loại, nhà hàng tiệc cưới, trung tâm dịch vụ…
Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 600 tỷ đồng, trong đó, vốn tự có của Tập đoàn Sao Mai là 120 tỷ đồng, vốn vay và huy động khoảng 480 tỷ đồng. Thời gian hoạt động dự án là 50 năm.
Quảng Ngãi tìm được nhà đầu tư dự án khu đô thị hơn 3.000 tỷ đồng
Mới đây, ông Đặng Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi ký Quyết định số 18/QĐ-UBND về việc chấp thuận nhà đầu tư dự án khu đô thị Bàu Giang.
Theo đó, Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và bất động sản Thăng Long được chấp thuận là nhà đầu tư thực hiện dự án khu đô thị Bàu Giang đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 795/QĐ-UBND ngày 21/7/2022.
Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và bất động sản Thăng Long có địa chỉ tại đường tỉnh lộ 304, xã Tân Tiến, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo quyết định vừa được phê duyệt nêu trên, dự án khu đô thị Bàu Giang có quy mô 3.318 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là 500 tỷ đồng và nguồn vốn huy động là 2.818 tỷ đồng.
Dự án có tiến độ thực hiện từ quý 1/2023 đến quý 4/2028, với thời hạn hoạt động là 49 năm kể từ ngày ký quyết định giao đất, cho thuê đất.
Trước đó, ngày 21/7/2022, UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Quyết định số 795/QĐ-UBND về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị Bàu Giang, với tổng vốn đầu tư 3.318 tỷ đồng.
Dự án có quy mô diện tích 495.932 m2. Trong đó, đất thương mại dịch vụ có diện tích 46.089 m2, với 294 căn nhà ở nằm trên trục đường chính; 119.874 m2 đất ở bán nền với 795 lô đất; 274 căn nhà ở xã hội;…
Dự án có thời gian hoạt động 49 năm, kể từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất và có tiến độ thực hiện trong 6 năm kể từ ngày nhà đầu tư được lựa chọn theo quy định.
Quảng Trị có thêm dự án khu đô thị sinh thái Nam Đông Hà hơn 500 tỷ đồng
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành Quyết định số 34/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án khu đô thị sinh thái Nam Đông Hà.
Theo đó, dự án khu đô thị sinh thái Nam Đông Hà do Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh làm chủ đầu tư.
Dự án có quy mô diện tích 61,99 ha, gồm các hạng mục san nền với diện tích 19,7 ha, đầu tư 16 tuyến đường giao thông, hệ thống thoát nước, hệ thống cấp điện, cây xanh.
Mục tiêu đầu tư dự án nhằm xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu đô thị sinh thái, tạo quỹ đất phục vụ nhu cầu về đất ở, đất thương mại, dịch vụ, đất công trình công cộng, cây xanh; chỉnh trang và phát triển không gian đô thị, góp phần đưa thành phố Đông Hà sớm trở thành đô thị loại II và tạo nguồn thu cho ngân sách tỉnh thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.
Dự án khu đô thị sinh thái Nam Đông Hà có tổng mức đầu tư khoảng 547 tỷ đồng, với tiến độ thực hiện từ năm 2023 đến năm 2026.
Nguồn vốn đầu tư dự án là từ nguồn thu đấu giá quyền sử dụng đất của tỉnh.
UBND tỉnh Quảng Trị giao Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh tổ chức thực hiện dự án đã được phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, đảm bảo chất lượng, tiến độ và hiệu quả dự án.
HoREA kiến nghị Tổ công tác của Chính phủ tháo gỡ cho 3 dự án
Vừa qua, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết đã gửi 3 văn bản đến Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị xem xét tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho 3 dự án bất động sản của 3 doanh nghiệp tại TP HCM, Hưng Yên.
Như vậy, tổng số các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, đô thị được hiệp hội kiến nghị lên đến 149 dự án.
Với 3 dự án mới kiến nghị, đầu tiên là dự án Khu nhà ở cao tầng phường Phú Mỹ, Quận 7 do Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Hưng Lộc Phát làm chủ đầu tư
Trên cơ sở đơn kiến nghị và hồ sơ dự án, Hiệp hội đã kiến nghị UBND TP HCM xem xét, sớm giải quyết kiến nghị của Công ty Hưng Lộc Phát đề nghị chấp thuận điều chỉnh cục bộ quy hoạch tỷ lệ 1/2000 đối với dự án Khu dân cư phường Phú Mỹ, Quận 7, đã có Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được phê duyệt, trên cơ sở cập nhật các chỉ tiêu quy hoạch đã được duyệt tại đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 mà không cần phải giải trình lại các chỉ tiêu quy hoạch đã được phê duyệt, trong đó có chỉ tiêu dân số.
Kế đến là dự án Khu Trung tâm Thương mại và Căn hộ cao cấp tại đường Bến Nghé, phường Tân Thuận Đông, quận 7 của Công ty TNHH Gotec Việt Nam (Công ty Gotec).
Công ty Gotec kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP HCM có chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu Sở Xây dựng TP HCM giải quyết, cấp thông báo đủ điều kiện để bán nhà ở hình thành trong tương lai cho công ty, để cứu doanh nghiệp trong bối cảnh chung đang hết sức khó khăn hiện tại.
Cuối cùng là dự án sản xuất, kinh doanh lương thực, thực phẩm của Công ty cổ phần Chế biến lương thực và Thực phẩm Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.
Vướng mắc của Công ty CP chế biến lương thực và thực phẩm Yên Mỹ là trường hợp doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa khi chuyển mục đích sử dụng đất khác với phương án sử dụng đất đã được phê duyệt trong phương án cổ phần hóa doanh nghiệp. Hoặc tại phương án cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa quy định rõ hoặc không quy định về phương án sử dụng đất, được điều chỉnh mục đích sử dụng đất khi dự án phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt.
Hiệp hội đề nghị UBND tỉnh Hưng Yên quan tâm xem xét kiến nghị của Công ty Yên Mỹ về các vướng mắc nêu trên để có văn bản kiến nghị lên các Bộ, Ngành, Chính phủ, Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, hướng dẫn tháo gỡ.
Huy Tùng (t/h)