UBND tỉnh Thanh Hóa mới đây đã có văn bản giao các sở ngành xem xét thu hồi dự án Khu công nghiệp Hoàng Long bỏ hoang suốt 8 năm của Tập đoàn FLC.
UBND tỉnh Thanh Hóa mới đây đã có văn bản giao các sở ngành xem xét thu hồi dự án Khu công nghiệp Hoàng Long bỏ hoang suốt 8 năm của Tập đoàn FLC.
Văn bản truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp, UBND TP.Thanh Hóa, UBND huyện Hoằng Hóa nghiên cứu đề nghị của Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, báo cáo phương án xử lý trước 8/12/2023.
Chỉ đạo được ban hành sau khi UBND tỉnh Thanh Hóa nhận được công văn ngày 14/11 của Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp về việc thực hiện thủ tục chấm dứt hiệu lực pháp lý văn bản chấp thuận chủ trương, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án đầu tư xây dựng, quản lý và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Hoàng Long của Tập đoàn FLC.
Dự án Khu công nghiệp Hoàng Long rộng gần 300 ha tại các xã Hoằng Anh, Hoằng Long và Hoằng Quang (TP Thanh Hóa) và xã Hoằng Minh, Hoằng Đồng, Hoằng Thịnh (huyện Hoằng Hóa). Dự án được phê duyệt với chức năng là khu công nghiệp đa ngành gồm viễn thông, phần mềm, lắp ráp công nghệ cao, sản xuất đồ công nghiệp tiêu dùng, may mặc, giày da.
Với tổng vốn đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng, khu công nghiệp này dự kiến tạo công ăn việc làm cho 60.000-80.000 lao động sau khi hoàn thành.
Trước đó, hồi tháng 9/2015, FLC đã khởi công dự án này. Tuy nhiên, từ đó đến nay, dự án vẫn đình trệ, mới chỉ xây dựng được phần cổng và một số khu vực có hàng rào bao quanh, bên trong phần lớn vẫn là đất nông nghiệp.
Công ty CP Tập đoàn FLC được biết đến là chủ nhiều dự án bất động sản nổi bật trải dài từ Bắc đến Nam. Trước thời điểm ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, bắt tạm giam, FLC vẫn liên tiếp công bố kế hoạch đầu tư vào loạt dự án mới và nghiên cứu đầu tư, xúc tiến pháp lý cho gần 300 dự án.
Tuy nhiên, sau khi xảy ra sự việc liên quan đến cựu Chủ tịch tập đoàn này, nhiều địa phương đã có động thái dừng xem xét, thu hồi chủ trương nghiên cứu, khảo sát và chấm dứt hoạt động loạt dự án của FLC như Thanh Hóa, Bình Phước, Kon Tum, Hòa Bình, Lâm Đồng, Quảng Ngãi...
Lý do chủ yếu được đưa ra là các dự án được chấp thuận chủ trương lập quy hoạch nhưng tập đoàn vẫn chưa triển khai thực hiện; chưa ký hợp đồng thuê đất và chưa thực hiện các thủ tục về đầu tư...
Đơn cử như tại Bình Phước, hồi tháng 4/2022, Chủ tịch UBND tỉnh này cũng đã ký văn bản hủy bỏ chủ trương lập quy hoạch dự án Khu đô thị mới kết hợp du lịch nghỉ dưỡng hồ Suối Cam quy mô gần 1.800 ha đối với Tập đoàn FLC.
Tiếp đó, hồi 5/8/2022, do không thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký nên 2 dự án tại tỉnh Bình Định của FLC cũng bị cơ quan chức năng yêu cầu chấm dứt hoạt động.
Đáng chú ý, đa số các dự án bị yêu cầu chấm dứt hoạt động của FLC đều là dự án treo. Chẳng hạn, tại Quảng Ngãi, sau 3 năm khởi công, 9 dự án thuộc các lĩnh vực khu đô thị, dịch vụ thương mại, du lịch của Tập đoàn FLC dự kiến triển khai tại Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) vẫn bất động.
Cơ quan chức năng tỉnh này đang phối hợp với các sở, ngành làm việc với Tập đoàn FLC nhằm chấm dứt hoạt động các dự án.
Trung Kiên